Chuyên gia hiến kế giúp vực dậy kinh tế TPHCM

(ĐTTCO) - Khó khăn của TPHCM trong 3 tháng đầu năm 2023 đã được dự báo từ cuối năm 2022. Các chỉ số về kinh tế - xã hội trong quý I phản ánh nỗ lực, quyết tâm vượt khó của thành phố chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Chuyên gia hiến kế giúp vực dậy kinh tế TPHCM

Khó khăn của TPHCM là những vấn đề, thách thức lớn đặt ra, đòi hỏi TP phát huy tối đa nội lực cùng sự trợ giúp kịp thời của các cấp, các ngành trung ương.

TPHCM đạt mức tăng trưởng trong quý I-2023 thấp hơn nhiều so với dự báo (0,7%), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) tụt hạng sâu… là những vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn của toàn xã hội. Nhiều khuyến nghị, góp ý từ chuyên gia, nhà khoa học, nhà kinh tế được đưa ra với mong muốn TPHCM vượt khó, phát triển.

Giảm áp lực lao động phổ thông

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cập nhật giữa tháng 3-2023, trong quý II, tình hình lao động TP phụ thuộc rất lớn vào biến động việc làm trong phạm vi cả nước và khu vực phía Nam.

ThS Nguyễn Thị Lê Uyên, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nhận định, để giảm áp lực lao động phổ thông các tỉnh di cư vào thành phố, cần cơ cấu lại lực lượng sản xuất dựa trên mối liên kết vùng. Theo đó, TP tăng cường đầu tư hoạt động sản xuất vào các địa phương trong vùng đối với những ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông; trên địa bàn TP sẽ tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, phát triển các trung tâm nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo.

Hiện TP đã có chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tự động hóa sản xuất, phát triển kinh tế số… Điều này góp phần giảm lao động phổ thông.

Chuyên gia của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM nhận định, trong ngắn hạn và dài hạn, TP cần có các gói hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ, tự động hóa sản xuất, phát triển kinh tế số góp phần nâng cao năng suất lao động.

Gỡ khó thị trường bất động sản

Theo phân tích của TS Dư Phước Tân, nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, hiện nay, thuế suất của thuế đất phi nông nghiệp nộp định kỳ hàng năm vẫn ở mức thấp (0,03%) so với mức thuế ở các quốc gia lân cận (1%-1,5%). Thuế chuyển quyền sử dụng đất chưa hiệu quả do không xác định được giá trị thu nhập nên thường sử dụng mức thuế chuyển quyền sử dụng đất là 2% tính trên giá trị bất động sản theo Bảng giá nhà nước, nên khá thấp và gây thất thu cho ngân sách.

Quỹ đất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) “chờ” các nhà đầu tư. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Quỹ đất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) “chờ” các nhà đầu tư. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thuế chuyển quyền cần được xem xét bổ sung về góc độ khai báo giá trị giao dịch, kể cả xem xét việc gia tăng thuế suất. Để nâng cao hiệu quả trong việc thu thuế chuyển quyền sử dụng đất, TS Dư Phước Tân gợi mở, có thể nghiên cứu điều chỉnh thuế suất, thí điểm áp dụng theo cơ chế “quyền mua trước của Nhà nước đối với một số giao dịch bất động sản, trong trường hợp giá khai báo tính thuế có giá trị quá thấp so với giá thị trường, đối với các trường hợp giao dịch bình thường”.

Đây cũng là cơ chế đặc thù, nhằm góp phần làm giảm hiện tượng khai báo giá nhà đất giao dịch quá thấp, dưới mức thực tế.

Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu ban hành dạng thuế bất động sản. Với loại thuế này, đối tượng chịu thuế là các tài sản bao gồm đất đai và các tài sản gắn liền trên đất; giá tính thuế cần quy định là giá thị trường để đảm bảo không làm thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước và được điều chỉnh hàng năm.

Gia tăng nguồn năng lượng “sạch”

Điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) là giải pháp mang lại rất nhiều lợi ích cho không chỉ riêng TPHCM, như: tạo các nguồn cung điện tại chỗ, tiết giảm chi phí điện hàng tháng, giúp giảm phát thải khí nhà kính. Theo tính toán, tổng tiềm năng kỹ thuật điện có thể lắp đặt các hệ thống ĐMTMN trên địa bàn TPHCM có thể đạt khoảng hơn 5.000MWp.

Theo ông Phạm Nam Phong, Chủ tịch HĐQT Vũ Phong Energy Group, điều này có ý nghĩa rất quan trọng khi Việt Nam đang rất nỗ lực cho các mục tiêu giảm phát thải, hướng tới đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 như đã cam kết tại Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu 26 (COP26).

Nếu các ĐMTMN được phát triển trên địa bàn sẽ góp phần cho mục tiêu của TPHCM là đến năm 2030 giảm 10% phát thải và tiến tới nền kinh tế carbon thấp, xây dựng TP thành một thành phố trung hòa carbon.

Từ tính toán như vậy, ông Nam Phong đề nghị TPHCM cần có cơ chế để được cho phép lắp đặt và đấu nối các hệ thống ĐMTMN trên địa bàn, tận dụng nguồn năng lượng sạch này và đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng như các nhu cầu giảm phát thải. Và cũng rất nên tận dụng các mái nhà trụ sở của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP để lắp đặt hệ thống ĐMTMN, qua đó sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm chi phí, giảm phát thải và còn tạo ra được nguồn thu nhập từ hệ thống.

Hiệu quả thực thi gắn với khen thưởng - kỷ luật

Nhìn sâu vào các động lực đóng góp vào tăng trưởng TPHCM đều cho thấy sự suy giảm trong quý I: chi tiêu công giảm mạnh, tăng trưởng ngành thương mại dịch vụ giảm tốc do nhu cầu trong nước suy yếu, xuất khẩu suy yếu do cầu tiêu dùng thế giới giảm, tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội/GRDP có chiều hướng giảm, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm, chỉ số ngành bất động sản giảm hơn 54% từ đầu năm 2022.

Một chỉ số cầm cự là thu ngân sách (quý I ước đạt 124.796 ngàn tỷ đồng, đạt 26,6% dự toán năm); và chỉ số tích cực là FDI vào TPHCM tăng.

Ngoài những nguyên nhân khách quan đã được bàn thảo và nói đến nhiều, nguyên nhân chủ quan, mà trọng tâm chính là hiệu quả thực thi của bộ máy là điểm mấu chốt. Hiệu quả thực thi kém khiến cho khả năng “hấp thụ vốn” thấp, kể cả nguồn vốn đầu tư công lẫn vốn từ đầu tư tư nhân, từ nguồn FDI.

Nếu không nâng cao hiệu quả quản trị thực thi của bộ máy thì kết quả các quý tiếp theo sẽ tiếp tục là sự thất vọng và lo lắng, không phải chỉ là con số thống kê, mà là sự “đóng băng” của các nỗ lực, các cố gắng giải quyết vấn đề, các dự án, và đi cùng với đó là niềm hy vọng có thể “cục cựa” hay tiến về phía trước.

Hiệu quả thực thi nằm ở nhiều vấn đề, nhưng về mặt quản trị thì mấu chốt nhất là khen thưởng và chế tài - kỷ luật. Không có các công cụ này thì không tạo ra sự nghiêm khắc trong các hoạt động thi hành công vụ ở các cấp sát người dân - doanh nghiệp, và không tạo nên sự chuyển động hay chuyển bộ từ phía lãnh đạo cấp sở ngành hướng tới các mục tiêu quan trọng của TPHCM trong năm 2023.

Tăng trưởng kinh tế giảm tăng 1-2 điểm có thể làm chúng ta lo lắng, nhưng quan trọng là biết lý do nằm ở đâu, những biện pháp nào đã, đang làm nhưng chưa hiệu quả, chưa đủ liều. Ngại và sợ nhất là bệnh “lờn thuốc” khi cấp lãnh đạo thì liên tục chỉ đạo, nhưng cấp thực thi vẫn không chuyển động.

NGUYỄN QUÂN CÁT

Các tin khác