Chuyển giá, trốn thuế: Ngăn chặn bằng cách nào?

(ĐTTCO) - Việc chuyển giá nhằm trốn thuế của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và các tập đoàn đa quốc gia đã được báo động ở nhiều quốc gia trên thế giới, không riêng gì Việt Nam.

 Gần đây, chiêu thức chuyển giá còn diễn ra ở các DN trong nước. Bài toán chống chuyển giá ngày một khó khăn hơn khi chiêu thức chuyển giá ngày càng tinh vi.

Lan rộng

Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách khẳng định rằng, hoạt động chuyển giá của DN FDI ngày càng gia tăng và phức tạp, với số lượng báo cáo lỗ hiện chiếm đến 60% tổng số DN FDI tại Việt Nam. Tổng số lỗ lũy kế đến nay gần 400.000 tỷ đồng. Điều bức xúc là các DN này tuy báo cáo lỗ (không phải nộp thuế) nhưng lại mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng cường quảng cáo. Hậu quả của chuyển giá thì đã rõ, nó gây bất bình đẳng với các doanh nghiệp khác, cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, thôn tính doanh nghiệp, làm chủ cả ngành nghề trong nước, mà Nhà nước lại thất thu thuế. 

Chuyển giá, trốn thuế: Ngăn chặn bằng cách nào? ảnh 1Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp FDI. Ảnh: CAO THĂNG

Hiện nay hoạt động chuyển giá đã lan rộng đến các công ty liên kết trong nước. Có rất nhiều doanh nghiệp đặt trụ sở ở các khu công nghiệp, các tỉnh thành có ưu đãi thuế, rồi thành lập công ty liên kết ở các tỉnh thành khác để xuất hóa đơn lòng vòng nhằm chuyển giá, chuyển lợi nhuận về công ty ở nơi được ưu đãi thuế. Hoặc, một DN hoạt động nhưng lại thành lập nhiều công ty ở các tỉnh thành khác nhau để xuất hóa đơn qua lại nhằm hợp thức hóa hàng hóa không xuất xứ rõ ràng, chuyển lãi, chuyển lỗ, rồi các công ty liên kết phá sản, để “nuôi” một công ty sống. 


Thời gian qua ngành thuế còn phát hiện cả những trường hợp các DN lợi dụng chính sách mua nông sản từ nông dân không tính thuế giá trị gia tăng để xuất hóa đơn mua bán lẫn nhau, rồi làm thủ tục xuất khẩu nông sản (nhưng thực chất không xuất) rồi hoàn thuế giá trị gia tăng, trục lợi từ ngân sách.

Gần đây có trường hợp một DN ở ngoại thành TPHCM nộp hồ sơ xin hoàn thuế giá trị gia tăng với số tiền hàng ngàn tỷ đồng cho hoạt động xuất khẩu. Mặc dù có dấu hiệu mua bán hóa đơn, chuyển giá, trục lợi thuế, nhưng đã hơn năm qua Cục Thuế TPHCM vẫn chưa kiểm tra xử lý được, vì hoạt động hóa đơn dính đến nhiều DN ở các tỉnh thành khác.

Phải quản lý thông qua hệ thống dữ liệu

Mặc dù những năm qua ngành thuế đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, nhưng số lượng DN được thanh tra, kiểm tra vẫn còn quá ít, mỗi năm chỉ khoảng 10% lượng DN (có nghĩa, bình quân 10 năm một DN mới bị thanh tra, kiểm tra một lần). Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, từ năm 2010-2018, qua 9 năm nhưng toàn ngành chỉ thanh tra, kiểm tra được chưa đầy 650.000 DN, thu thuế thu nhập DN được gần 36.000 tỷ đồng, giảm lỗ 185.000 tỷ đồng. Con số này quá ít so với sự lan rộng và tinh vi trong các hoạt động chuyển giá, trốn thuế.

Từ 1-7-2020, Luật Quản lý thuế mới đã có hiệu lực, Chính phủ và Bộ Tài chính đang xây dựng nhiều nghị định về quản lý thuế, trong đó có cả nghị định về chống chuyển giá để hạn chế thất thu thuế. Thế nhưng, để luật triển khai có hiệu quả, cần sửa đổi các quy định đi kèm, cũng như dùng giải pháp công nghệ trong quản lý. Chẳng hạn, để công bằng trong đầu tư, không nên cho phép từng địa phương ban hành quy chế ưu đãi mà thống nhất ưu đãi trên toàn quốc, như vậy DN mới không chuyển giá về những vùng có ưu đãi. 

Về giải pháp công nghệ, cần triển khai nhanh phần mềm quản lý dữ liệu hàng hóa, dịch vụ “đầu ra”, “đầu vào” của DN. Khi có cơ sở dữ liệu minh bạch, việc DN mua mắc, bán rẻ, hay mua bán lòng vòng, sẽ được phát hiện thông qua hệ thống hóa đơn chứng từ thông suốt, liên tỉnh thành. Khi đó, cán bộ quản lý sẽ thấy được “cung đường hàng hóa” để theo dõi, phát hiện sai phạm. Ngay cả trường hợp DN bán hàng hóa không chứng minh được nguồn gốc cũng sẽ được phát hiện. Bởi hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước chỉ quản lý được hóa đơn trên phạm vi địa bàn, nếu DN liên kết ở địa bàn khác thì cán bộ không thể biết DN nơi đó có sản xuất hàng hóa hay không, nguồn gốc hàng hóa từ đâu…
 
Bộ Tài chính cần sớm xây dựng phần mềm quản lý hóa đơn, quản lý cơ sở dữ liệu hàng hóa thống nhất, liên thông trên cả nước để ứng dụng trong quản lý. Như vậy, các DN kinh doanh hàng lậu, hàng không có hóa đơn chứng từ, hàng không rõ nguồn gốc sẽ dễ dàng bị phát hiện. Đặc biệt, việc chuyển giá vào vùng ưu đãi cũng dễ dàng bị nhận thấy.

Các tin khác