Trong quá trình điều tra và kết luận sơ bộ, với sản phẩm gỗ dán có 36 doanh nghiệp (DN) không hợp tác đầy đủ, cung cấp thông tin không nhất quán; với vụ việc tủ gỗ, 40 DN gửi thông tin quá thời hạn quy định. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã trao đổi với LS. NGUYỄN THANH HÀ, Chủ tịch Công ty Luật SB Law.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, phải chăng qua 2 vụ việc này của ngành gỗ cho thấy năng lực ứng phó của không ít DN Việt với các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) còn thấp?
LS. NGUYỄN THANH HÀ: - Trước hết, cần phải nói rằng các DN Việt Nam chưa hành động, tuân thủ theo các yêu cầu của DOC. Về 36 DN gỗ dán không hợp tác, không phản hồi do họ chưa mở tài khoản trên trang web của DOC để trả lời những câu hỏi, hoặc có tài khoản nhưng thông tin không nhất quán.
Có thể nói nhiều DN xuất khẩu gỗ vẫn là các DNNVV, chưa có nguồn lực, chưa hiểu biết để áp dụng chế độ tài chính, chế độ kế toán… theo chuẩn mực quốc tế.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào vụ việc tủ gỗ, trong 40 DN tủ bếp, tủ nhà tắm bị DOC từ chối, nhiều DN trong danh sách này là những DN gỗ lớn như CTCP Cẩm Hà, CTCP Chế biến gỗ Thuận An… hoàn toàn có đủ nguồn lực kinh tế và nhân sự. Thế nhưng các công ty này vẫn nộp bản bình luận quá thời gian hoặc do thao tác kỹ thuật sai.
Hai sản phẩm gỗ dán và tủ gỗ bếp đang bị phía Mỹ đưa vào điều tra chống lẩn tránh vì nghi ngờ nhập nguyên liệu từ Trung Quốc.
Dễ thấy, không ít DN chưa có độ ngũ cán bộ, pháp chế có hiểu biết sâu rộng về luật quốc tế để có phương án ứng phó với các vụ kiện PVTM. Bên cạnh đó, các DN chưa biết tận dụng nguồn lực của các hiệp hội ngành nghề, những thương vụ ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều kinh nghiệm ứng phó với những vụ việc tương tự.
Hiện trong số 45 DN xuất khẩu đi Mỹ, có 33 DN thông báo doanh thu đã giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Chỉ 10 DN báo doanh thu tăng so với các tháng trước, tuy nhiên mức tăng rất nhỏ (11%). Do đó, không thể phủ nhận ảnh hưởng của các vụ kiện PVTM lên sự phát triển của ngành thương mại gỗ nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.
- Vậy theo ông DN Việt có thể tránh được việc Mỹ áp thuế chống lẩn tránh?
- Ngày 23-8, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) đã có thông cáo báo chí thông tin về 2 vụ việc trên. Về vụ việc điều tra đối với gỗ dán cứng nhập khẩu từ Việt Nam, VIFOREST cho biết gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng là sản phẩm được làm từ các lớp gỗ ván bóc gắn với nhau bằng keo, sau đó được phủ 1 hoặc 2 lớp ván gỗ cứng ở bề mặt.
Hiện phía Mỹ chưa áp thuế đối với hàng của Việt Nam, nhưng đang áp dụng thuế chống bán phá giá là 183,36% và thuế chống trợ cấp 22,98-194,9% với sản phẩm này của Trung Quốc.
Ngày 17-6-2020, trên cơ sở cáo buộc của ngành sản xuất trong nước, DOC khởi xướng điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM với sản phẩm gỗ dán cứng của Việt Nam, nhằm đảm bảo hiệu lực thực thi các biện pháp PVTM đang áp dụng với gỗ dán cứng của Trung Quốc.
Ngày 25-7-2022, DOC đã công bố kết luận sơ bộ của vụ việc, cho rằng gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc, sẽ bị áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp như đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc.
Còn nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước khác, không bị áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp.
VIFOREST đã phối hợp cùng Cục PVTM gửi nội dung bình luận của hiệp hội và của Bộ Công Thương về kết luận sơ bộ này lên DOC để hỗ trợ DN, đồng thời hướng dẫn các DN liên quan về các quy định điều tra tiếp theo của DOC.
Như vậy, cho tới ngày 22-8 DOC chưa có quyết định cuối cùng rằng sản phẩm gỗ dán cứng của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp. Song, theo thông báo mới nhất, DOC gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc này đến ngày 17-10-2022.
Tuy nhiên, việc có áp dụng biện pháp PVTM này hay không của phía Mỹ cũng phụ thuộc nhiều vào hành động của các DN Việt Nam. Nếu các DN cung cấp đầy đủ thông tin, cơ sở pháp lý rõ ràng và bác bỏ những cáo buộc về hành vi lẩn tránh thuế từ phía nguyên đơn, khả năng không áp dụng hoặc mức thuế áp dụng sẽ được xem xét lại.
- Vậy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước như thế nào và DN cần chuẩn bị ra sao để không lúng túng trước các vụ kiện PVTM, thưa ông?
- Cơ quan quản lý nhà nước về PVTM là Bộ Công Thương, trong đó Cục PVTM là tổ chức trực thuộc, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương về PVTM. Thực ra trong bối cảnh các nước tăng cường sử dụng các biện pháp PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, công tác hỗ trợ DN xử lý các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài được thể chế hóa trong Luật Quản lý ngoại thương.
Để hỗ trợ DN chủ động ứng phó với các vụ việc PVTM, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, DN xử lý hiệu quả thông qua cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra PVTM, để DN chủ động xây dựng kế hoạch xử lý.
Bên cạnh đó, yêu cầu đặt ra đối với các DN là cần nâng cao năng lực áp dụng biện pháp tự vệ trong thương mại quốc tế. DN phải chuẩn bị những giấy tờ, chứng từ để chứng minh cho chi phí sản xuất. Để làm được điều này, DN cần duy trì hệ thống kế toán minh bạch, đồng thời thường xuyên theo dõi các hệ thống cảnh báo về nguy cơ PVTM để chuẩn bị trước.
Hiện có những hệ thống cảnh báo, như từ các đối tác của DN ở nước ngoài, từ cơ quan quản lý nhà nước như Cục PVTM (Bộ Công Thương), Liên đoàn Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội ngành nghề…
Bên cạnh đó, DN cần chuẩn bị về nguồn nhân lực, vật lực cho các vụ kiện PVTM. Khi tham gia vụ kiện PVTM, DN cần có chiến lược bài bản và trong bất kỳ vụ kiện nào, sự tham gia của một mình DN là chưa đủ, cần có sự hỗ trợ về mặt pháp lý của chuyên gia về lĩnh vực này.
- Xin cảm ơn ông.