Quang cảnh Diễn đàn Kinh tế TPHCM lần 2 năm 2019.
Đến dự diễn đàn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải; Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh. Về phía lãnh đạo TPHCM có ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM; ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM; ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM. Cùng với đó là các cơ quan đại diện, cơ quan kinh tế - thương mại các nước; lãnh đạo WB, các định chế tài chính quốc tế như IMF, IFC, ADB và các chuyên gia kinh tế…
Các đại biểu tham dự diễn đàn tham quan gian hàng Robot của Công ty IPPTech.
TPHCM khát vọng trở thành TTTC
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết thị trường tài chính có vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực xã hội, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Đây còn là nhân tố cốt lõi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của hầu hết các đô thị trên thế giới, như New York (Mỹ) dịch vụ tài chính chiếm tỷ trọng 46% trong tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế, London (Anh) chiếm 42%, Thượng Hải (Trung Quốc) 27% và tại Singapore 29%.
Điều đó cho thấy, mô hình tăng trưởng của các đô thị phần lớn dựa vào thị trường tài chính và việc hình thành một TTTC quốc tế là xu thế tất yếu của thời đại, là quá trình bắt buộc phải trải qua khi trở thành TP toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, từ năm 2002, TPHCM đã có khát vọng biến mình trở thành TTTC của khu vực và từng bước hội nhập toàn cầu. Do đó, ngay từ năm 2001, thị trường tài chính đã được xác định là 1 trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của TP, và ngay từ năm 1998 Sở Giao dịch chứng khoán đã được thành lập tại TP.
Mặc dù việc trở thành TTTC là một quá trình phức tạp, khó khăn do TP có xuất phát điểm thấp và quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính còn chậm, quy mô thị trường chứng khoán còn nhỏ so với các đô thị trong khu vực… làm giảm sức hấp dẫn về một nơi sinh sống, giao dịch thương mại, kinh doanh và đầu tư, tác động tiêu cực đến triển vọng phát triển TPHCM trở thành TTTC khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, những hạn chế đó không làm TP chùn bước mà càng khát vọng phát triển nhanh và bền vững hơn. Khi TP tiến lên, các đô thị khác khác cũng tiến lên trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong.
“TP hy vọng được Chính phủ xem xét đưa Đề án phát triển TPHCM trở thành TTTC khu vực và quốc tế trở thành Đề án trọng điểm quốc gia. Đây là điều kiện tiên quyết giúp TP thực hiện thành công Đề án và là cơ sở quan trọng để TP chuyển từ mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu trong bối cảnh nguồn thu ngân sách còn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn lực đất đai” - ông Nguyễn Thành Phong nhận định.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết cần phải tìm ra những cơ hội thách thức của Việt Nam cũng như của TPHCM, và đặc biệt là những điều gì chúng ta có thể làm trong thời gian tới để hiện thực hoá chủ chương này. TTTC này phải là một trung tâm của quốc gia và là một chiến lược của quốc gia, trung tâm sẽ tác động không chỉ đến nền kinh tế của TP, của cả khu vực mà cho cả nền kinh tế. Cho nên đây phải là đề án quốc gia được sự ủng hộ và tham gia của Chính phủ và các Bộ ngành mới có được thể chế vượt trội đặc thù để thực hiện thành công trung tâm này.
Hiện nay, với điều kiện địa lý tự nhiên sẵn có và vai trò đầu tàu, TPHCM có thể hoàn toàn tự tin nói rằng Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đang đứng trước cơ hội có một không hai để hiện thực hoá giấc mơ xây dựng TTTC mang tầm quốc gia, khu vực và thế giới. Việc hình thành TTTC này không chỉ là xu thế tất yếu của một nền kinh tế hiện đại mà còn là biểu hiện của một quốc gia năng động, hội nhập trở thành động lực mới quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thu hút dòng vốn đầu tư, đẩy mạnh hoạt động thương mại, đầu tư, tài chính góp phần nâng tầm quốc gia lên một vị thế mới trên bản đồ các trung tâm phát triển của khu vực.
Hoàn thiện đề án xây dựng TTTC trình Chính phủ trong quý II-2020
Hoàn thiện đề án xây dựng TTTC trình Chính phủ trong quý II-2020
Mặc dù vẫn còn một số quan điểm hoài nghi về tính khả thi trong việc triển khai xây dựng TTTC ở Việt Nam và cụ thể tại TPHCM, nhưng nếu xét trên cục diện tổng thể và những yếu tố lợi thế riêng có của Việt Nam cũng như TPHCM, hầu hết các chuyên gia đều tin tưởng sẽ làm được và xu thế cần làm ngay, nếu chì hoãn sẽ bỏ qua cơ hội vô cùng quan trọng này.
Cụ thể, sự trỗi dậy của khu vực Châu Á là chất xúc tác quan trọng nhất. Mặt khác các nhà đầu tư, các DN luôn có xu hướng tiềm kiếm mảnh đất mới, cơ hội mới tìm kiếm và gia tăng lợi ích của mình. Việc ra đời TTTC lớn ở TPHCM là hoàn toàn có thể. Ngoài ra, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đang sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên sẵn có để xây dựng TTTC như tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu hút FDI và cả độ mở của nền kinh tế… môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh.
Việt Nam có múi giờ rất đặc biệt đây là cơ hội tốt để xây dựng trung tâm khi các trung tâm khác nghỉ. Hiện nay Tân Sân Nhất đã kết nối 75 TP của 25 quốc gia/vùng lãnh thổ, lượng khác quốc tế gia tăng rất nhanh. Việc đầu tư sân bay quốc tế Long Thành sẽ giúp nâng tổng công suất. Quyết tâm đầu tư hạ tầng hiện đại và mở rộng kết nối quốc tế sẽ tạo điều kiện cho hình thành TTTC quốc tế.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Diễn đàn.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM, cho biết các ý kiến chuyên gia tại diễn đàn lần 1 và lần 2 giúp TP hoàn chỉnh nhận thức về điều kiện chức năng quá trình xây dựng TTTC quốc gia. Vừa qua, lãnh đạo TP cũng đã thăm một số nước có TTTC. Hôm nay, TP nghe thêm các ý kiến xây dựng cùng với Đại học Fullright (đơn vị thực hiện Đề án xây dựng TPHCM trở thành TTTC khu vực và thế giới) để có thể hoàn thiện và trình Chính phủ vào quý II-2020.
Ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ: “Với câu hỏi nếu TPHCM trở thành TTTC thì Việt Nam có hấp dẫn nhà đầu tư không. Tôi cho rằng có, Việt Nam là rất ít nước trong 30 năm qua tăng trưởng kinh tế 6%/năm. Chính phủ đang bàn chiến lược tăng trưởng kinh tế 10 năm tới trên dưới 7%. Nếu làm được điều này, Việt Nam có 40 năm liên tục tăng trưởng 6-7%. Hiện độ mở nền kinh tế Việt Nam 196%, do điều kiện này, Việt Nam phải thường xuyên gặp áp lực cập nhật tình hình quốc tế và trong phát triển năng lực kinh tế quốc gia”.
Một lý do để Việt Nam có thể phát triển bền vững trong 10 năm tới là vấn đề lao động. Bình quân năm 2000 đến nay, tỷ suất sinh của Việt Nam là 2,06, đây là điều chưa có nước nào trên thế giới làm được. Việt Nam cũng là quốc gia hiếm hoi Trung ương Đảng có Nghị quyết về phát triển dân số bền vững. Đây là sự bền vững về nhân lực rất quan trọng.
Về quy mô kinh tế, nếu đo bằng giá trị hiện hành, kinh tế Việt Nam đứng hàng thứ 44 trên thế giới. So về sức mua so sánh, Việt Nam đứng thứ 35. Nếu làm tốt và duy trì tăng trưởng kinh tế 6-7%/năm, đến năm 2030 Việt Nam có thể đứng thứ 25 thế giới và có thể năm 2045 trở thành 1 trong 20 nền kinh tế cao nhất thế giới” - ông Nhân nói.
Nếu TPHCM là TTTC quốc gia thì khách hàng là ai? Khách hàng trước hết là TPHCM, vùng động lực phía Nam và cả nước, vì đây cần nhu cầu vốn rất lớn. TPHCM chiếm 0,6% diện tích, 25% GDP, đóng góp 27- 28% tổng thu ngân sách cả nước, năng suất lao động gấp 3 cả nước, do đó nếu bỏ ra đầu tư sẽ thu được giá trị gia tăng cao hơn cả nước. Rộng hơn khu vực gồm TPHCM và 7 tỉnh xung quanh TPHCM đóng góp 45% tổng GDP cả nước, 42% tổng thu ngân sách và 40% xuất khẩu, nhưng đầu tư cho khu vực này mới chiếm 27% tổng đầu tư cả nước. Như vậy nếu tăng đầu tư cao hơn sẽ đem lại thu hoạch lớn hơn, phục vụ tốt cho vùng và cả nước. Nếu TPHCM là TTTC quốc gia, khi đó có nghĩa vụ huy động nguồn lực quốc tế cho vùng và cho cả nước. Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM |
Hiện những điều kiện trở thành TTTC của vùng, của đất nước chưa đủ nhưng đang có kế hoạch. Tiền đề thứ nhất là có điều kiện đầu tàu kinh tế. Tiền đề thứ hai là các TTTC thế giới đều có sông chảy qua, TPHCM cũng có 2 con sông. Thứ ba là điều kiện sống tốt, TP đang làm để tạo điều kiện cho nhà đầu tư đến đây được đáp ứng nhu cầu này. Hiện Khu đô thị Thủ Thiêm nằm trong Khu đô thị sáng tạo đang được quy hoạch. Khu đô thị sáng tạo này có 6 trọng điểm với định hướng trở thành 1 nơi về sinh thái và công nghệ.
Để trở thành TTTC cũng đòi hỏi nhiều điều kiện như phải có chính sách đổi mới trong lĩnh vực tài chính. Vấn đề này quốc gia đã có chương trình, ngày 30-10 sắp tới TPHCM cũng sẽ có hội thảo về fintech.
Về điều kiện phải có hạ tầng viễn thông tốt, TP là địa phương đầu tiên ứng dụng thí điểm mạng viễn thông thế hệ 5 và sắp tới ứng dụng trí tuệ nhân tạo. TP cũng sẽ phải kết nối giao thông tốt, vấn đề kẹt xe sẽ xử lý. Chính phủ phải đổi mới sáng tạo thì TP đã làm đô thị thông minh 2 năm nay. Hiện Việt Nam nằm trong vùng Đông Nam Á và Châu Á là trung tâm kinh tế đang phát triển. TTTC cũng phải được thiết kế rất cẩn thận, vừa to về cảnh quan, vừa tạo thuận lợi về mọi điều kiện.
Muốn có đột phá phải có chính sách vượt trội, riêng có
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, như các diễn giả phân tích sâu về tỷ trọng đóng góp của TP cho nền kinh tế đất nước cũng như các lợi thế, điều kiện, cơ hội của TPHCM để sớm trở thành TTTC khu vực và quốc tế. Thứ nhất, nhìn lại 30 năm qua, Việt Nam tăng trưởng liên tục thuộc những nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Thập niên đầu tiên Việt Nam tăng trên 8%, thập niên thứ 2 trên 7%, thập niên thứ 3 trên 6% và hiện đang bàn chiến lược cho 10 năm tiếp theo xác định đạt mức tăng trưởng trên 7%.
Có nhiều ý kiến cho rằng, khi quy mô nền kinh tế tăng lên, tốc độ tăng trưởng sẽ khó hơn, vậy liệu 10 năm tới GDP tăng nhanh hơn hiện nay có khả thi không? Ngay như nguồn lực ở trong nước qua nghiên cứu cho thấy nếu Chính phủ cải thiện tốt môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN, huy động nhiều hơn nguồn lực từ dân từ xã hội, sử dụng nguồn lực đó hiệu quả hơn thì có thể phát triển nhanh hơn, đó là chưa có những chính sách mới, dự án mới, ý tưởng mới như việc TPHCM quyết tâm xây dựng TTTC mà chúng ta bàn hôm nay.
Việt Nam không chỉ đạt được thành tựu trên phát triển kinh tế mà với quy mô dân số xấp xỉ 100 triệu người, và hiện nay trên 65% dưới 35 tuổi, chúng ta không chỉ có quy mô kinh tế mà còn có thị trường. Hiện nay, chúng ta cũng đang đứng thứ 26 trên thế giới theo đánh giá của WB bsgà sẽ tiếp tục cải thiện thứ bậc của mình.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu.
Hiện nay trên thế giới và Việt Nam nói rất nhiều thành lựu phát triển khoa học công nghệ, cách mạng 4.0 và nói đến nhưng việc cần phải làm để nắm bắt cơ hội của cuộc cách mạng công nghệ, có nhiều việc phải làm, nhưng trong đó phải làm sao tăng cường phát triển khoa học sáng tạo và tập trung đào tạo nhân lực.
Ở Việt Nam, Chính phủ rất quan tâm đến 2 lĩnh vực này, trong những năm gần đây nhờ sự quan tâm của Đảng, nhà nước, tham gia của DN, người dân, 2 lĩnh vực này đạt tiến bộ đáng kể.
Hiện chỉ số đổi mới sáng tạo Việt Nam đứng 42 trên thế giới. Theo công bố mới nhất của WB, chỉ số nguồn vốn con người giáo dục đại học Việt Nam hiện đứng thứ 68 trên thế giới. Các ngành công nghiệp công nghệ trực tiếp liên quan đến cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, Việt Nam đạt được những bước tiến nhanh. Chỉ số công nghệ thông tin trong mấy năm qua tăng hơn 50 bậc.
Vấn đề an ninh mạng, an toàn thông tin cũng tăng 50 bậc. Các chỉ số đó cho thấy Việt Nam đã quyết tâm xác định nắm bắt thời cơ của cách mạng khoa học công nghệ. Không chỉ có kinh tế, Việt Nam cũng đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong lĩnh vực giáo dục, trong thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ. Năm 2020 chúng ta sẽ là chủ tịch ASEAN.
Làm thế nào để TP sớm thành TTTC tầm cỡ như chúng ta mong muốn. Có nhiều việc phải làm nhưng điều đầu tiên đây là tình hình chung cả nước, TP có vai trò quan trọng, TP là đầu tàu, dồn năng lượng vào đầu tàu và rất cần có những cơ chế chính sách vượt trội. Hiện TP đang chuẩn bị đề án để xây dựng TPHCM thành TTTC khu vực và quốc tế trình Chính phủ vào sang năm cũng trùng với dịp Chính phủ cùng Quốc hội sơ kết nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TPHCM. |
TPHCM còn là trung tâm đi đầu về công nghệ và cải cách hành chính đặc biệt về giáo dục. Nhìn kỹ lại TP không chỉ phát triển về kinh tế mà còn về giáo dục. Những năm gần đây các công bố quốc tế của giới nghiên cứu ở Việt Nam tăng nhanh trong 5 năm ở TPHCM chiếm 40%, Hà Nội 30%, các tỉnh thành khác là hơn 20%. Việc xây dựng TPHCM thành TTTC không phải là mong muốn riêng của TPHCM mà trở thành nhiệm vụ của cả nước và TPHCM.
Muốn có đột phá phải có chính sách vượt trội, riêng có. TP là đầu tàu, cần tập trung nguồn lực cho đầu tàu. Các tỉnh khác phải làm sao để tận dụng sức kéo của đầu tàu và để đầu tàu nhẹ đi. Các địa phương cùng chung tay để TP sớm trở thành TTTC.
Tại diễn đàn ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã cảm ơn lãnh đạo Chính phủ và các Bộ ngành đến tham dự và phát biểu, đồng thời tiếp thu các ý kiến, đây là những tài liệu quý báu cho dự án. Từ các ý kiến này, TPHCM sẽ chuẩn bị triển khai đề án khẩn trương hiệu quả.
Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN: Hiện nay vẫn còn một số thách thức đáp ứng điều kiện TTTC TPHCM. Cụ thể, cơ sở hạ tầng giao thông, công nghệ còn bất cập, nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được số lượng chất lượng, cơ chế ưu đãi thu hút tập đoàn lớn chưa thật sự rõ ràng. Bên cạnh đó, sự phát triển thị trường tài chính chưa đồng đều, dòng vốn phụ thuộc vào ngân hàng. Đây là khó khăn và cần tháo gỡ mới có thể xây dựng TTTC TPHCM. Đây là vấn đề mang tầm vóc quốc gia, dù đã có thuận lợi và thời cơ nhưng không thể gấp rút mà phải có lộ trình, trước hết là TTTC khu vực sau đó mới vươn tầm thế giới và cần có đồng thuận của Chính quyền các cấp. Vần đề trước hết cần làm hiện nay là cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Song song đó, TP tập trung thay đổi hạ tầng giao thông, logistics, đào tạo nhân lực. Thị trường tài chính tiếp tục thực hiện Quyết định 1058 về phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và Quyết định 242 phê duyệt Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán của Chính phủ cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 cùng với đẩy mạnh phát triển tài chính toàn diện. Đây là điều kiện để phát triển thị trường tài chính, từ đó để các DN Việt Nam có thể vươn ra nước ngoài và DN nước ngoài vào Việt Nam kinh doanh thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho TTTC hoạt động và phát triển. Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện chiến lược NHNN: Có 3 thách thức để TPHCM trở thành TTTC khu vực và quốc tế. Thứ nhất, PCI của TPHCM nằm trong top 10, nhưng có nhiều chính sách quốc gia thì TP không chủ động tự quyết. Điển hình là chính sách thuế và tự do hóa tài khoản vốn. Thứ hai, về hạ tầng cơ sở vật chất (giao thông, viễn thông) và hậu cần là 1/13 tỉnh đứng đầu cả nước được DN xếp loại tốt nhưng vẫn cần tiếp tục cải thiện, nhất là vấn đề tắc nghẽn giao thông. Thứ ba, cần có chính sách đãi ngộ để thu hút nhân tài trong lĩnh vực tài chính. Để hiện thực hóa đề án, TPHCM cần phải xác định mục tiêu và mô hình xây dựng TTTC đặt tại TPHCM phục vụ cho Việt Nam. Bên cạnh đó cần có những chính sách hỗ trợ như NHNN phải có chính sách quản lý ngoại hối (lộ trình tự do hóa tài khoản vốn), Bộ Tài chính có chính sách thuế ưu đãi đặc biệt; phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính cao cấp (nhất là phái sinh), đồng bộ về chính sách khác như hạ tầng giao thông kết nối IoT… TPHCM cần định lượng lợi ích và chi phí trong cả quá trình xây dựng và đưa TP thành TTTC, rà soát lại chính sách đãi ngộ thu hút nhân tài, học tập kinh nghiệp các nước. Nhưng có lẽ mấu chốt nhất vẫn là thể chế tầm quốc gia và quyền chủ động của TPHCM. TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý thuộc Đại học Fulbright Việt Nam: TTTC quốc tế là một không gian đô thị tập hợp các dịch vụ tài chính, khách hàng và tổ chức cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính đa dạng. TPHCM có vị thế kinh tế nổi trội trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung. Vị trí của TP thuận lợi để phát triển dịch vụ và một trong những loại hình dịch vụ cần ưu tiên tập trung phát triển là dịch vụ tài chính và kinh doanh, để từng bước phát triển thành TTTC phục vụ quốc gia, khu vực và bước dần ra thế giới. TPHCM cần tìm một số thị trường ngách để tạo sự khác biệt và đột biến trong thị trường tài chính. Thứ nhất là nghiên cứu về vấn đề fintech. Thứ hai, TP nằm gần trung tâm sản xuất lớn nhất về cà phê, lúa gạo… nên cần quan tâm đến việc hình thành trung tâm giao dịch hàng hóa, phục vụ cho nhu cầu của khu vực, của vùng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những rào cản như nhiều chính sách nằm ngoài tầm kiểm soát, quan trọng nhất là vấn đề tự do hóa tài khoản vốn và quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, để TPHCM thành trung tâm tài chính của cả nước, khu vực và thế giới đòi hỏi về giải pháp tổng thể từ Trung ương đến địa phương, vì các quy định về thể chế, chính sách được ban hành từ Trung ương Ông Yue Yi, Phó Chủ tịch NH Trung Quốc (chi nhánh Hồng Kông): Quá trình Hồng Kông phát triển thành TTTC quốc tế liên quan chặt chẽ đến quá trình hội nhập kinh tế vào nền kinh tế thế giới. Theo đó, Hồng Kông đã thực hiện 3 bước. Bước đầu tiên vào những năm 1970, về mặt chính trị, Hồng Kông xây dựng mục tiêu thành TTTC khu vực và đạt được mục tiêu này nhờ sự phát triển mạnh mẽ của TTCK. Bước thứ 2 (những năm 1990) Hồng Kông tăng tốc quá trình hiện đại hóa TTTC, cải thiện quy định để nhất quán với tiêu chuẩn bắt buộc, thành lập cơ quan quản lý Quỹ phòng xa bắt buộc. Giai đoạn 3 (thế kỷ 21), Hồng Kông nắm lấy cơ hội lịch sử là khủng hoảng tài chính năm 2007-2008 và việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ vươn lên thành TTTC quốc tế. TPHCM cũng có thể nắm bắt cơ hội tương tự trong bối cảnh khu vực ASEAN đang trở thành đối tác quan trọng của nhiều quốc gia trong đó có Trung Quốc. Đồng thời, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang thúc đẩy các công ty nước ngoài tái định vị địa điểm đầu tư, trong đó Việt Nam là điểm đến quan trọng. Đây là những ưu thế và cơ hội cần phải nắm bắt để TPHCM xúc tiến phát triển trở thành TTTC toàn cầu. |