PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá thế nào về sự chuyển dịch chuỗi cung ứng sản xuất thế giới hiện nay, cụ thể là Mỹ và một số nước chủ trương rút vốn đầu tư ra khỏi thị trường Trung Quốc?
PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN: - Cách đối phó với Trung Quốc của Mỹ là nội dung quan trọng hàng đầu. Đó chính là xây dựng, tạo ra chuỗi cung ứng sản xuất mới nhằm thoát khỏi chuỗi của Trung Quốc.
Thực tế, Trung Quốc đã vươn lên rất nhanh và đang tìm cách thống trị về kinh tế, khống chế cả về công nghệ. Kết quả ấy do hơn 40 năm các nguồn lực từ bên ngoài đổ vào Trung Quốc rất nhiều, trong đó nguồn lực quan trọng nhất là sự tham gia của các tập đoàn kinh tế đa quốc gia.
Nếu không xảy ra đại dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy ở Trung Quốc, không rõ dòng chảy vốn đầu tư bên ngoài rót vào Trung Quốc sẽ kéo dài đến khi nào.
Mỹ và các nước phương Tây đang lập ra các mặt trận kinh tế nhằm đối phó với Trung Quốc, trọng tâm là kéo các dòng vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc. Thí dụ, hiện nổi lên các thị trường cung ứng mới như Ấn Độ, “Bộ tứ kim cương”… buộc Trung Quốc phải thay đổi cấu trúc nền kinh tế, một mặt để đối phó với áp lực của Mỹ.
Song ở khía cạnh khác phải nhận thấy Trung Quốc hiện đã đủ lớn để cạnh tranh khốc liệt với Mỹ giành vị thế hàng đầu. Họ cũng có đủ năng lực tự thân để vượt qua khủng hoảng như trước kia đã từng làm.
Do đó, thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ còn kéo dài và khốc liệt, với nhiều yếu tố bất thường. Điều này cũng gắn với yếu tố “cách mạng công nghiệp 4.0”, bởi đây là quỹ đạo công nghệ mới, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang dồn lực để chạy đua, cố gắng kiểm soát. Trong cuộc chiến công nghệ này, Mỹ đang chủ động hơn so với Trung Quốc.
- Sự chuyển dịch này đem đến những cơ hội nào cho Việt Nam, thưa ông?
- Thực ra không phải đến khi xảy ra đại dịch Covid-19 cơ hội đón sóng đầu tư FDI của Việt Nam mới xuất hiện. Ngay giai đoạn 2018-2019 cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng lên, thế giới bắt đầu có những phản ứng với Trung Quốc, như việc nhà đầu tư nước ngoài rục rịch rút ra khỏi Trung Quốc, lúc đó cũng là cơ hội rất lớn cho Việt Nam.
Cũng trong giai đoạn này, khi thế giới bắt đầu suy giảm tăng trưởng, Việt Nam vẫn tăng trưởng, kinh tế khôi phục trở lại, ổn định kinh tế vĩ mô, đây chính là điểm sáng. Chúng ta hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, dựa vào xuất khẩu, phụ thuộc nhiều vào cả thị trường Mỹ và Trung Quốc.
Song giữa thương chiến 2 cường quốc, chúng ta vẫn đứng vững, đây là thành tích đáng ghi nhận. Đó không phải là câu chuyện ngày một ngày hai, mà nhờ chúng ta có đường lối hội nhập xuyên suốt rất rõ ràng, không bị động.
Điểm đáng chú ý, dù Việt Nam là quốc gia có thể trình độ còn rất thấp trong chuỗi cung ứng sản xuất, song chúng ta lại đang nỗ lực để trở thành mắt xích quan trọng. Điều này có ý nghĩa rất lớn, nó như một cam kết rằng Việt Nam sẵn sàng đổi mới để đáp ứng nhu cầu hội nhập, đã được các đối tác tin cậy.
Đặc biệt, cải cách thể chế ở Việt Nam đang trở thành điểm hấp dẫn đối với các đối tác, nhà đầu tư. Dù cải cách thể chế của Việt Nam vẫn còn chậm, nhưng ở mức độ ổn định và cam kết quốc tế, đây là những điểm cộng cho Việt Nam khi môi trường đầu tư ngày càng hấp dẫn hơn.
Câu hỏi đặt ra, tại sao Việt Nam lại ổn định và duy trì tăng trưởng tốt? Đó là chúng ta đã coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Cùng với chủ trương ấy, nhà nước kiến tạo cho phát triển, đã giúp cấu trúc nền kinh tế được cải thiện tốt hơn. Dù vậy, hành động thực tế của chúng ta vẫn còn chậm. Do đó, cơ hội rất nhiều nhưng chúng ta tận dụng được như thế nào lại là câu chuyện khác.
- Để đón được làn sóng đầu tư FDI đang dịch chuyển này một cách hiệu quả và biến thành động lực cho tăng trưởng, theo ông Việt Nam phải có những chính sách cụ thể gì?
Khi làn sóng FDI mới đổ bộ vào Việt Nam, năng lực đón sóng đầu tư của chúng ta chưa được cải thiện, sẽ dẫn đến hệ quả phần “nguy” nhiều hơn “cơ”, nghĩa là sẽ tạo ra hệ lụy tiêu cực đối với nền kinh tế. |
Tôi thấy lo cho vấn đề này nhiều hơn, vì thị trường Việt Nam vẫn chưa có sự chuẩn bị đầy đủ để đón làn sóng FDI mới. Sự nóng lên của bất động sản công nghiệp có thể do đầu cơ, do các doanh nghiệp FDI manh mún, nhỏ lẻ họ vào. Và khi các tập đoàn lớn thực sự họ vào có thể bị thiếu quỹ đất. Đây là vấn đề cần phải thận trọng.
Tôi có cảm tưởng chúng ta đang nhìn vào màu hồng nhiều hơn, còn chưa bám sát vào thực tế. Khi làn sóng FDI mới đổ bộ vào Việt Nam, năng lực đón sóng đầu tư của chúng ta chưa được cải thiện, sẽ dẫn đến hệ quả phần “nguy” nhiều hơn “cơ”, nghĩa là sẽ tạo ra những hệ lụy tiêu cực đối với nền kinh tế. Mấu chốt bây giờ vẫn là cải thiện năng lực cho thị trường Việt Nam như thế nào là điều cần bàn sâu hơn, thay vì chỉ nhìn vào làn sóng dịch chuyển để nói đó là cơ hội. Quy mô nền kinh tế của ta 300 tỷ USD, chúng ta sẽ tham gia khâu nào trong chuỗi cung ứng sản xuất mới? Đó là câu hỏi đáng để suy nghĩ.
Khi đến thăm các nhà máy Samsung ở Thái Nguyên, Bắc Ninh, tôi nhận thấy chúng ta đang dựa vào gia công rất nhiều, lao động nhiều và rẻ, nhưng chủ yếu là lao động tay chân, trình độ thấp.
Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, cũng là lúc nhiều tập đoàn kinh tế đa quốc gia nhận thấy rằng lỗ hổng rất lớn trong chuỗi sản xuất được bộc lộ, đó là rủi ro khi có dịch bệnh, mô hình lao động tập trung nhà xưởng với hàng trăm, hàng ngàn công nhân rất dễ bị tác động và thiệt hại. Do đó, yếu tố dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại và tự động thay thế lao động tay chân, đó là tất yếu.
Trước kia, từng có dự báo trong vòng 10 năm tới, khu vực ASEAN, ngành dệt may sẽ có khoảng 70% lao động bị mất việc làm do máy móc, robot thay thế. Nhưng khi đại dịch Covid-19 xảy ra, quá trình này sẽ diễn ra nhanh hơn. Và đây cũng là cơ hội cho Việt Nam đổi mới công nghệ, đổi mới sản xuất. Đó là AI, là robot sản xuất thay thế con người, là chuỗi sản xuất mới ở trình độ cao hơn…
- Có nhiều ý kiến nói doanh nghiệp FDI thuộc lĩnh vực logistics, bán lẻ, tiêu dùng, công nghệ… sẽ đầu tư mạnh vào Việt Nam sau khi chuyển dòng vốn khỏi Trung Quốc. Điều này có khiến doanh nghiệp trong nước chịu sức ép cạnh tranh hơn, thưa ông?
- Tôi cho rằng nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài thuộc các lĩnh vực trên đầu tư vào Việt Nam. Thực ra, với các lĩnh vực này, doanh nghiệp Việt Nam có thể làm được, có thể cạnh tranh và đứng vững. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến yếu tố trình độ sản xuất và hàm lượng công nghệ, bởi đây là yếu tố then chốt để cạnh tranh và quyết định thắng thua giữa các doanh nghiệp.
Tôi rất tin tưởng vào năng lực doanh nghiệp Việt Nam. Đơn cử như các doanh nghiệp khởi nghiệp, dù rất nhỏ nhưng họ có những sản phẩm khá độc đáo, có hàm lượng công nghệ cao, có tính đột phá. Đáng tiếc hiện nay cơ chế đối với các doanh nghiệp này vẫn chưa thực sự phù hợp để tạo điều kiện cho họ phát triển.
Do đó, thời gian tới, cơ chế cần phải mở rộng, thông thoáng hơn, không thể áp dụng cơ chế cũ như đối với các doanh nghiệp truyền thống.
- Xin cảm ơn ông.