Những ngày qua, giá vàng nhẫn cao hơn giá vàng SJC và đã chính thức vượt mốc 77 triệu đồng/lượng. Đây là lần đầu tiên giá vàng nhẫn đắt hơn vàng miếng SJC.
Các chuyên gia cho rằng đây là hiện tượng bất thường của thị trường vàng trong nước và đặt câu hỏi liệu có nên đưa vào diện quản lý như vàng miếng SJC?
Có bất thường hay không?
Theo khảo sát trên thị trường, sau hơn 1 tháng “bất động,” tại phiên cuối tuần (13/7) nhiều doanh nghiệp vàng lớn tăng mạnh giá mua vào vàng miếng SJC thêm 500.000 đồng/lượng, kéo chênh lệch mua-bán về còn 1 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn giữ ổn định giá bán vàng miếng SJC ở mức 76,98 triệu đồng/lượng trong suốt hơn 1 tháng qua ngang bằng với giá của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC.
Đối với vàng nhẫn, tại các doanh nghiệp được neo cao nhất với 75,9 triệu đồng/lượng mua vào và 77,15 triệu đồng/lượng bán ra.
Trong nhiều năm qua, giá vàng nhẫn luôn thấp hơn nhiều so với vàng miếng SJC. Vào đầu năm nay, chênh lệch giữa giá vàng nhẫn và vàng miếng vẫn còn khá cao, dao động trên dưới 10 triệu đồng/lượng. Nhưng kể từ khi Ngân hàng Nhà nước triển khai bán vàng miếng với giá “bình ổn,” mức chênh giữa hai mặt hàng này cũng dần được thu hẹp và đến hiện tại thì đã cao hơn giá vàng miếng SJC.
Nguyên nhân là do giá vàng miếng duy trì bình ổn trong hơn 1 tháng qua, trong khi mặt hàng vàng nhẫn vẫn liên tục biến động theo xu hướng điều chỉnh của giá vàng thế giới, nên khi vàng thế giới tăng mạnh, sẽ đẩy giá vàng nhẫn đi lên.
Trên thị trường thế giới, kim loại quý đóng cửa tuần giao dịch ở mức 2.411 USD/ounce, đi ngang so với phiên trước nhưng vẫn là vùng đỉnh cao của thời điểm này. Mốc lịch sử của giá vàng là sát 2.450 USD/ounce từng lập vào tháng 5/2024. Như vậy, giá vàng thế giới quy đổi tương đương 74 triệu đồng mỗi lượng.
Ông Huỳnh Trung Khánh-Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam cho biết thông thường, giá vàng miếng luôn cao hơn giá vàng nhẫn, có thời điểm cao hơn tới 10 triệu đồng/lượng giờ lại tăng “vượt mặt” giá vàng SJC, đúng là bất thường. Nhưng ở góc độ nào đó thì có lý do. Giá vàng nhẫn bao năm nay vẫn diễn biến theo giá vàng thế giới, chỉ chênh lệch 3-4 triệu đồng/lượng so với giá thế giới.
“Về nguyên tắc, giá vàng miếng cao hơn vàng nhẫn, được ưa chuộng hơn vàng nhẫn, bởi vàng miếng có nhiều ưu điểm hơn như là thương hiệu quốc gia, chất lượng uy tín hơn, không dễ làm giả, làm nhái. Còn vàng nhẫn có nhiều thương hiệu, khả năng làm giả, nhái dễ hơn vàng miếng. Vàng nhẫn chỉ có ưu điểm là đơn vị nhỏ, vừa túi tiền với người dân khi mua trong khi vàng miếng hiện chỉ có loại 1 lượng, nhiều tiền mới mua được,” ông Khánh phân tích.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng: “Đây là một hiện tượng khá bất thường bởi vàng nhẫn không có tính thanh khoản cao như vàng miếng. Vàng miếng là loại vàng người dân đầu tư tiết kiệm để dành và có tính thanh khoản như tiền, bởi bất cứ khi nào cần tiền mặt, người dân có thể bán vàng hoán đổi ra tiền nhanh chóng.”
Tuy nhiên, tại thời điểm này, vàng miếng rất khó mua, kể cả khi Ngân hàng Nhà nước bán vàng qua 4 ngân hàng quốc doanh.
“Số lượng vàng bán ra rất hạn chế, người dân không mua được vàng miếng nên chuyển sang mua vàng nhẫn. Điều này chứng tỏ nhu cầu về mua vàng của người dân rất lớn,” ông Hiếu nói.
Trong khi đó Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Huân - giảng viên Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh lại cho rằng việc giá vàng nhẫn tiệm cận với giá vàng SJC là điều rất bình thường. Vì giá vàng miếng thực sự không phải là mức giá này, đây là giá do các ngân hàng thương mại ấn định, còn giá giao dịch thật chắc chắn phải cao hơn, tức là giá được mua ở thị trường tự do./.
Cần tăng nguồn cung
Các chuyên gia đều nhận định việc 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC bán vàng online đã mang lại hiệu quả là thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới, hiện chỉ còn khoảng 3-4 triệu đồng/lượng, đạt được yêu cầu đầu tiên đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra đây chỉ là hiệu quả về mặt danh nghĩa. Hiện tại, người dân cũng khó mua vàng, nếu mua online chỉ 5-10 phút là hết lượt và giới hạn 1 người chỉ được mua 1 lượng trong vòng 1 tuần cho thấy lượng cung vàng ra thị trường còn ít nên người mua khó tiếp cận.
Các chuyên gia cũng cho rằng Ngân hàng nhà nước đã tạo điều kiện để giảm thành công giá vàng từ 92 triệu đồng/lượng xuống còn 77 triệu đồng/lượng như hiện nay. Tuy nhiên, bình ổn cần thêm điều kiện đủ, đó là nguồn cung phải dồi dào.
“Nếu vàng nhẫn lên cao và thay thế vàng miếng thì đó là hiện tượng rất đáng quan tâm, lo ngại và vàng nhẫn cũng sẽ được Chính phủ, Ngân hàng nhà nước quan tâm, đưa vào quản lý như vàng miếng chứ không để bán tự do như hiện nay. Do đó người mua vàng nhẫn cần cân nhắc hết sức cẩn thận,” chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo.
Ông Huỳnh Trung Khánh cũng nhận định: “Nếu muốn nguồn cung dồi dào, Việt Nam phải nhập vàng nguyên liệu về dập vàng miếng SJC. Mà lúc này, như tôi được biết, Ngân hàng Nhà nước đang ưu tiên nguồn dự trữ ngoại hối dùng để giữ ổn định tỷ giá VND/USD. Hy vọng là khi mục tiêu bình ổn tỷ giá hoàn thành, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét nhập vàng nguyên liệu về để tăng nguồn cung cho thị trường,” nhận định.
Ông Huỳnh Trung Khánh cho biết thêm trước tiên là cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước có thể bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC. Còn nếu Ngân hàng Nhà nước muốn giữ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC thì cần cung ứng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thị trường.
Cũng theo ông Khánh, với việc độc quyền nhập khẩu vàng, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét lại. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước xem xét có nên quản lý vàng nữ trang không, hay coi đó như mặt hàng bình thường và để Bộ Công Thương quản lý. Cho nhập khẩu vàng cũng là giải pháp quan trọng, vừa tăng nguồn cung ra thị trường, vừa hạn chế tình trạng nhập lậu vàng.
Một chuyên gia khác nhìn nhận nếu Nhà nước không khuyến khích người dân nắm giữ vàng thì không nên đưa giá vàng trong nước xuống ngang hoặc sát với giá thế giới mà nên có một khoảng cách chấp nhận được. Như thế, người dân nhận thấy mua vàng là có rủi ro, từ đó làm giảm nhu cầu về vàng đồng thời khi sửa Nghị định 24 có thể cân nhắc quy định khi giá vàng trong nước chênh lệch giá thế giới 10% thì Ngân hàng Nhà nước được phép can thiệp.