Nhạy cảm kiểm toán
Điều gì đang khiến Mỹ và Trung Quốc tranh cãi về việc kiểm toán của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ? Đạo luật Sarbanes-Oxley năm 2002 được ban hành tại Mỹ sau vụ bê bối kế toán Enron Corp., yêu cầu tất cả công ty giao dịch công khai phải cung cấp giấy tờ kiểm toán của họ để Ban Giám sát Kế toán Công ty đại chúng (PCAOB) kiểm tra.
Song theo Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), hầu hết doanh nghiệp các nước niêm yết tại Mỹ đã làm việc với PCAOB, trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc và Hồng Kông từ chối.
Vấn đề âm ỉ bấy lâu càng trở nên nóng hơn khi chuỗi cửa hàng Luckin Coffee Inc. của Trung Quốc, công ty được niêm yết trên Nasdaq, bị phát hiện cố tình ngụy tạo một phần doanh thu năm 2019. Những người chỉ trích cho rằng các công ty Trung Quốc được hưởng các đặc quyền giao dịch của nền kinh tế thị trường (bao gồm quyền tiếp cận các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ), trong khi nhận được sự hỗ trợ của chính phủ từ nước họ.
Năm 2020, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật về trách nhiệm giải trình các công ty nước ngoài (HFCAA), theo đó quy định các công ty không thể giao dịch trên các sàn giao dịch của Mỹ, nếu PCAOB không thể kiểm tra công tác kiểm toán của họ trong 3 năm liên tiếp.
Ngay sau đó, SEC công bố khoảng 200 công ty Trung Quốc và Hồng Kông niêm yết tại New York rất có thể bị buộc phải hủy niêm yết vào năm 2024, trừ khi họ điều chỉnh theo hướng dẫn pháp lý về công bố thông tin. Hiện có 261 công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ với trị giá 1,3 ngàn tỷ USD.
Để ứng phó với nguy cơ bị hủy niêm yết tại Mỹ, các công ty trên đang tính toán tự cứu mình. Như ông trùm sòng bạc Hồng Kông Lawrence Ho Yau-lung, Chủ tịch kiêm CEO của công ty điều hành sòng bạc Melco Resorts & Entertainment, đang tìm cách chuyển trụ sở chính của công ty từ Hồng Kông sang Ma Cao để tránh bị hủy niêm yết tại Mỹ.
Thực tế, Trung Quốc từ lâu đã ngăn cản các công ty niêm yết ở nước ngoài tiết lộ chi tiết kiểm toán cho các cơ quan quản lý nước sở tại. Vì vậy, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc về việc kiểm tra thông tin kiểm toán của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã đi vào bế tắc.
Dù Trung Quốc đã sửa đổi 1 điều khoản từ năm 2009, hạn chế hoạt động chia sẻ dữ liệu của các công ty niêm yết ở nước ngoài để nhượng bộ Mỹ, song Bắc Kinh vẫn không đồng ý điều chỉnh theo yêu cầu của Washington về việc tiếp cận các cuộc kiểm toán đầy đủ.
Về tắm ao ta
Ngày 27-7, Tập đoàn Alibaba đã thông báo sẽ niêm yết sơ cấp trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông (HKEX), như một biện pháp để đối phó với nguy cơ bị hủy niêm yết của Mỹ.
Việc niêm yết sơ cấp, không phải thứ cấp (còn được gọi là “niêm yết sắp về nước”) ở Hồng Kông của một trong những công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc, sẽ củng cố vai trò của thị trường Hương Cảng. Alibaba cũng cung cấp kế hoạch chi tiết cho phép tiếp cận trực tiếp với nhóm nhà đầu tư Trung Quốc mới trong trường hợp Mỹ hủy niêm yết và các nhà đầu tư toàn cầu rút lui.
Các chuyên gia cho rằng, động thái của Alibaba có thể là chất xúc tác làm dấy lên làn sóng các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đổ xô đến Hồng Kông để niêm yết sơ cấp, có thể dẫn đến dòng vốn cực lớn đổ vào một trong những sàn giao dịch chứng khoán hàng đầu châu Á. Đối với các công ty Trung Quốc, thị trường vốn của Hồng Kông khiến nó trở thành lựa chọn thay thế Phố Wall trong trường hợp Mỹ hủy niêm yết hàng loạt chứng khoán Trung Quốc.
Việc các công ty Trung Quốc rời bỏ New York sẽ khiến người Mỹ khó đầu tư hơn vào các công ty Trung Quốc. Chỉ riêng các nhà đầu tư tổ chức của Mỹ đã nắm giữ 200 tỷ USD Biên lai lưu ký của người Mỹ gốc Hoa (ADR), một chứng khoán cho phép các nhà đầu tư Mỹ mua cổ phần của các công ty nước ngoài.
Trong vài năm qua, các công ty Trung Quốc đã theo đuổi việc niêm yết thứ cấp ở Hồng Kông để phòng ngừa rủi ro hủy niêm yết của Mỹ. Việc niêm yết thứ cấp hoàn thành dễ dàng, nhanh và rẻ hơn so với niêm yết sơ cấp (hay niêm yết chính).
Alibaba đã đi tiên phong niêm yết sơ cấp ở cả New York và Hồng Kông không ngoài mục đích sẵn sàng nếu hủy niêm yết năm 2024 sắp đến gần, và Washington và Bắc Kinh dường như không thể đạt được thỏa thuận nào gần hơn, chiến lược này có ý nghĩa nhất đối với Alibaba vì nó có nguy cơ cao bị Mỹ hủy niêm yết.
Theo thời báo Financial Times, Trung Quốc đang tìm kiếm sự thỏa hiệp có thể xem các công ty Trung Quốc niêm yết của Mỹ được chia thành 3 loại: những công ty nắm giữ dữ liệu không nhạy cảm, nhạy cảm và bí mật. Bắc Kinh có thể sẽ cho phép những công ty thuộc loại đầu tiên mở sổ sách của họ cho các cơ quan quản lý Mỹ. Trong khi đó, các công ty loại 2 và 3 không được phép tiết lộ những dữ liệu bí mật và nhạy cảm.
Điều này có nghĩa các ông ty này có nguy cơ cao sẽ bị hủy niêm yết khỏi Mỹ. Hơn nữa, gần đây Trung Quốc đã ban hành luật bảo vệ thông tin cá nhân và bảo mật dữ liệu mới, cho phép các cơ quan chức năng của họ kiểm soát nhiều hơn dữ liệu của các công ty tư nhân nhân danh an ninh quốc gia. Alibaba, nhà cung cấp thương mại điện tử và đám mây với hơn 1 tỷ người dùng, được xếp vào nhóm công ty nắm giữ thông tin Bắc Kinh muốn giữ.
Brian Freitas, nhà phân tích của Periscope Analytics, cho biết trong báo cáo mới nhất, những gã khổng lồ của Trung Quốc như đối thủ của Alibaba, JD.com, gã khổng lồ internet và trí tuệ nhân tạo (A.I.) Baidu, và hãng game NetEase, rất có khả năng sẽ đi theo con đường này. Lundy ước tính các cổ phiếu Trung Quốc lớn hơn được niêm yết tại Mỹ, khoảng 80-100 cổ phiếu sẽ đủ điều kiện để được niêm yết chính. Những công ty như vậy phù hợp với dự luật để bị xóa khỏi Mỹ vì là nền tảng internet lớn với hàng triệu người dùng và dữ liệu.
Goldman Sachs dự đoán các nhà đầu tư có thể cung cấp cho Hồng Kông dòng vốn 30 tỷ USD, nếu Alibaba và 14 công ty khác chuyển niêm yết ở Hồng Kông. |