Đại biểu Quốc hội lo ngại tình trạng sở hữu chéo và nợ xấu của các nhà băng

(ĐTTCO) - Chiều 23-11, góp ý tại phiên thảo luận Luật Các TCTCD sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan ngại về tình trạng xử lý nợ xấu của các nhà băng, nhất là sau sự cố SCB.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận

Tháo gỡ những điểm nghẽn, bất cập

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông), góp ý Luật Các TCTD là luật có tính chuyên sâu, phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến các hoạt động kinh tế, xã hội có tác động đến nhiều đối tượng và tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như liên quan, đến thông lệ và pháp luật quốc tế và liên quan nhiều luật khác.

Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo rà soát các quy định trong dự thảo luật để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo với các luật khác sẽ gây tác động không tốt, nhất là đối với an ninh, an toàn, hệ thống ngân hàng và hoạt động kinh tế xã hội.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu có các chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm, gắn trách nhiệm của NHNN, các cơ quan có liên quan để bảo đảm các quy định được chấp hành nghiêm túc. Tiếp tục nghiên cứu thêm các quy định về xử lý triệt để vấn đề sở hữu chéo, thao túng chi phối các tổ chức tín dụng trên cơ sở tổng kết quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng, nhất là xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém trong thời gian vừa qua.

Đại biểu Dương Khắc Mai cũng nêu hiện trạng nhiều khách hàng đang có nợ tốt tại NH mà đến khi khách hàng đến hạn, NH không được cho vay lại và các NH khác không được cho vay sẽ ảnh hưởng không tốt gây khó khăn cho cả khách hàng và hoạt động chung của các NH. Điều này có thể đẩy tỷ lệ nợ xấu gia tăng.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tại phiên thảo luận

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tại phiên thảo luận

Khách hàng phát sinh nợ xấu và thiếu hợp tác thì NH lại buộc phải đồng ý bàn giao tài sản cho thi hành án kê biên, xử lý nợ. Trong điều kiện thị trường bất động sản có nhiều biến động và khó khăn như hiện nay, NH gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

“Đặc biệt là các trường hợp tài sản bảo đảm đã chuyển sang cơ quan thi hành án để xử lý giá trị bất động sản hiện tại giảm sâu. Nếu tiếp tục giảm giá cũng có người mua hoặc giảm giá nhiều lần để bán trong giai đoạn hiện nay thì giá bán thu được cũng không đủ để thu hết nợ gốc”, đại biểu Dương Khắc Mai nói.

Vấn đề xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu quy định tại Chương 7, đại biểu Dương Khắc Mai, cho rằng Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy việc xử lý nợ xấu được thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Tuy nhiên, việc luật hóa các quy định này cần phải xử lý đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là các luật có liên quan về lĩnh vực tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, thi hành án hình sự, luật thuế, xử lý vi phạm hành chính. Do đó, đề nghị cần tiếp tục rà soát các quy định có liên quan trong hệ thống pháp luật cho thống nhất và đồng bộ để đảm bảo khi luật được thông qua, bảo đảm thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước và các chủ thể tham gia nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn khó khăn, bất cập như hiện nay.

Cần sửa đổi quy định giới hạn cấp tín dụng

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), thời gian qua, các TCTD có hiện tượng tập trung cho vay quá lớn vào một số ít khách hàng, hoặc cũng có hiện tượng cho vay doanh nghiệp sân sau hoặc mua trái phiếu doanh nghiệp sân sau. Do vậy, cần sửa đổi quy định về giới hạn cấp tín dụng, giảm mức dư nợ cấp tín dụng tối đa đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan để hạn chế rủi ro tập trung vốn tính tín dụng cho một khách hàng và nhóm khách hàng lớn.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga

Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) thống nhất với quy định mới vấn đề là cấm sở hữu chéo. Đây là một vấn đề rất là quan trọng, trong thời gian qua là một số NH đã vướng phải. Chính phủ cũng như là Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chỉnh lý những quy định liên quan đến hạn chế về thao túng, chi phối tổ chức tín dụng. Đây là vấn đề cũng rất là lớn nhưng không phải là quan trọng.

“Cái cốt lõi hiện nay làm sao giám sát và quan tâm hơn nhiều đối với những trường hợp ông chủ của các NH là doanh nghiệp lớn, không để trường hợp xảy ra như SCB được. Đối với trường hợp những những ông chủ NH phải xem xét cụ thể và quan trọng là các cổ đông của các ông chủ này”

Theo đại biểu Phạm Văn Hoà, hiện tại có tâm lý nghĩ rằng là tiền gửi của người dân vào các NH không được là đến tay của người vay hoặc đến tay của DN. Nhưng cổ đông và ông chủ của các NH này lại vay rất là dễ dàng. “Tình hình này nếu chúng ta không có kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, khả năng là xảy ra như SCB. Cho nên NH phải có trách nhiệm và quan tâm nhiều hơn đối với vấn đề này hiện nay”, đại biểu Phạm Văn Hoà nhận định.

Minh bạch hoạt động để tránh sở hữu chéo

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước), nhận định về các quy định người có liên quan, tỷ lệ sở hữu cổ phần, giới hạn cấp tín dụng, việc sửa đổi bổ sung quy định này là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, khi vấn đề sở hữu chéo, thao túng, “sân trước, sân sau” trong hoạt động NH đang là vấn đề nóng khi các sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động NH được phát hiện gần đây.

Do vậy, đại biểu Điểu Huỳnh Sang, cho rằng dự thảo luật quy định nội dung này nhằm hướng đến việc hạn chế việc thao túng và sở hữu chéo trong hoạt động NH, đảm bảo quyền lợi cho cổ đông, hạn chế việc tập trung cổ phần vào một nhóm cổ đông. Qua đó tránh việc tập quyền vào một nhóm cổ đông, hạn chế các hành vi quản trị điều hành theo lợi ích nhóm ảnh hưởng đến lợi ích của TCTD và các cổ đông đại chúng khác.

Trong phần phát biểu của mình, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cũng thể hiện sâu sắc mối quan tâm đến vấn đề tạo cơ chế để xử lý tình trạng sở hữu chéo. Theo đại biểu, sở hữu chéo, chi phối và thao túng trong là các thủ thuật rất tinh vi và thường là vô hình. Tuy nhiên, với đối tượng vô hình và thường xuyên biến đổi này ta lại dùng các công cụ như luật đang thiết kế (giảm tỷ lệ sở hữu cổ phẩn, giảm hạn mức cấp tín dụng và mở rộng đối tượng không được đảm nhiệm chức vụ). Tức là ta đang lấy cái hữu hình để trị cái vô hình, như vậy là không hiệu quả.

"Cốt lõi của hệ thống NH nằm ở vấn đề quản trị. Để chống sở hữu chéo, thao túng, chi phối trong hệ thống NH thì yếu tố hàng đầu là phải xác định được cá nhân/tổ chức là nào chủ sở hữu thực sự của NH", đại biểu Trịnh Xuân An phân tích.

Theo ông Trịnh Xuân An, luật cần phải xây dựng khuôn khổ pháp lý nhằm xác định được cá nhân/tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong hoạt động của NH. Theo đó có hai vấn đề cần quy định cụ thể.

Một là minh bạch thông tin của tất cả các cá nhân, tổ chức là cổ đông của NHTM thay vì giảm tỷ lệ sở hữu; xác định nghĩa vụ công bố thông tin đối với cổ đông (cả tổ chức và cá nhân) và nhóm người có liên quan sở hữu cổ phần của TCTD trên một mức cụ thể.

Hai là, kiểm soát được dòng tiền, nguồn tiền góp vốn thông qua cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt và áp dụng kiểm soát dữ liệu cá nhân. Từ vụ SCB cho thấy bài học, dòng tiền không phải tự nhiên có, mà phải từ cá nhân, tổ chức nào đi.

Phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến phát biểu của các đại biểu tại phiên thảo luận, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, với ý kiến đóng góp của các đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế để nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu, giải trình đầy đủ, báo cáo Chính phủ để Chính phủ có báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội tại kỳ họp sau.

Các tin khác