(ĐTTCO) - Trong phiên thảo luận các văn kiện Đại hội Đảng XII, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng việc đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ, đổi mới về kinh tế là một yêu cầu hết sức cấp bách.
Trong phiên thảo luận về dự thảo các Văn kiện tại Đại hội lần thứ XII của Đảng, ông Bùi Quang Vinh (Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư) đã có bài phát biểu tâm huyết về nội dung “xây dựng một nước Việt Nam thịnh vượng”.
Phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, những thành tựu của công cuộc đổi mới là không thể phủ nhận, và đó cũng chính là nguyên nhân giúp Việt Nam vượt qua thách thức trong hơn 30 năm qua.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn là một nước nghèo, chúng ta chưa bằng lòng, thỏa mãn với những gì đạt được, nhất là khi chúng ta nhìn lại mình trong tương quan với các nước bên cạnh có cùng điều kiện như chúng ta.
Có lẽ ít ai biết rằng đầu thế kỷ XIX, vào năm 1820, Việt Nam đã có vị thế rất đáng nể trong khu vực về dân số cũng như về quy mô kinh tế, lớn hơn cả Philippines và Myanmar cộng lại, gấp hơn 1,5 lần Thái Lan. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khi đó xấp xỉ mức trung bình của thế giới.
Hiện nay tính theo số liệu năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng chưa đến 1/5 mức trung bình của thế giới, cụ thể là 2.052 USD trên khoảng gần 12.000 USD bình quân của thế giới, mức này chỉ bằng hơn 1/3 thu nhập bình quân đầu người của Thái Lan.
Mọi sự so sánh đều khập khiễng, vì trong lịch sử Việt Nam đã trải qua rất nhiều cuộc kháng chiến chống xâm lược và thống nhất đất nước. Nhưng, chúng ta cũng đã có hơn 40 năm sống trong hòa bình và độc lập, 30 năm đổi mới.
Đây là thời gian dài tương đương với thời gian để các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan đưa nền kinh tế của họ từ chỗ nông nghiệp, nghèo nàn, lạc hậu trở thành nền kinh tế phát triển. Hơn nữa, hiện nay yêu cầu đổi mới và phát triển đối với Việt Nam càng cấp bách hơn bao giờ hết.
Thứ nhất, Việt Nam đang ở trong giai đoạn ngắn ngủi còn lại của cơ hội dân số vàng, từ 1970, thường kéo dài 50 năm. Nghĩa là đến 2020 thì Việt Nam hết cơ hội dân số vàng, ở đây chúng tôi tính thêm 5 năm là đến 2025. Như vậy chúng ta chỉ còn khoảng tối đa 10 năm.
Thứ hai, những động lực từ công cuộc đổi mới trước đây đem lại dần hết phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, những dư địa tăng trưởng dựa trên tăng vốn đầu tư, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên khoáng sản cũng không còn nhiều lợi thế.
Thứ ba, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Chúng ta chấp nhận hội nhập tức là chấp nhận cạnh tranh. Do đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam là một đòi hỏi có ý nghĩa sống còn.
Vì ba lý do nêu trên, Việt Nam phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa nếu không muốn tụt lại phía sau, nếu không muốn nền kinh tế trì trệ, kéo dài và rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp.
Làm tốt, sẽ lấy lại niềm tin
Cũng tại Hội trường này, cách đây 5 năm, vào tháng 1-2011, Đại hội XI của Đảng đã thông qua chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020.
Tại trang 99 nêu rõ phải kiên trì và quyết liệt thực hiện đổi mới, đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền, mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội.
Nghị quyết cũng khẳng định phải lấy việc thực hiện mục tiêu này làm tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá hiệu quả của quá trình đổi mới và phát triển. Thực tế 5 năm qua, chúng ta đã tích cực đổi mới về thể chế kinh tế và đạt được một số kết quả nhất định.
Nhưng đổi mới về chính trị hầu như chưa làm, chính vì vậy mà công cuộc đổi mới trong 5 năm qua chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn.
Nhìn lại thực tế 30 năm qua, thành tựu lớn nhất, bao trùm nhất công cuộc đổi mới đó là chúng ta đã chuyển được nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường. Chính nó đã làm thay đổi căn bản cuộc sống của chúng ta, đưa đất nước phát tiển.
Tuy vậy, 70 năm qua, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, đoàn thể các cấp trong hệ thống chính trị gần như không thay đổi.
Một hệ thống chính trị phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây, đặc biệt là trong hoàn cảnh chiến tranh, nay đã không còn phù hợp với điều kiện nền kinh tế thị trường, thậm chí là rào cản, trở ngại cho sự phát triển.
Vì vậy trong giai đoạn tới, việc đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ, đổi mới về kinh tế là một yêu cầu hết sức cấp bách.
Đảng là người lãnh đạo cao nhất của đất nước, cần chủ động, nghiêm khắc đánh giá lại chính mình và thực hiện nghiêm chỉnh những nghị quyết mà Đại hội Đảng toàn quốc đã xác định.
Kiên quyết đổi mới cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị để hoạt động có hiệu quả hơn, thực chất hơn. Đây là nhân tố tiên quyết, quan trọng nhất cho quá trình đổi mới tiếp theo.
Làm tốt điều này, Đảng sẽ lấy lại niềm tin trong nhân dân bằng tấm gương tự đổi mới, tự lãnh đạo hiệu quả của mình đối với đất nước và dân tộc.
3 trụ cột chính
Về đổi mới thể chế kinh tế, trong tâm trọng giai đoạn tới dựa trên 3 trụ cột chính sau đây:
Một là, thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bền vững về môi trường. Việt Nam phải có mức tăng trưởng cao và ổn định liên tục trong 20 năm tới, với mức tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm 7%. Có nghĩa là tương đương với mức tăng trưởng GDP hàng năm 8%, để đến năm 2035 đạt mức thu nhập bình quân đầu người từ 15.000 đến 18.000 USD.
Để đạt được mục tiêu này, con đường duy nhất là phải tăng năng suất lao động… Mức tăng năng suất lao động của Việt Nam đã liên tục sụt giảm từ cuối những năm 1990 đến nay.
Hiện nay năng suất lao động của Việt Nam ở mức rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. Điều đặc biệt, năng suất lao động ngay cả của khu vực tư nhân của Việt Nam cũng đang liên tục sụt giảm và ở mức rất thấp.
Năng suất lao động của Việt Nam thấp vì: Cơ cấu lao động rất lạc hậu. Lao động trong khu vực phi chính thức cao hơn rất nhiều so với khu vực chính thức, có tới hơn 44% lao động trong tổng số lao động của đất nước làm việc trong khu vực nông nghiệp, khu vực tạo ra giá trị gia tăng rất thấp. Nguyên nhân nữa là nền tảng kinh tế thị trường chậm hoàn thiện, các yếu tố vốn, đất đai, tài nguyên, khoáng sản chưa được phân bổ theo cơ chế thị trường, chủ yếu là mệnh lệnh hành chính.
Phải tập trung cao độ thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong nước mà chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân về cả số lượng và chất lượng. Coi đây là nhiệm vụ của bộ máy nhà nước các cấp. Sức khỏe của doanh nghiệp trong nước chính là sức khỏe của nền kinh tế.
Trước mắt là nâng cao cho được năng lực cạnh tranh và hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước, thông qua việc hoàn thiện và củng cố nền tảng của nền kinh tế thị trường, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản và xác định các chính sách công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong tiếp cận vốn, đất đai, tài nguyên và thông tin.
Phải thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp. Nhà nước phải tạo dựng môi trường thuận lợi, xây dựng những trung tâm hướng dẫn và đào tạo các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, cung cấp kiến thức và nguồn vốn thông qua hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, ngân hàng đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ các doanh nghiệp này, nhằm tạo ra một làn sóng khởi nghiệp và tinh thần doanh nghiệp mạnh mẽ trong toàn xã hội. Phải coi vị thế của doanh nghiệp là vị thế của quốc gia.
Hai là, công bằng và hội nhập xã hội, hay còn gọi là bình đẳng cho mọi người.
Ba là, nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước. Xây dựng cơ chế hữu hiệu và kiểm soát sự cân bằng giữa ba nhánh quyền lực. Tạo ra những khuôn khổ pháp lý thúc đẩy quyền công dân. Tăng cường vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng.
“Nước ta đang đứng trước bước ngoặt của cải cách và phát triển, thời cơ và thuận lợi rất lớn, nhưng thách thức và khó khăn cũng không hề nhỏ. Để đạt được khát vọng hướng tới một Việt Nam thịnh vương, sáng tạo, công bằng và dân chủ, chúng ta phải thực hiện cải cách trên các vấn đề nêu trên. Không thực hiện được những cải cách đó, chúng ta không thể khai thác được các cơ hội, cũng không thể vượt qua thách thức, và nguy cơ tụt hậu xa hơn, rơi vào bẫy thu nhập trung bình sẽ khó có thể tránh khỏi. Chúng tôi tin tưởng rằng những thế hệ người Việt Nam hiện nay và tương lai chắc chắn có đủ ý chí, bản lĩnh, năng lực để thực hiện thành công công cuộc đổi mới” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Điều hành phiên thảo luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: Bài phát biểu của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh rất tâm huyết, thẳng thắn, nhìn thẳng vào tình hình đất nước.
“Để thực hiện mục tiêu đổi mới thể chế kinh tế, một trong ba khâu đột phá của Đảng ta, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã chủ trì, phối hợp với Ngân hàng thế giới tập hợp những chuyên gia kinh tế hàng đầu của thế giới và trong nước để xây dựng báo cáo Việt Nam 2035, hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ. Báo cáo này nhằm xác định nền kinh tế Việt Nam đang ở đây trong khu vực và trên thế giới. Mục tiêu, khát vọng của Việt Nam đến năm 2035 là gì? Những cản trở nào đối với sự phát triển của Việt Nam hiện nay và bằng cách nào để Việt Nam đạt tới mục tiêu của mình… Theo báo cáo này, thứ nhất, cần xây dựng một Nhà nước pháp quyền hiện đại, nền kinh tế thị trường đầy đủ, xã hội dân chủ, phát triển, thịnh vương cao. Thứ hai, thúc đẩy hiện đại hoá nền kinh tế, song hành với nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân. Thứ ba, phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, lấy khu vực tư nhân làm trung tâm. Thứ tư, bảo đảm công bằng xã hội cho các nhóm yếu thế và thúc đẩy xã hội trung lưu phát triển. Thứ năm, phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng chống chịu biến đổi khí hậu. Thứ sáu, gia tăng mật độ kinh tế trong quá trình đô thị hóa và tăng cường tính kết nối giữa các thành phố và vùng lân cận”. |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh