Kỳ vọng những lợi ích chiến lược khác
So với cáo buộc thao túng tiền tệ trong báo cáo xuất bản tháng 12-2020, đây được xem là sự chuyển biến rất tích cực. Dù vậy, một điểm có thể nhận thấy là trong báo cáo mới này, Việt Nam cùng với Thụy Sĩ và Đài Loan, vẫn được cho hội đủ 3 tiêu chí để xác định một quốc gia có thể đang có duy trì những hoạt động ngoại hối không sòng phẳng, hay cố duy trì cán cân thanh toán không cân bằng với Mỹ.
Những điều này được xem là có thể “tổn hại tăng trưởng kinh tế Mỹ hoặc ảnh hưởng xấu lên các công ty và người lao động Mỹ”.
Báo cáo này cũng cho biết Bộ Tài chính Mỹ cũng đang xem xét sẽ tiếp tục làm việc với Việt Nam và Thụy Sĩ để có thể xác định liệu có hành vi thao túng tiền tệ nào không, trong khi đó ngôn từ dành cho phía Đài Loan có vẻ nghiêm trọng hơn và có tính “nhắc nhở” rằng những trao đổi sắp tới với phía Đài Loan là “trọng yếu” để ra quyết định đánh giá là có hành vi thao túng tiền tệ hay không.
Một điểm đáng chú ý khác là so với tháng 12-2020, ngoài Việt Nam, Thụy Sĩ và Đài Loan được đặc biệt để ý và dành nhiều trang thảo luận riêng, danh sách giám sát thao túng tiền tệ tiếp tục có những đối tác thương mại lớn được chú ý trong các báo cáo trước như Trung Quốc và Đức, còn bổ sung thêm Mexico và Ireland.
Nói một cách khác, danh sách giám sát thao túng tiền tệ của Mỹ ngày càng dài chứ không ngắn lại. Nó phủ định góc nhìn của một số nhà phân tích là chính quyền Tổng thống Biden sẽ tác động lên Bộ Tài chính để rút bớt các quốc gia ra khỏi danh sách giám sát thao túng tiền tệ.
Thay vào đó, họ có thể để một danh sách dài hơn, nhưng không vội vã kết luận thao túng tiền tệ như chính quyền cựu Tổng thống Trump.
Việc Mỹ gỡ bỏ định danh thao túng tiền tệ với Việt Nam và Thụy Sĩ, đồng thời không có quy kết Đài Loan thao túng tiền tệ, cho thấy họ kỳ vọng nhận được, hoặc cảm thấy sẽ nhận được những lợi ích chiến lược khác. |
Nói cách khác, không phải cứ vì vi phạm đủ 3 tiêu chí sẽ bị xem là thao túng tiền tệ. Quyết định của Mỹ xem có đủ bằng chứng để kết luận thao túng tiền tệ hay không là quyết định có tính chủ quan cao và người làm báo cáo có nhiều không gian để xoay sở.
Việc Mỹ gỡ bỏ định danh thao túng tiền tệ với Việt Nam và Thụy Sĩ, đồng thời không có quy kết Đài Loan thao túng tiền tệ trong báo cáo tháng 4 này, cho thấy họ kỳ vọng nhận được, hoặc cảm thấy sẽ nhận được những lợi ích chiến lược khác.
Vì báo cáo này định kỳ 2 lần một năm, nên Việt Nam có thể thở phào nhẹ nhõm lúc này, nhưng lại phải tiếp tục thúc đẩy tốt mối quan hệ hợp tác với Mỹ, nhất là trên bình diện thương mại và ngoại giao để đạt được sự đảm bảo tốt hơn cho các đợt báo cáo tiếp theo, tránh việc phải nhận những kết luận không vui từ phía đối tác.
Tín hiệu lạc quan mối quan hệ với Việt Nam
Tín hiệu lạc quan mối quan hệ với Việt Nam
Có 3 vấn đề có thể nhận ra Việt Nam luôn phải chú ý. Thứ nhất, quy mô và tần suất can thiệp vào thị trường ngoại hối, điều vẫn được nhấn mạnh nhiều lần trong báo cáo.
Thứ hai, báo cáo này duy trì quan điểm đồng VNĐ của Việt Nam bị định giá thấp và cho biết đang làm việc với các cơ quan của Việt Nam để lập kế hoạch hành động cụ thể, nhắm tới các nguyên nhân gây ra việc đồng tiền bị định giá thấp và cán cân thương mại với Mỹ thặng dư cao.
Thứ ba, mức thặng dư thương mại đến 70 tỷ USD của Việt Nam với Mỹ trong năm 2020, mức cao nhất trong lịch sử.
Với vấn đề thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho thấy những động thái điều hành tỷ giá theo hướng giảm bớt nhu cầu phải thường xuyên can thiệp vào thị trường. Trong điều kiện thị trường hiện tại, cách thức điều hành này vẫn có thể tiếp tục và những lợi thế về ổn định vĩ mô, không có sốt nóng vốn đổ vào hay chảy ra đang hỗ trợ cho NHNN.
Về vấn đề thứ hai, Bộ Tài chính Mỹ trích nguồn dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) để kết luận về định giá thấp đồng tiền, vì vậy Việt Nam cũng cần có những thảo luận cụ thể và có thể công bố nghiên cứu của Việt Nam về vấn đề này để rộng đường thảo luận.
Vấn đề thặng dư thương mại với Mỹ là yếu tố có tầm quan trọng, vì nếu Mỹ đã xác định rằng VNĐ bị định giá thấp, họ có thể xem đây là một chiến thuật để Việt Nam đạt được thặng dư thương mại cao so với Mỹ.
Trong khi đó, nhiều khoản thặng dư thương mại này thật ra do các doanh nghiệp nước ngoài “mượn tạm” Việt Nam làm nơi trung gian, đi đường vòng của những đơn hàng xuất khẩu từ Trung Quốc qua Mỹ trước đây.
Thương chiến Mỹ - Trung vô tình tạo ra con số thặng dư thương mại cao, nhưng chưa chắc đã đem lại lợi ích lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam cần có những ứng xử phù hợp để tránh chuyện “có tiếng mà không có miếng” trong chuyện xuất siêu 70 tỷ USD sang Mỹ này.
Nói chung, báo cáo lần này của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy những tín hiệu lạc quan trong mối quan hệ Mỹ - Việt Nam. Đây là điều chúng ta cần cố gắng duy trì và không nên chủ quan.
Việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden vừa áp đặt trừng phạt mới lên Nga, cho thấy họ không ngại dùng biện pháp trừng phạt ai đó vi phạm lợi ích của Mỹ, ngay cả trong trường hợp Mỹ đang cần Nga để hợp tác trong nhiều kế hoạch, như giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng.