Kiểm tra một cây xăng để bảng hết xăng ở An Giang. Ảnh: QUỐC BÌNH
Tính đến thời điểm này, tại các tỉnh ĐBSCL, đã có hàng trăm cây xăng bán lẻ xin tạm ngưng hoạt động với nhiều lý: Sửa chữa, nâng cấp; gia đình có đám tiệc; thậm chí có cây xăng nói thẳng rằng “lỗ quá, không cầm cự được nữa”.
Tại các huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của các tỉnh ĐBSCL (An Giang, Kiên Giang…), nhiều người dân phải cầm theo túi nhựa loại lớn để chạy vài chục cây số mua xăng đem về.
Chị Vũ Thị Tuyết (ngụ huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) cho hay, chị đi xe máy ra tới TP Rạch Giá cách nhà 30km, chủ cây xăng chỉ đổ đầy bình trong xe, không bán thêm. Chị phải tìm chỗ vắng, hút xăng trong xe ra túi ni lông rồi chạy đi tìm cây xăng đổ tiếp bình mới.
“Tôi phải chọn cây xăng nhà nước (Petrolimex, KTC – công ty thương mại Kiên Giang, hoặc xăng dầu quân đội… - PV ) mới đổ được nhiều. Ở xóm tôi, nhiều gia đình luân phiên cử đại diện đi mua xăng, vì xăng không để chạy xe, mà còn để chạy máy bơm, máy lọc nước nuôi tôm, cá…”, chị Tuyết bày tỏ.
Theo ngành công thương các tỉnh ĐBSCL, từ tháng 8 tới nay, giá xăng liên tục giảm. Kéo theo đó, số cây xăng xin tạm nghỉ không ngừng gia tăng, thậm chí có chủ cây xăng xin nghỉ 5 ngày để… đi đám giỗ.
Ông Lê Khánh Hưng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang cho biết, theo quy định, xăng dầu là mặt hàng nhiên liệu chiến lược, được nhà nước quản lý phân phối. Cho nên, mỗi khi có cây xăng xin nghỉ phải cử người đi kiểm tra rất mất thời gian.
Nhiều cây xăng đối phó bằng cách xin nghỉ để sửa bảng hiệu, thay mấy viên gạch lót nền. Có cây xăng vẫn bán, nhưng treo bảng hết xăng, còn dầu. Còn hiện tại thì các cây xăng đang bán nhỏ giọt để duy trì hoạt động.
Bà H. – chủ cây xăng ở tỉnh Tiền Giang chia sẻ, trong phiên báo giá hôm 6-10, mức chiết khấu 150 đồng/lít, sáng nay báo còn 50 đồng/lít. Tính ra mỗi lít xăng sau 1 đêm đã lỗ mất 100 đồng, cộng dồn với mức lỗ thông thường thì bán mỗi lít lỗ 300-400 đồng, chưa kể chi phí mặt bằng, nhân viên, điện đóm và hàng loạt chi phí khác.
Mới đây, hàng chục doanh nghiệp xăng dầu ở TPHCM và các tỉnh, thành phố ĐBSCL đã ký kiến nghị 5 nội dung gửi Chính phủ và các bộ, ngành xem xét giải quyết, đó là: cần có sự chỉ đạo thống nhất, can thiệp kịp thời, đưa ra các giải pháp hợp tình, hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia thị trường; có các giải pháp nhằm khắc phục hoàn toàn tình hình thua lỗ của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.
Không để doanh nghiệp bán lẻ bị bắt buộc bán ra với giá thấp hơn giá mua vào; thay đổi công thức tính giá cơ sở hiện nay do chưa phù hợp, chưa tính đủ chi phí dẫn đến doanh nghiệp càng bán ra càng thua lỗ; khi xăng dầu chưa thể theo cơ chế thị trường hoàn toàn và chưa áp dụng theo công thức mới, trước mắt nên quy định áp dụng mức chiết khấu cố định theo định mức đối với doanh nghiệp bán lẻ theo tỷ lệ trên mỗi lít xăng dầu; xem xét loại bỏ quỹ bình ổn xăng dầu "vì hoạt động không khách quan" và doanh nghiệp đề xuất đưa công cụ điều tiết bằng thuế sẽ minh bạch hơn.