Lợi nhuận chạm đáy
Báo cáo tài chính mới nhất của DCM là kết quả kinh doanh quý III-2023. Theo đó, doanh thu của DCM ghi nhận những con số kém khả quan mà nguyên nhân chủ yếu đến từ giá khí tăng. Cụ thể, doanh thu thuần trong kỳ đạt 3.010 tỷ đồng (giảm 13,3% so với cùng kỳ 2022).
Dù vậy, đối với DCM đây vẫn là con số có thể chấp nhận được, nhờ sản lượng tiêu thụ nội địa tăng 18%, bù đắp lại yếu tố tiêu cực là giá bán bình quân giảm từ 32-45% so với cùng kỳ năm 2022.
Cùng với sự sụt giảm doanh thu, biên lãi gộp của DCM chỉ đạt 5,9%, do giá Ure xuất khẩu chỉ ở mức 7.700 đồng/kg (giảm 9% so với quý II-2023), thấp hơn 11% so với giá bán trong nước, trong khi đó sản lượng xuất khẩu chiếm 40% tổng sản lượng tiêu thụ.
Đáng buồn là hầu hết các đơn hàng trong tháng 7-2023 của DCM đều chốt giá từ trước, nên doanh nghiệp đã không hưởng lợi từ việc giá Ure trên thế giới mới bắt đầu tăng mạnh từ giữa tháng 7. Yếu tố tác động thứ 2 là việc giá dầu Brent đầu vào tăng 10% so với quý trước, khiến giá khí sản xuất Ure tăng 11%.
Cuối cùng là chi phí bảo dưỡng ước tính lên đến 100 tỷ đồng, và chi phí bán hàng cũng tăng mạnh 30% do doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.
Việc hàng loạt chi phí gia tăng đột biến, khiến cho lợi nhuận trước thuế của DMC giảm tới 87%, đạt 105 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm đến 90%, đạt 74 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế DCM lần lượt đạt 9.000 tỷ đồng (giảm 21%) và 690 tỷ đồng (giảm 80%).
Như vậy, DCM mới chỉ hoàn thành lần lượt 45% và 40% kế hoạch năm 2023. Theo dự dự báo từ các CTCK, ước tính cả năm 2023, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của DCM là 13.504 tỷ đồng (giảm 17,56%) và 1.029 tỷ đồng (giảm 77,61%). Đây có thể xem là mức giảm kỷ lục của DCM trong nhiều năm trở lại đây.
Điều chỉnh kế hoạch giờ chót
Trước khả năng không thể về đích, ngay trong những ngày cuối cùng của năm 2023, HĐQT của DCM bất ngờ công bố điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Cụ thể, DCM giảm chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế xuống gần 30%, từ 1.460 tỷ đồng còn 1.029,3 tỷ đồng.
Tương tự, lợi nhuận sau thuế giảm từ 1.383 tỷ đồng xuống 916 tỷ đồng, tương ứng mức giảm là 34%. Về kế hoạch công ty mẹ, lợi nhuận trước thuế và sau thuế cũng đồng loạt giảm khoảng 30%, lần lượt xuống 1.027 tỷ đồng và 915 tỷ đồng.
Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên DCM thực hiện điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cả năm vào thời điểm phút chót. Liên tiếp vào 2021 và 2022, doanh nghiệp này cũng đã thay đổi kế hoạch trong những ngày cuối cùng của năm. Điểm khác biệt lớn nhất là nếu như DCM điều chỉnh tăng các chỉ tiêu vào 2 năm trước, thì năm 2023 điều chỉnh giảm.
Cụ thể năm 2021, DCM nâng chỉ tiêu tổng doanh thu hợp nhất cả năm thêm 17%, và chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế lên gấp 4,4 lần kế hoạch cũ. Với doanh thu đạt 9.870 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.920 tỷ đồng, DCM vẫn bỏ xa ngay cả kế hoạch đã điều chỉnh.
Năm 2022, DCM tiếp tục tăng chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế thành 3.660 tỷ đồng (gấp 7 lần so với kế hoạch cũ), doanh thu cũng tăng khoảng 60% lên 14.525 tỷ đồng. Kết quả thực tế DCM vẫn vượt kế hoạch đã điều chỉnh.
Kỳ vọng thoát đáy?
Từ kết quả bết bát của năm 2023, mới đây DCM đã công bố các chỉ tiêu kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh chính năm 2024 đầy thận trọng. Theo đó, mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất hơn 11.878 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 841,4 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế gần 795 tỷ đồng. Đối với công ty mẹ, tổng doanh thu lên kế hoạch 11.081 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 794 tỷ đồng.
Kế hoạch kinh doanh trên được xây dựng dựa trên kịch bản giá dầu Brent bình quân năm 2024 là 70USD/thùng, giá khí bình quân năm là 8,6USD/mmBTU (đơn vị nhiệt Anh). Tuy nhiên, đại diện DCM cho biết sẽ nỗ lực vượt kế hoạch lợi nhuận thông qua việc linh hoạt sử dụng nguồn tiền mặt dồi dào để tăng doanh thu tài chính.
Câu hỏi được nhiều cổ đông và nhà đầu tư đặt ra cho DCM, liệu kết quả kinh doanh năm 2023 đã chạm đáy hay chưa, và liệu mục tiêu 2024 có tiếp tục được điều chỉnh ở những ngày cuối năm? Để trả lời câu hỏi này, trước mắt DCM phải giải được các yếu tố tiêu cực như đã nhắc đến ở trên.
Tuy nhiên, với khả năng dự báo không được giới đầu tư đánh giá cao như hiện tại, thì khả năng thoát đáy của DCM vẫn còn bỏ ngỏ, dù môi trường sản xuất kinh doanh năm 2024 đã sáng hơn năm vừa qua.
Trong khi những câu hỏi khó phía trên vẫn đang bỏ ngỏ, thì DCM lại đối mặt thêm thách thức khác, đó là vấn đề nguyên liệu đầu vào. Theo phân tích của CTCK Bảo Việt (BVSC), hiện nay các mỏ dầu khí lớn của Việt Nam đang suy giảm sản lượng tự nhiên từ 5-8%/năm, do hầu hết các mỏ đã khai thác quá lâu.
Tại khu vực Tây Nam bộ, hiện mỏ khí PM3CAA đã suy giảm, nên DCM phải mua khí từ Malaysia để bù khí cho khu vực Cà Mau. Tỷ trọng nguồn khí ngày càng suy giảm nhanh hơn so với dự báo, và tỷ lệ cấp bù từ nguồn khí giá cao khác tăng lên, dẫn đến chi phí cước phí vận chuyển tăng cao.
Do đó, DCM điều chỉnh tăng tỷ trọng khí mua ngoài từ Petronas (Malaysia) từ mức 30% lên 40%. Ước tính giá khí đầu vào của DCM trong 2024 khoảng 10,02USD/mmBTU, tăng 15% so với dự phóng trước đây với giả định giá dầu Brent khoảng 85USD/thùng (tăng 2,5%) do OPEC+ thông báo việc cắt giảm sản lượng dầu thô sẽ kéo dài từ 6-2023 đến hết 2024.