Đây là ghi nhận sự nỗ lực trong thời gian qua của TPHCM khi liên tục thực hiện các chương trình liên quan đến công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) và cũng cho thấy mức độ phát triển và áp dụng CNTT-TT được diễn ra đều, sâu rộng trên các lĩnh vực: y tế, giáo dục, hành chính công, phát triển doanh nghiệp CNTT…
Cụ thể, hoạt động CNTT trong lĩnh vực hành chính công năm 2020 có tổng số dịch vụ công là 1.797, trong đó cấp độ 4 là 215, cấp độ 3 là 358, còn lại là cấp độ 2, không có dịch vụ nào ở cấp độ 1.
Xem tiếp trang 9Thành phố xây dựng nhiều cơ sở dữ liệu quan trọng đưa vào ứng dụng như: Cơ sở dữ liệu dân cư; Cơ sở dữ liệu hộ tịch; Cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính tập trung; Cơ sở dữ liệu GIS công khai thông tin quy hoạch; Cơ sở dữ liệu nguồn nhân lực ngành y tế; Cơ sở dữ liệu cơ sở khám chữa bệnh; Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp (DN)…
Vị trí đứng đầu ở bảng xếp hạng chỉ số công nghiệp CNTT cũng minh chứng những nỗ lực đúng đắn trong chủ trương, quyết sách của thành phố trong định hướng phát triển ngành CNTT-TT từ rất sớm thông qua các chương trình phát triển của TPHCM như: Chương trình Phát triển CNTT-TT giai đoạn 2016-2020; Đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025; Chương trình Chuyển đổi số của TPHCM, Chương trình Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TPHCM giai đoạn 2020-2030 và mới nhất là Chương trình Hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm CNTT-TT giai đoạn 2020-2030…
Đó cũng là sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, DN, người dân trong vai trò ứng dụng, phản hồi về sản phẩm CNTT nhằm thúc đẩy CNTT phát triển. Trong tương lai, hệ thống các chỉ số đánh giá CNTT-TT (ICT Index) còn có thể có nhiều thay đổi và được đánh giá qua ứng dụng CNTT của DN nhỏ và vừa.
Theo báo cáo ICT Index năm 2020, số lượng DN đang hoạt động có đăng ký liên quan đến CNTT-TT là 19.921 DN, trong đó, số DN hoạt động chuyên ngành CNTT là xấp xỉ 5.636 DN (tăng 23% so với năm 2016), chiếm khoảng 3% số DN đang hoạt động. Về phía TPHCM có gần 1.300 DN khởi nghiệp, trong đó hơn 900 DN thuộc lĩnh vực CNTT (chiếm 70%). Điều này cho thấy tiềm năng phát triển ứng dụng CNTT thông qua các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại thành phố là rất lớn. Các tập đoàn lớn như VNPT, Viettel, FPT, các công ty nhỏ và vừa đã đầu tư, sản xuất nhiều sản phẩm CNTT trên địa bàn TPHCM nhằm đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.
ICT là lĩnh vực rất lớn và có tầm quan trọng lớn đối với phát triển đất nước. Đặc biệt, chúng ta đang trong giai đoạn đối phó với những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, trong nguy có cơ, thực hiện việc chuyển đổi số đã trở thành mệnh lệnh cho sự tồn tại, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng, toàn quốc nói chung. Chính vì vậy, định hướng cho các DN của thành phố xác định và quyết tâm thực hiện chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để tập trung quyết liệt thực hiện ở thời điểm này.
DN công nghệ số sẽ phải dẫn dắt cộng đồng DN Việt Nam chuyển đổi số, chủ động nghiên cứu, phát triển, tạo ra các sản phẩm “Make in Vietnam” để cung cấp giải pháp công nghệ phục vụ phát triển đồng đều các khu vực kinh tế thành thị và nông thôn, phục vụ chương trình chuyển đổi số, đưa ứng dụng công nghệ vào mọi ngõ ngách của đời sống kinh tế - xã hội, thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển. Càng có thêm nhiều nhóm sản phẩm số “Make in Vietnam”, sẽ càng có nhiều DN tiếp cận chuyển đổi số. Khi ấy, chỉ số công nghiệp CNTT của TPHCM sẽ càng cao hơn và đa dạng hơn.