Tăng gấp 1,5 - 4 lần
Chị Bảo Ngọc (Quận 2, TPHCM) tá hỏa khi nhận hóa đơn điện tháng 5 với tổng số tiền lên tới gần 2,3 triệu đồng, gấp 4 - 5 lần so với mức bình quân hằng tháng.
Chi tiết hơn, chị dẫn chứng hóa đơn tiền điện của gia đình từ tháng 1 đến tháng 3 đều trên dưới mức 400.000 đồng, nhưng tháng 4 là hơn 1,022 triệu đồng và tháng 5 là 2,245 triệu đồng.
Chị Ngọc băn khoăn: “Tháng 4 tăng coi như do trời nắng nóng, đúng như cảnh báo của ngành điện trước đó. Tuy nhiên, sang tháng 5 tăng gấp nhiều lần so với bình thường là điều thực sự gây sốc cho người tiêu dùng. Gia đình chỉ 2 mẹ con, tôi hiểu lượng điện mình tiêu thụ sẽ tăng, nhưng cách tính tiền điện thế nào để tăng vọt khi dùng nhiều hơn chút, cần phải xem xét”.
Theo lộ trình, đến năm 2024, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh về một giá. Ảnh: Ng.Ng
Tương tự, nhà anh K.H (Quận 4) tháng này cũng tăng gần 1 triệu, từ trung bình 2 triệu đồng/tháng lên 2,9 triệu cho hóa đơn mới nhận. “Chắc do dịch bệnh, cả gia đình ở nhà nhiều hơn nên tiền điện tăng mạnh so với các tháng trước”, anh nói.
Bà Lê Thị Dung (phường Tân Thuận Đông, Quận 7) cho biết hóa đơn tiền điện tăng 1,5 lần, từ 600.000 đồng, nay vọt lên gần 900.000 đồng trong tháng 5. Còn chị Trúc Mai (Bình Thạnh) thông tin trong tháng hè và đợt dịch hiện nay, hóa đơn tiền điện nhà chị tháng 5 cao hơn tháng 4 gần 1 triệu đồng, và cao hơn tháng 3 khoảng 1,5 triệu đồng.
Trên Facebook, chị Mai để câu cảm thán: “Hai thằng con nghỉ hè, Covid-19, tiền điện có 3 triệu chớ nhiêu” và cho biết việc tiền điện sẽ tăng trong mùa nắng nóng có nghe cảnh báo nhưng tăng kiểu này thì “khiếp” quá.
Hóa đơn tiền điện không chỉ tăng vọt đối với gia đình sử dụng nhiều, ngay cả căn hộ nhỏ, độc thân, dùng một máy lạnh vào buổi tối cũng tăng gấp đôi.
Chị Phương (Tân Bình) cung cấp hóa đơn tiền điện chị trả từ tháng 1 đến tháng 3 lần lượt 264.000 đồng, 271.000 đồng và 256.000 đồng. Sang tháng 4, vẫn đi làm bình thường, tối về mới dùng máy lạnh cũng như thói quen suốt năm, tiền điện của căn hộ chị Phương tăng gấp đôi lên 505.000 đồng.
Theo Tổng công ty điện lực TPHCM (EVNHCM), trong tháng 5, sản lượng tiêu thụ điện có ngày vọt lên 90,69 triệu kWh.
Cụ thể, lượng điện tiêu thụ của toàn thành phố trong tuần cuối tháng 5 (24 - 30.5) là 515,68 triệu kWh, tuần đầu tiên của tháng 6 (31.5 - 6.6) khi thực hiện giãn cách xã hội là hơn 559,6 triệu kWh, tăng 8,52% so với tuần trước đó, cao hơn 2,65% so cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, trong ngày 1-6, lượng điện tiêu thụ tại thành phố lên hơn 84,248 triệu kWh, cao hơn nhiều mức trung bình trong tuần chỉ 79,943 triệu kWh và cao hơn nhiều so mức trung bình tuần trước đó (khoảng 73,6 triệu kWh).
Cũng trong ngày 1-6, lượng điện tiêu thụ của cả nước cũng lập kỷ lục với 880,3 triệu kWh, bỏ xa con số 850,3 triệu kWh vừa được xác lập kỷ lục của ngày 31.5 và tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng hơn 15% so với trung bình tuần trước đợt nóng.
Nhảy bậc, nhảy luôn giá
Thời tiết vào mùa nắng nóng, học sinh nghỉ học, thành phố giãn cách chống Covid-19, tỷ lệ người làm việc online tại nhà nhiều hơn đến công sở… là một số lý do đẩy hóa đơn tiền tiện gia đình tăng mạnh. Tuy nhiên, có một lý do khác là vấn đề “nhảy bậc” trong sản lượng điện tiêu thụ, khiến xài điện càng cao, tiền điện càng tăng vọt.
“Việc giảm số bậc trong biểu giá tính giá bán lẻ điện sớm là cần thiết. Bởi theo lộ trình, đến năm 2024, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh đi vào hoạt động sẽ về một giá mà thôi.
Như vậy, ngay từ năm 2022, chậm nhất là đầu năm 2023, lộ trình giảm bậc thang tính giá điện bán lẻ phải được áp dụng thí điểm, duy trì vài năm rồi chuyển sang hình thức bán lẻ điện theo cơ chế cạnh tranh.
Không thí điểm hạ bậc sớm có tính toán khoa học và phù hợp nhu cầu thị trường tiêu dùng lúc này, chúng ta không “trở tay” kịp cho thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sắp tới theo lộ trình”, GS Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc EVNHCMC, cho biết vài ngày gần đây, thời tiết mát hơn nên sản lượng điện tiêu thụ có giảm nhẹ. Tuy nhiên, trong giai đoạn nắng nóng từ tháng 4 đến nay, hơn 880.000 khách hàng có lượng điện tiêu thụ tăng từ 1,3 lần so với tháng 3 và có 220.000 khách hàng trong tháng 5 tăng 1,3 lần so với tháng 4.
Thời tiết nắng nóng là nguyên nhân chính làm tăng tiêu thụ điện của các hộ gia đình, dẫn đến tỷ lệ khách hàng dùng điện ở bậc thang 5 và 6 theo biểu giá điện hiện hành tăng lên 41,52% so với chỉ 17% ở những tháng có nền nhiệt bình thường. Tương ứng với sản lượng điện tăng, tiền điện cũng sẽ tăng.
Đáng nói, tỷ lệ tăng tiền điện sẽ cao hơn tỷ lệ tăng điện năng sử dụng do phần điện năng tăng thêm sẽ áp giá bậc thang cao và duy trì ở bậc 6 có giá 2.927đồng/kWh cho lượng điện dùng từ 401 kWh.
Như vậy, việc hóa đơn tiền điện tăng đột biến trong tháng 4 và 5 vừa qua có một lý do ngoài thời tiết là do chỉ số tiêu thụ điện “nhảy bậc” lên mức giá cao, khiến giá điện tăng theo.
Liên quan biểu giá tính tiền điện lũy tiến 6 bậc, trong năm 2020, Bộ Công thương đã xây dựng phương án điều chỉnh giá điện bán lẻ điện sinh hoạt, từ 6 bậc hiện hành xuống 5 bậc, và lấy ý kiến các cơ quan ban ngành. Tuy nhiên, việc chốt biểu giá điện sinh hoạt thay đổi thế nào, đến nay vẫn chưa được thông qua.
Ngành điện vẫn đang áp dụng biểu giá điện bán lẻ điện sinh hoạt theo 6 bậc.
GS-TSKH Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho rằng Bộ Công thương có đề cập vấn đề điều chỉnh giảm dần số bậc thang biểu giá điện bán lẻ sinh hoạt, từ 6 bậc xuống 5 bậc, trong đó dồn 2 bậc đầu (0 - 50 kWh và 51 - 100 kWh) thành 1 bậc là từ 0 - 100 kWh.
Có thể do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên vấn đề này chưa được bàn đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, cách dồn thành 5 bậc như gợi ý của Bộ Công thương cũng không mang lại thay đổi nhiều, vì lượng khách hàng tiêu thụ dưới 100 kWh rất ít.
Theo ông Long, trong 2 tháng qua, hóa đơn tiền điện tăng vọt tại một số gia đình xuất phát từ nhu cầu tăng đột biến đã đành. Nhưng tăng vì bị “nhảy bậc”, thậm chí lên bậc cao nhất là chưa hợp lý. Thế nên, cần thiết sớm điều chỉnh biểu giá điện theo hướng giãn ra để khi nhu cầu sử dụng tăng, hóa đơn tiền điện không gây sốc cho người tiêu dùng.
GS Trần Đình Long gợi ý nên chia biểu giá thành 3 bậc: Bậc thấp nhất dưới từ 0 - 200 kWh, giá điện sẽ thấp hơn mức giá Chính phủ cho phép, đây là mức có trợ giá của Chính phủ. Bậc 2 là từ 201 -500 kWh quanh mức giá Chính phủ cho phép và bậc 3 vượt con số đó và giá cũng cao hơn.