Ông Mai Đức Thuận, Tổng giám đốc công ty, cho biết việc đầu tiên của ban giám đốc là trấn an tinh thần, sắp xếp chỗ ăn ở cho công nhân, giúp họ thu xếp chuyện gia đình. Toàn bộ lao động được ứng trước một phần lương gửi về nhà. Người có con nhỏ được hỗ trợ thêm chi phí.
"Trước đó, chúng tôi dự phòng tất cả tình huống có thể xảy ra để không bị động". Ông Thuận nói và đưa ra ví dụ bộ phận kế toán chia làm hai, nếu một ca bị cách ly vẫn còn nhóm khác làm việc, đảm bảo công ty luôn thông suốt. Sau 4 ngày, 1.200 công nhân có kết quả xét nghiệm Covid-19 lần một âm tính.
Tâm lý người lao động ổn định, không còn lo lắng. Nhà máy hoạt động trở lại với 90% công nhân tham gia sản xuất. Ngoài tiền lương sản phẩm, lao động còn được nhận thêm khoản bằng mức lương tối thiểu vùng trong thời gian xưởng bị phong toả.
Cách xưởng may M.D.K vài km, gần 800 công nhân Công ty cổ phần thiết bị nhà bếp Vina (Khu công nghiệp Tân Bình, quận Tân Phú) đã có hơn chục ngày thực hiện phương án "3 tại chỗ" khi ăn ngủ, sinh hoạt, làm việc tại nhà máy.
Hôm 28/5, công ty này là doanh nghiệp đầu tiên trong các khu công nghiệp ở TPHCM bị phong tỏa, do ghi nhận ca nhiễm. Ngay lập tức nhà máy lên phương án đảm phòng chống dịch an toàn cũng như ổn định sản xuất, đảm bảo đơn hàng.
Công ty mở 80 nhà vệ sinh, lắp 70 vòi nước, mua hơn 800 chiếc chiếu, mấy ngàn móc áo, lắp thêm quạt ở nhà xưởng, thuốc xịt muỗi, dung dịch sát khuẩn. Một số mặt bằng được giải phóng để lấy chỗ phơi áo quần. Nhà xưởng được dọn dẹp, mỗi công nhân có 3-4 m2 để ngủ.
Hơn 30 thành viên thuộc tổ chống dịch gồm đại diện ban giám đốc và các bộ phận thay phiên nhau giám sát, kiểm tra 24/24 để đảm bảo toàn bộ công nhân tuân thủ 5K. Gần nửa nhân viên hành chính, văn phòng chuyển sang nhóm phục vụ ăn uống, phun khử khuẩn nhà máy, hỗ trợ các phát sinh của công nhân từ gia đình, con cái đến sức khỏe.
Đến nay, gần 800 công nhân có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính lần hai và tâm lý khá ổn; sản xuất của công ty vẫn đảm bảo.
Bên cạnh các nhà máy ghi nhận ca nhiễm, nhiều doanh nghiệp ở TPHCM chưa có ca bệnh cũng lên phương án cho công nhân ăn, ngủ tại nơi làm việc để đảm bảo chuỗi sản xuất không bị đứt gãy khi dịch tấn công.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ tịch công đoàn dệt may Việt Nam, cho hay các đơn vị thuộc Tập đoàn dệt may Việt Nam cũng lên nhiều phương án đảm bảo sản xuất khi dịch bùng phát.
Sau những khó khăn của năm 2020, hiện phần lớn doanh nghiệp dệt may đều "kín" đơn hàng nên việc vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa duy trì sản xuất rất quan trọng.
Mô hình phòng dịch và sản xuất tại nhà máy được doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang thực hiện đầu tiên. Tại buổi làm việc với Bắc Ninh ngày 2/6, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao cách làm sáng tạo này của doanh nghiệp vừa dập dịch vừa sản xuất trở lại, đồng thời khẳng định nếu triển khai tốt, mô hình này có thể áp dụng rộng rãi.
TPHCM có 17 khu chế xuất, công nghiệp, công nghệ cao với 320.000 lao động. Công tác phòng dịch trong các nhà máy được đẩy mạnh trong đợt bùng phát dịch lần này. Mới đây, Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức ký quyết định ban hành kế hoạch phòng chống dịch tại cơ sở sản xuất, khu công nghiệp. Trong đó nhà máy phải xây dựng phương án xử trí khi có ca bệnh, để vừa đảm bảo sức khoẻ công nhân và ổn định sản xuất.