Điều chỉnh các hạn chế về cấu trúc tổng cầu của nền kinh tế

(ĐTTCO) - Mối liên hệ giữa tổng cầu và tăng trưởng kinh tế, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thu nhập và an sinh của người lao động, đang được thể hiện rõ nét trong năm 2023.

Việt Nam có tiềm năng to lớn để biến tiêu dùng cuối cùng thành trụ cột quan trọng của tổng cầu.
Việt Nam có tiềm năng to lớn để biến tiêu dùng cuối cùng thành trụ cột quan trọng của tổng cầu.

Vậy tại sao khi nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, các năng lực sản xuất vững mạnh, vẫn chưa đủ để đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao như mong muốn?

Chưa phát huy tiềm năng tiêu dùng cuối cùng

Tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam được định hình bởi các yếu tố: tiêu dùng cuối cùng của người dân và các hộ gia đình, chi tiêu của Chính phủ, đầu tư của khu vực DN, và xuất khẩu ròng hay thặng dư thương mại từ hoạt động xuất nhập khẩu. Trong đó tiêu dùng cuối cùng của người dân và các hộ gia đình là phần quan trọng nhất của tổng cầu, là tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng hóa tiêu dùng.

Trong năm 2022, chỉ dấu này đạt 240 tỷ USD, so với tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2022 là 371 tỷ USD, con số này tương đương 65%. Nhưng thời gian qua, trong khi xuất khẩu giảm tốc, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng hóa tiêu dùng trong nước vẫn duy trì mức độ tăng khá.

Điều này cho thấy Việt Nam có tiềm năng to lớn để biến tiêu dùng cuối cùng thành một trụ cột quan trọng của tổng cầu. Trung tuần tháng 4 vừa qua, dân số nước ta đã chính thức đạt mức 100 triệu dân. Đây là thị trường với số lượng người tiêu dùng lớn thứ 15 thế giới và đứng thứ 3 trong ASEAN.

Điều này cũng đồng nghĩa, nhu cầu về nhà ở, nhà cho thuê, dịch vụ nhà ở cho người dân đang gia tăng mạnh. Vậy nhưng, trong 6 tháng đầu năm, một lượng cầu rất lớn về nhà ở đã không được hiện thực hóa, đã không đóng góp làm gia tăng cho tổng cầu của nền kinh tế, ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng chung.

TS. Lê Duy Bình

TS. Lê Duy Bình

Rõ ràng phát triển thị trường nhà ở cho người dân, đặc biệt là những người có nhu cầu thực sự, sẽ có đóng góp trực tiếp cho tổng cầu trong ngắn hạn, đóng góp cho sự hình thành của một cấu trúc tổng cầu hợp lý, bền vững hơn trong dài hạn.

Tăng đầu tư công, chi tiêu Chính phủ, đầu tư của DN

Chi tiêu của Chính phủ là cấu phần quan trọng trong tổng cầu. Do vậy sau mỗi cú sốc kinh tế, vai trò của chi tiêu của Chính phủ lại được đề cao nhằm hỗ trợ cho tổng cầu. Năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư công của Việt Nam dự kiến đạt 750.000 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với những năm trước đó.

Vẫn biết tăng mạnh đầu tư công dẫn tới tăng chi tiêu Chính phủ, đi kèm với các rủi ro về gia tăng nợ công, lấn át đầu tư tư nhân. Do vậy cần được duy trì ở mức hợp lý trong mối quan hệ tương quan với đầu tư tư nhân và với tổng cầu của nền kinh tế.

Để khôi phục và tăng trưởng tổng cầu, không thể không nhắc đến vai trò của đầu tư của DN, hộ gia đình. Đầu tư của DN, hộ gia đình ngoài việc đóng góp trực tiếp cho tổng cầu, còn đóng góp cho việc mở rộng năng lực sản xuất, năng lực đáp ứng về hàng hóa, dịch vụ trong tương lai.

Vốn đầu tư trong 6 tháng đầu năm của khu vực tư nhân trong nước tăng chậm, chỉ đạt 752.000 tỷ đồng, và của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chỉ đạt 10,02 tỷ USD. Do vậy cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, củng cố niềm tin, tinh thần kinh doanh của DN.

Thực trạng hiện nay của nền kinh tế cho thấy, khôi phục tổng cầu sẽ là chìa khóa để đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao trong giai đoạn ngắn hạn.

Bên cạnh việc đẩy mạnh thu hút FDI, gia tăng đầu tư của tư nhân trong nước, cần khuyến khích số lượng DN mới được thành lập và quay trở lại thị trường, việc khuyến khích mở rộng đầu tư của hơn 850.000 DN và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động trên toàn quốc cũng cần được chú trọng.

Đẩy mạnh xuất khẩu

Sự suy giảm của hoạt động xuất khẩu đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh và thu nhập hàng ngàn DN và hàng trăm ngàn người lao động. Điều này lại ảnh hưởng tới 2 cấu phần quan trọng khác của tổng cầu đó là tiêu dùng nội địa và đầu tư của DN và người dân.

Sự sụt giảm của hoạt động xuất khẩu cũng cho thấy một số hạn chế cần được khắc phục, như yêu cầu phải đa dạng hóa hơn nữa các sản phẩm xuất khẩu, thị trường xuất khẩu. Bởi thực tế hiện nay một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam dường như đã không còn lợi thế cạnh tranh.

Thí dụ, sự nổi lên của ngành điện tử cũng tạo áp lực cạnh tranh về nguồn lực, đặc biệt về lao động đối với nhiều ngành nghề khác như dệt may hay da giày. Hay mặt bằng chung về chi phí lao động của Việt Nam sẽ dần nâng cao, tức không còn là lợi thế đối với một số ngành hàng xuất khẩu vốn chủ yếu sử dụng chi phí lao động rẻ.

Các nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường của các ngành hàng là giải pháp trước mắt, nhưng có thể không đủ để bù đắp cho lợi thế bị mất đi về giá lao động. Đây là thách thức cần được vượt qua để đảm bảo cầu từ thị trường thế giới đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sẽ được duy trì bền vững trong trung hạn.

Thặng dư là 2 từ tưởng đáng mừng, nhưng thặng dư thương mại thời gian qua được duy trì phần lớn do nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu, phản ánh nhu cầu của toàn cầu đối với hàng hóa dịch vụ của Việt Nam suy giảm, cũng cho thấy lượng máy móc, thiết bị nhập khẩu để hỗ trợ cho năng lực sản xuất của nền kinh tế suy giảm. Điều này rõ ràng không phải là yếu tố thuận lợi đối với năng lực cung ứng của nền kinh tế trong những năm tới.

Tính bền vững xuất khẩu ròng của nền kinh tế sẽ được cải thiện mạnh mẽ nếu như thặng dư của cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ được cải thiện. Trong 6 tháng đầu năm, nhập siêu ròng dịch vụ của nền kinh tế 4,1 tỷ USD. Con số này trong năm 2022 là 12,6 tỷ USD, cao hơn mức xuất siêu của cả nền kinh tế trong năm.

Do vậy nâng cao các dịch vụ vận tải, hậu cần, giáo dục, y tế, bảo hiểm, tài chính sẽ giảm bớt được mức thâm hụt cán cân dịch vụ, từ đó cải thiện được mức xuất khẩu ròng - cấu phần quan trọng trong tổng cầu của nền kinh tế.

Những thách thức nền kinh tế phải đối diện trong nửa đầu năm 2023 cho thấy nhiều hạn chế về cấu trúc tổng cầu của nền kinh tế cần được điều chỉnh.

Sự điều chỉnh này không chỉ hướng tới mục tiêu đưa nền kinh tế quay trở lại tốc độ tăng trưởng cao hơn trong những tháng cuối năm, còn cần hướng tới các giải pháp nhằm tái cấu trúc tổng cầu, tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, nhằm hướng tới năng lực cạnh tranh, tính tự chủ, tự cường mạnh mẽ hơn của nền kinh tế.

Các tin khác