Đầu tư công phải là 'bệ đỡ' cho tăng trưởng kinh tế

(ĐTTCO) - Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm thể hiện rất rõ nét sự khó khăn cả về tổng cầu lẫn tổng cung và đều lộ rõ những hạn chế, khiến tăng trưởng đạt thấp, khả năng tăng trưởng 6,5% cho cả năm khó tránh khỏi thách thức.

Đầu tư công phải được chú trọng nhiều hơn trong thời điểm hiện nay để làm trụ cột cho tăng trưởng.
Đầu tư công phải được chú trọng nhiều hơn trong thời điểm hiện nay để làm trụ cột cho tăng trưởng.

Điều này thể hiện rõ trên 3 phương diện: đầu tư, xuất nhập khẩu và chi tiêu. Do vậy, đầu tư công phải là “đầu tàu” và “bệ đỡ” cho tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại.

Đáng lo ngại khi tổng cầu suy giảm

Thứ nhất, suy giảm về đầu tư. Hiện đầu tư khu vực tư nhân đang sụt giảm rất mạnh, phản ánh những khó khăn rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay, cả đầu vào lẫn đầu ra. Theo đó, đầu tư khu vực ngoài nhà nước chỉ tăng 2,1%, thấp nhất trong nhiều năm, giảm sâu hơn so với 2 năm 2020-2021 khi vướng vào đại dịch Covid-19. Chi tiêu của khu vực công mặc dù tăng khá, có thể bù đắp phần nào vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội khi đầu tư tư nhân tăng chậm, nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch.

Đầu tư khu vực nhà nước tăng 12,6% so với cùng kỳ, tốc độ tăng cao nhất trong nhiều năm. Trong khi đó, đầu tư từ khu vực FDI lại giảm khi vốn đăng ký vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ. Tổng vốn FDI thực hiện chỉ đạt 10,02 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ, trong khi năm 2022 tăng 7,9%.

Đến hết ngày 30-6, ước giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 chỉ đạt 30,49% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 cả về số tương đối (2,74%) và số tuyệt đối (hơn 65.000 tỷ đồng, tăng 40%).

GS.TS Tô Trung Thành, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân

GS.TS Tô Trung Thành, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân

Thứ hai, suy giảm về xuất nhập khẩu. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm giảm 12,1% so với năm ngoái, đạt 164,45 tỷ USD, nhập khẩu có tốc độ giảm sâu hơn (18,2%), phản ánh những khó khăn rất lớn do nhu cầu từ bên ngoài giảm sút.

Dù việc giảm nhập khẩu sẽ hỗ trợ tổng cầu, nhưng phản ánh một điều rõ nét là nền kinh tế đang suy giảm rất mạnh, bởi nguyên liệu sản xuất chiếm gần 90% kim ngạch nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc hay Hàn Quốc. Hơn nữa, khi kim ngạch nhập khẩu giảm sâu hơn xuất khẩu, chứng tỏ khu vực doanh nghiệp rất khó khăn, không có đầu ra nên không có nhu cầu nhập khẩu đầu vào.

Đừng nghĩ cứ phải giảm nhập khẩu là yên tâm vì có thặng dư tốt, mà phải nhìn vào góc độ đầu vào khi nền kinh tế chúng ta hiện vẫn đang dựa vào thế giới, nên việc nhập khẩu giảm là điều đáng lo ngại cho doanh nghiệp sản xuất đang bị “đứng hình”.

Thứ ba, chi tiêu hộ gia đình cũng khó khăn. Tổng mức bán lẻ tăng tốt trong quý I-2023 nhưng giảm dần trong quý II, phản ánh hai nhân tố chính ảnh hưởng đến chỉ tiêu này là thu nhập và lạm phát. Dù theo công bố, lạm phát đang giảm nhưng chi tiêu có vẻ ngày càng co hẹp.

Lưu ý, sự suy giảm của tổng cầu cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tổng cung nền kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn cả về chi phí đầu vào do lãi suất tăng và bế tắc đầu ra như thiếu hụt đơn hàng, khiến sản xuất kinh doanh cầm chừng.

Điều này rõ nét nhất trong khu vực sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý II-2023 chỉ tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm trên 74% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp, quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế) lại giảm nhẹ 0,4%, mức giảm này dù thu hẹp so với mức giảm 2,9% của quý I nhưng vẫn ở mức thấp.

Cùng với đó, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam dù cải thiện trong tháng 6, nhưng vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm nhiều tháng liên tiếp, với sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm, giá bán giảm với tốc độ nhanh.

Phải vực dậy đầu tư công mới phục hồi tăng trưởng

Trước những khó khăn của doanh nghiệp và toàn nền kinh tế, các chính sách hỗ trợ thuế, phí cho doanh nghiệp, người dân trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, chính sách tài khóa bao giờ cũng có độ trễ lớn hơn so với chính sách tiền tệ, nên để tác động đến được doanh nghiệp cần phải có thêm thời gian nữa.

Về chính sách tiền tệ, trong 6 tháng vừa qua, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và chủ động để hỗ trợ nền kinh tế, rõ nét nhất là hạ mặt bằng lãi suất và tìm cách gia tăng tín dụng cho nền kinh tế và khu vực doanh nghiệp.

Tuy nhiên, 6 tháng qua, tăng trưởng cung tiền thấp, khi tổng phương tiện thanh toán tính đến cuối tháng 6 mới chỉ tăng 2,53% so với cuối năm 2022, thấp hơn thời kỳ Covid-19. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cũng giảm một nửa so với cùng kỳ khi tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3,13% (cùng kỳ năm trước tăng 8,51%).

Điều này phản ánh rằng dù có chính sách tiền tệ hỗ trợ, đặc biệt là giảm lãi suất, nhưng sản xuất vẫn rất khó khăn và mức độ hấp thụ của các doanh nghiệp rất kém. Có nghĩa, để có thể hỗ trợ tổng cầu, điểm mấu chốt cần phải tập trung hiện nay có lẽ không phải là lãi suất.

Trong bối cảnh hiện nay, đầu tư công cần được chú trọng nhiều hơn như là một trụ cột cho tăng trưởng. Hiện tại, mô hình tăng trưởng vẫn dựa vào đầu tư, nhưng hiện khu vực đầu tư tư nhân đang dần thu hẹp, do đó thời gian tới cần dựa rất nhiều vào đầu tư công.

Mở rộng chính sách tài khóa gắn với hiệu quả đầu tư công, như vậy những tháng còn lại của năm 2023, đầu tư công phải là một trong những điểm nhấn, cần được tập trung nâng cao chất lượng và quy mô để làm bệ đỡ cho nền kinh tế.

Trong bối cảnh hiện nay, đầu tư công cần được chú trọng nhiều hơn như là một trụ cột cho tăng trưởng. Hiện tại mô hình tăng trưởng vẫn dựa vào đầu tư, nhưng hiện khu vực đầu tư tư nhân đang dần thu hẹp, do đó thời gian tới cần dựa rất nhiều vào đầu tư công.

Các tin khác