Nhiều vùng bị ngập
Anh Nguyễn Tùng (ngụ đường Hưng Phú, quận 8) luôn cám cảnh về tình trạng triều cường tại khu vực anh đang ở. Hiện nay, mỗi tháng ít nhất 2 lần, vào đầu tháng và giữa tháng, cứ chiều tối là nước triều cường dâng lên từ nhà vệ sinh, con đường trước nhà…, mùi hôi thối thốc lên rất khó chịu. Vài năm trở lại đây, đôi khi nước triều dâng lên mạnh, ngập lênh láng sàn nhà, cả gia đình phải chen chúc lên tầng trên chật chội để ngủ qua đêm. Không riêng nhà anh, ở khu xóm lao động này, nhà ai cũng bị như vậy.
Đây là thực trạng mà theo công bố của Jeremy Carew-Ried/ADB về nghiên cứu thích ứng với BĐKH tại TPHCM: Đến năm 2050, hầu hết các quận huyện, phường xã của TPHCM sẽ chịu nguy cơ ngập lụt, kể cả những nơi trước đó chưa bao giờ bị ngập. Đáng kể hơn là độ sâu ngập sẽ tăng từ 21-40% và thời gian ngập kéo dài thêm 12-22%.
Phạm vi ngập nước nằm tập trung ở các khu vực đất thấp phía Tây, Tây Nam (quận 6, 7, 8, Bình Tân; huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ) và một phần phía Đông, khu vực tiếp giáp sông Sài Gòn, sông Đồng Nai (TP Thủ Đức) có nền đất yếu, trũng thấp, dễ bị ảnh hưởng bởi lũ và triều cường. Hai hướng phát triển của thành phố là Tây, Tây Nam và hướng Nam nằm trong vùng bị tác động bởi ngập nước. Việc chuyển đổi diện tích đất trống sang đất ở làm giảm tính thấm nước và khả năng hấp thu nước, dẫn đến sự tăng ngập cục bộ và giảm khả năng hệ sinh thái tự nhiên trong việc điều tiết nước.
Triều cường gây ngập trên đường Trần Xuân Soạn, phường Tân Thuận Tây, quận 7. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Không chỉ khu vực dân cư, mà đối với các khu công nghiệp, đất đai sản xuất nông nghiệp cũng bị tình trạng tương tự.
Mới đây, dự báo của Tổ chức Climate Central (Mỹ) cho thấy, hậu quả của BĐKH sẽ đến sớm hơn dự báo. Khoảng 8 năm nữa, nhiều vùng của TPHCM bị chìm trong nước.
Điều chỉnh quy hoạch theo hướng nào?
Theo nhận định của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 sẽ giúp thành phố phát triển không gian đô thị phù hợp chiến lược, mô hình phát triển kinh tế của TPHCM và vùng TPHCM, thích ứng BĐKH. Như vậy, thích nghi với BĐKH là một trong những nội dung trọng tâm của công tác này. Trên cơ sở đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM đã gợi ý một số giải pháp.
Đường Lê Văn Lương, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè thường xuyên bị ngập nước do triều cường
Về tổng quan, sẽ có 4 chiến lược cơ bản đề cập trong nội dung Quy hoạch chung TPHCM. Đầu tiên là xây dựng thành phố với cấu trúc đa trung tâm, liên kết nhau về mặt môi trường. Đó là bố trí các trung tâm khu vực nhằm hạn chế hiệu ứng đảo nhiệt đô thị; Phân bổ hợp lý không gian và chức năng đô thị giữa các khu vực thuộc địa bàn thành phố nhằm sử dụng năng lượng hiệu quả; Bố trí hợp lý giao thông để giảm lưu lượng xe lưu thông, nhằm giảm phát thải CO2. Chiến lược thứ hai là xây dựng TPHCM với các vành đai môi trường sinh thái.
Tiếp tục bảo tồn hệ sinh thái bằng cách thiết lập một mạng lưới các mảng xanh liên tục, tạo môi trường sống đô thị tiện nghi, nâng cao hiệu quả môi trường qua việc tăng diện tích mảng xanh, bảo đảm hành lang đối lưu không khí, nâng cao khả năng phòng chống thảm họa bằng cách xây dựng các hồ điều tiết. Chiến lược thứ ba, thiết lập các chủ trương chính sách nhằm đảm bảo sự phát triển hài hòa với môi trường tự nhiên, gồm có: quy hoạch và xây dựng các công trình hòa hợp với môi trường tự nhiên, sử dụng các dạng năng lượng tự nhiên, năng lượng tái tạo. Chiến lược cuối cùng là xây dựng hệ thống quản lý môi trường, gồm có: xây dựng hệ thống phân tích đánh giá khách quan hiệu quả môi trường, xác định các khu vực do người dân tự quản, ứng dụng hệ thống GIS (hệ thống thông tin địa lý) trong công tác quản lý môi trường.
Để ứng phó gia tăng nhiệt độ đô thị, Quy hoạch chung TPHCM đề xuất mô hình quy hoạch đa trung tâm cùng nhiều vành đai sinh thái thích hợp hơn nhờ kiểm soát hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, như: gia tăng thảm thực vật, khuếch tán ánh sáng, tạo thành các hành lang thông gió và định vị các điểm hạ nhiệt. Các quận nội thành cũ tiếp tục giữ gìn, cải tạo các khu công viên, cây xanh hiện hữu có diện tích khoảng 200ha. Tận dụng quỹ đất của các cơ sở công nghiệp phải di dời để phát triển diện tích công viên, cây xanh có diện tích khoảng 250ha. Về diện tích rừng, bảo vệ và quản lý tốt khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ; rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thuộc địa bàn huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi.
Tiếp đó, bố trí trục cây xanh cảnh quan, mặt nước kết hợp du lịch, giải trí dọc hai bên bờ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Nhà Bè. Thành phố đầu tư để hình thành thêm 3 tuyến vành đai sinh thái, không gian xanh kết hợp với đất nông nghiệp bề rộng 2.000-3.000m. Đối với đất dự trữ, sẽ tổ chức trồng cây xanh tạo không gian mở ở khu vực phía Bắc, phía Tây. Tại các khu vực phát triển khu đô thị, khu dân cư mới thuộc địa bàn TP Thủ Đức, quận 12 và năm huyện ngoại thành, những khu vực có nhiều sông rạch, cảnh quan thiên nhiên phải tuyệt đối giữ gìn và tăng thêm khoảng xanh nhằm tạo cảnh quan đô thị, bảo vệ môi trường.
Về phát triển xây dựng, TPHCM tiếp tục định hướng tập trung - đa cực, khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15km và 4 cực phát triển. Không phát triển đô thị vùng bảo tồn nghiêm ngặt và vùng phục hồi sinh thái thuộc khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn ở Cần Giờ trong khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, cũng như các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn các huyện Bình Chánh và Củ Chi…
Kiến trúc sư Khương Văn Mười:Xử lý được nhưng tốn kém
Để thích ứng BĐKH, đầu tiên là quy hoạch phát triển theo vùng, nên ưu tiên những khu vực có địa hình cao như khu Tây Bắc. Vùng địa hình thấp vẫn phát triển nhưng phải có giải pháp, như nâng cao độ, dự trù sông rạch, đào thêm ao, hồ để điều tiết nước. Đồng thời, dùng đất đó để san lấp nền, hạn chế lấy đất từ khu vực khác. Đi vào cụ thể, sẽ có giải pháp cho từng địa hình cục bộ. Cả khu Nam rộng lớn có nhiều “tế bào”, viễn cảnh có thể sẽ thành nhiều “đảo” khi bị ngập. Nói chung, về quy hoạch sẽ có giải pháp xử lý để bảo vệ khu dân cư, xây dựng đồng bộ đường sá cũng như hạ tầng cấp điện, cấp thoát nước để thích ứng với BĐKH, nhưng chắc chắn sẽ rất tốn kém. |
Ông Hoàng Minh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch TPHCM:Hạn chế xây dựng vùng dễ “tổn thương” Thật ra, năm 2010, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung của TPHCM thì vấn đề BĐKH chưa “ồn ào” như hiện nay nhưng đã đề cập tương đối rõ, tuân thủ triệt để định hướng phát triển của thành phố. Đó là, vùng dễ bị tổn thương như khu Nam sẽ giảm mật độ xây dựng, đảm bảo thoát nước, hoặc không được san lấp kênh rạch, trường hợp buộc phải san lấp thì nếu lấp một phải trả lại diện tích gấp đôi. Còn những vùng có địa chất cao như Tây Bắc thì quy hoạch tự nhiên. Nói chung, để thích ứng với BĐKH, việc đầu tư và xây dựng phải tuân thủ nghiêm khắc, bởi chúng ta không thể lường trước được sự nổi giận của thiên nhiên. Điều chỉnh quy hoạch chung nên khoanh ra một số vùng đặc biệt có địa chất yếu và bị tác động bởi thủy văn, hạn chế tối đa các công trình can thiệp vào bề mặt địa chất. Đồng thời, nên hạn chế xây dựng các nhà cao tầng, vì việc xây dựng ở nền địa chất yếu sẽ rất tốn kém, ảnh hưởng đến việc xử lý ngập lụt sau này. Vì vậy, đối với những đại công trình dự tính xây dựng ở khu Nam nên hết sức cân nhắc. |