Tôi nghĩ rằng không có ai trả lời câu hỏi này hay bằng chính những doanh nhân. Bởi lẽ hơn ai hết họ có đủ sự từng trải, kiến thức và thông tin để tự biết phải làm gì và làm như thế nào trong lúc này. Chỉ có điều, đôi khi lực bất tòng tâm.
Hơn ba thập niên kể từ khi nền kinh tế bắt đầu mở cửa và hội nhập, khu vực tư nhân cũng đã tự thân khởi nghiệp bằng chính sự thôi thúc của tinh thần doanh nhân chứ không phải những phong trào “start-up” hoành tráng, đình đám như bây giờ.
Trải qua nhiều sóng gió, xuất phát từ chỗ không được thừa nhận, rồi bị hạn chế, nhiều lần vấp ngã rồi gượng dậy, thất bại để vươn lên, DN cũng chẳng cần ai chỉ cho cần phải làm gì để tồn tại và phát triển.
Để rồi bây giờ, với những thành công nhất định, có thương hiệu, có cơ ngơi và tài sản thì những người chưa từng làm DN, chưa nếm trải thương trường (như tôi) thì dựa vào đâu để dám khuyên bảo họ nên làm gì để vượt qua khủng hoảng.
Trong đợt Covid này, tôi đã được gặp gỡ và thảo luận với các doanh nhân nhiều hơn và biết rằng, không phải cho đến lúc này họ mới tính tới chuyện cần làm gì để vượt qua khó khăn. Từ hồi đầu năm, khi Covid mới bắt đầu lây lan mất kiểm soát ở Vũ Hán họ đã tổ chức nghiên cứu, đánh giá và dự báo tình hình tác động sắp tới.
Họ còn đưa ra các kịch bản với các mức độ ảnh hưởng tiêu cực từ thấp đến cao để có giải pháp đối phó và thậm chí là thích ứng. Từ chuyện làm sao để chủ động nguồn nguyên vật liệu, chuyển đổi kênh phân phối, đáp ứng các thay đổi trong hành vi khách hàng, cho đến chuyện chăm lo cho sức khỏe nhân viên lẫn chuyện hỗ trợ đời sống cho họ nếu lỡ như mọi thứ trở nên tồi tệ.
Chính từ sự năng động và bản lĩnh đó của DN, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân đã cho thấy tự DN đã biết họ cần làm gì và làm như thế nào.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng vấn đề nên được đặt ra lúc này là “DN đang cần gì?” hơn là chỉ bảo họ nên làm gì. Hiểu rõ và đáp ứng đầy đủ nhất nội dung câu trả lời là một sự chia sẻ quý báu với họ lúc này và đó cũng là trách nhiệm chung của toàn xã hội để đối phó với nguy cơ suy thoái kinh tế đang ngày càng đến gần.
Đương nhiên là DN đang cần rất nhiều thứ, nhưng tôi cho rằng cái quan trọng nhất chính là việc được nhìn nhận và đối đãi đúng với tầm quan trọng của họ đối với sự phát triển và thịnh vượng của đất nước, của dân tộc.
Vai trò của DN và tầng lớp doanh nhân, chủ yếu là khu vực tư nhân cần được thừa nhận một cách thẳng thắn chính là rường cột của nền kinh tế nước nhà, là lực lượng tiên phong và nòng cốt trong trận chiến chống suy thoái kinh tế lẫn động lực tăng trưởng và làm giàu cho đất nước.
Chính Thủ tướng đã nhiều lần khẳng định vấn đề này, năm 2018 khi phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế các nước ASEAN, ông đã nói: “Các DN vừa và nhỏ sẽ là xương sống của các nền kinh tế ASEAN”. Và mới đây nhất là trong cuộc họp chiều ngày 16-7 vừa qua với Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân: “Kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng trong phát triển”.
Vì vậy, hơn bao giờ hết, chính lúc này cần có một sự thay đổi rõ rệt nếu không muốn nói là một cuộc cách mạng trong tư duy và nhận thức về vai trò cho đến chính sách của Nhà nước đối với DN và doanh nhân.
Chẳng hạn như trong một chừng mực nào đó, với sự đóng góp của DN cho nền kinh tế, cho xã hội và cho ngân sách thông qua tạo ra công ăn việc làm, đóng góp thuế, phí và nhiều trách nhiệm xã hội khác, thì họ chính là những khách hàng VIP trong sử dụng những hàng hóa hay dịch vụ công.
Vì vậy, họ hoàn toàn xứng đáng được chào đón và phục vụ với những tiêu chuẩn của thượng khách tương tự như tại các phòng chờ thương gia hay phòng VIP của các dịch vụ và hàng hóa đắt tiền. Chứ không phải như bây giờ, họ luôn bị đặt vào một quy trình “xin-cho-thanh, kiểm”.
Ngay lúc này DN cần chính là sự đối đãi tử tế với đầy đủ ý nghĩa của cụm từ “phục vụ” của bộ máy hành chính công, không chỉ bằng lời nói và khẩu hiệu mà là những hành động và chính sách cụ thể. Đừng để DN chưa kịp chết vì Covid thì đã chết vì cô đơn, trên chính con đường dấn thân làm cho dân giàu nước mạnh của mình.