Hỗ trợ DN hiệu quả: Ưu tiên chính sách tài khóa

(ĐTTCO)-Trao đổi với ĐTTC, TS. CẤN VĂN LỰC, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho rằng để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) hiệu quả, Chính phủ nên ưu tiên thực hiện công cụ chính sách tài khóa hơn là chính sách tiền tệ, bởi công cụ này đem lại hiệu quả tức thì, ít độ trễ cũng như tránh được rủi ro nợ xấu cho ngân hàng (NH).
Hỗ trợ DN hiệu quả: Ưu tiên chính sách tài khóa
PHÓNG VIÊN: - Hiện nay dù các NHTM đã giảm mạnh lãi suất cho vay ưu đãi, song DN vẫn không dễ tiếp cận được các nguồn vốn này. Điểm nghẽn này do đâu, thưa ông?
TS. CẤN VĂN LỰC: - Tôi cho rằng điểm nghẽn ở đây do NH và DN vẫn chưa tin tưởng nhau, cụ thể từ phía NH. Để giải quyết đòi hỏi phải có thiện chí và nỗ lực từ cả 2 bên.
Về phía NH, thực tế cho thấy không thể hạ thấp mức lãi suất tín dụng xuống được nữa vì lo ngại ảnh hưởng đến nợ xấu lâu dài. Tuy nhiên, NH có thể linh hoạt hơn trong các điều kiện cho vay. Quan trọng hơn, trong bối cảnh hiện nay các NH phải bám sát DN hơn nữa.
Theo đó, NH tăng cường liên hệ và hợp tác để có thể hiểu rõ bản chất, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, đồng thời vừa đóng vai trò tư vấn, có cơ sở để lấy đó làm niềm tin cấp vốn vay cho DN.
Ở chiều ngược lại, DN cũng cần có thiện chí hợp tác, chia sẻ dữ liệu thực tế về tình hình sản xuất, kinh doanh của mình cho NH một cách công khai và minh bạch. Bởi nếu DN giấu thông tin sẽ khiến NH không thể đánh giá được năng lực của khách hàng, không biết DN có khả năng trả nợ hay không, do đó không thể hợp tác với nhau được.
Mấu chốt ở đây là cả 2 phía chưa tin tưởng nhau, do đó cần có cơ chế chia sẻ thông tin chặt chẽ hơn. Ở khía cạnh khác, đối với quản lý của Nhà nước, khi có những khó khăn về cơ chế, chính sách, ở đây là NHNN và Bộ Tài chính phải có những giải pháp để tháo gỡ kịp thời.
- Ông từng nói để hỗ trợ DN thực sự hiệu quả, Chính phủ nên đẩy mạnh công cụ chính sách tài khóa, thay vì tập trung vào chính sách tiền tệ. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
- Đúng là để hỗ trợ DN được hiệu quả, Chính phủ nên ưu tiên thực hiện công cụ chính sách tài khóa mạnh hơn so với công cụ chính sách tiền tệ. Bởi điều này phù hợp với thực tế hơn. Hiện nay, hầu hết DN đang gặp khó khăn về cả nguồn cung và cầu.
Nguồn nhập khẩu nguyên vật liệu đang bị hạn chế, trong khi nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu không cao. Do đó, hỗ trợ DN bằng các giải pháp cải thiện cung và cầu là điều quan trọng nhất hiện nay. Điều này cần làm ngay, không thể chậm trễ.
Hơn nữa, so với công cụ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa ít độ trễ hơn, gần như đem lại hiệu quả tức thì. Mặt khác, khi thực hiện chính sách tài khóa cũng tránh được các rủi ro nợ xấu về lâu dài cho hệ thống NH.
Hiện nay, Chính phủ vẫn đang thực hiện linh hoạt song song cả 2 chính sách, nghĩa là kết hợp hài hòa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, nhưng tôi cho rằng vẫn cần ưu tiên cho chính sách tài khóa nhiều hơn.
- Trong công cụ chính sách tài khóa hiện nay, để hỗ trợ DN được hiệu quả, giải pháp trọng tâm cần thực hiện là gì, thưa ông?
- Theo tôi có 3 vấn đề chính cần thực hiện. Thứ nhất, Chính phủ nên tăng cường cho vay đối với các DNNVV, bởi đây là đối tượng cần được hỗ trợ nhiều nhất. Việc cho vay vốn nên thông qua Quỹ hỗ trợ phát triển DNNVV. Quỹ này hiện nay đang giao cho Bộ KH-ĐT làm đầu mối quản lý. 
Thứ hai, Chính phủ cần chú ý đến phát triển Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV. Thực ra quỹ này đã được một số tỉnh, thành cho thành lập và hoạt động từ giai đoạn 2003-2004, nhưng suốt thời gian dài đã không được chú ý và không phát huy tác dụng nhiều. Đây chính là thời điểm phải chú ý phát triển các quỹ này để hỗ trợ DN. 
Thứ ba, về phía các tổ chức tín dụng, cần tiếp tục tiết kiệm chi phí, cân đối lãi suất huy động đầu vào phù hợp, từ đó có thể giảm nhẹ lãi suất đầu ra, đó cũng là cách hỗ trợ DN để họ nhanh chóng phục hồi sản xuất.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác