PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá như thế nào về tác động và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ DN?
TS. TRẦN DU LỊCH: - Phải thừa nhận, việc thực thi các giải pháp (gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ an sinh xã hội, phấn đấu đạt khối lượng đầu tư công năm nay hơn 700.000 tỷ đồng, gói tín dụng và các chính sách liên quan đến tài chính như giảm, miễn thuế, giãn cách thời gian nộp thuế, giảm các loại phí…) về mặt chủ trương mang tính hệ thống. Nhưng khi triển khai lại không được đồng bộ, có những vấn đề vướng mắc về thủ tục.
Thí dụ vấn đề đầu tư công, Thủ tướng đã chỉ đạo rất mạnh mẽ nhưng giải ngân không như mong đợi do vướng nhiều thủ tục. Hay những vấn đề liên quan đến miễn, giảm thuế, khi đi vào cụ thể có rất nhiều DN gặp khó trong việc hưởng chính sách. Ngay cả những chính sách hỗ trợ về tín dụng cũng không đáp ứng được tất cả.
Vì trên thực tế, hoạt động của DN đa dạng, nên thực thi áp dụng chính sách cũng không thể trôi chảy. Do đó, những nỗ lực dù có kết quả nhưng có thể nói vẫn còn nhiều hạn chế so với kỳ vọng chung.
Tôi cho rằng Chính phủ cần chủ trương tiếp tục hỗ trợ DN. Nhiều Nghị quyết điều hành của Chính phủ gần đây, nhất là sau khi Thủ tướng gặp gỡ DN, đều nêu lại những vấn đề như vậy.
Bởi với diễn biến của dịch Covid, tình hình thế giới vẫn còn nhiều bất trắc, bất ổn và bất định khó lường. Phải nói đây là giai đoạn rất khó khăn, gánh nặng đè lên DN, xã hội và trách nhiệm của quản lý nhà nước.
- Thưa ông về chính sách tiền tệ để hỗ trợ DN, Chính phủ giao NHNN chủ trì, NHNN chỉ đạo lại NHTM thực hiện bằng chính nguồn lực của NH, nhưng phải kèm điều kiện, trong khi DN đủ chuẩn không cần hỗ trợ?
Tôi tin Chính phủ sẽ có chương trình tái cơ cấu hỗ trợ DN trong giai đoạn hậu Covid ở nhiều giải pháp và hệ thống chính sách, trong đó liên quan đến chính sách tín dụng, chính sách tài khóa, trần nợ, vay nợ, trái phiếu, miễn giảm thuế… |
Theo đó, tại thời điểm tháng 6, lãi suất điều hành đã giảm 1-1,5% so với đầu năm. Đặc biệt, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, theo thông tin của NHNN về mức khoảng 5%/năm. Mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay nói chung đang có xu hướng giảm.
Đồng thời, điều rất quan trọng đối với DN là cơ cấu lại nợ và thời gian vay nợ cũng triển khai tương đối khá.
Tuy nhiên cũng cần nói lại, khi thực thi chính sách không phải DN nào cũng được hỗ trợ. NHNN đã và đang chỉ đạo NH đồng hành hỗ trợ DN, nhưng NHTM thực thi chính sách tín dụng dựa trên Luật Các TCTD, vì vậy có những điều kiện NH phải tuân thủ, không thể làm khác.
NHNN lại chỉ sử dụng chủ yếu công cụ chính sách tiền tệ để tác động. Chính vì vậy, có nhiều DN thỏa mãn được yêu cầu, nhưng cũng không ít DN gặp khó khăn khi tiếp cận chương trình hỗ trợ tín dụng.
Đối với vấn đề này, tôi cho rằng NHNN phải xem xét cùng NHTM. Có thể rút kinh nghiệm giai đoạn 2009-2010 để thực hiện liên kết tay 3 giữa NHNN, NHTM và DN, xử lý từng trường hợp cụ thể mới tháo gỡ được. Những quy định chung không thể triển khai trong những tình huống cụ thể được.
- Về chính sách tài khóa, theo ông có dư địa nào, nguồn tiền nào để hỗ trợ DN một cách thực chất hơn?
- Hiện nay, xét về phương diện hỗ trợ của Nhà nước bằng nguồn tiền ngân sách, mức hỗ trợ của Việt Nam so với nhiều nước còn rất thấp. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, nguồn lực của Nhà nước để hỗ trợ rất giới hạn.
Việt Nam ở trong tình thế bội chi ngân sách và đang chịu trần nợ công theo Nghị quyết của Quốc hội, nên trần nợ công không thể khác được. Hơn nữa, nợ đáo hạn hàng năm có tỷ lệ không nhỏ.
Đặc biệt, do giảm, giãn thuế… dẫn đến thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt mức rất thấp so với cùng kỳ năm trước, tức nguồn thu rất khó khăn. Khi tiếp tục thực thi chính sách miễn, giảm, hoãn thời gian thu thuế thế này, chưa nói đến dùng tiền tài trợ, chúng ta sẽ tiếp tục khó khăn trong thời gian tới.
Vì vậy, tôi cho rằng dư địa dùng ngân sách để hỗ trợ không lớn. Muốn có dư địa này, Chính phủ phải trình Quốc hội xử lý những vấn đề liên quan đến trần nợ công, tỷ lệ bội chi ngân sách… và dĩ nhiên vẫn phải tuân thủ không vượt qua lằn ranh đỏ, không để gây lạm phát cao.
- Dự báo diễn biến dịch bệnh trên thế giới vẫn khó lường, nhưng giải pháp hỗ trợ hiện nay chỉ áp dụng ngắn hạn. Vậy trong tầm nhìn xa hơn, theo ông cần có giải pháp gì?
- Như tôi đã nói tác động của Covid không dừng lại ở những gì chúng ta đang thấy, có thể dự liệu kéo dài sang năm 2021 kinh tế thế giới còn tiếp tục khó khăn.
Do đó, tôi nghĩ rằng Chính phủ sẽ có chương trình tái cơ cấu hỗ trợ DN trong giai đoạn hậu Covid ở nhiều giải pháp và hệ thống chính sách, trong đó liên quan đến chính sách tín dụng, chính sách tài khóa, trần nợ, vay nợ, trái phiếu, miễn giảm thuế…
Để có hệ thống chính sách đồng bộ như vậy, Chính phủ phải trình Quốc hội thông qua. Khi có một hệ thống chính sách đồng bộ, Chính phủ sẽ điều hành tốt hơn và DN cũng sẽ thấy được hướng đi, sẽ thấy phải xử lý như thế nào để hấp thụ được những chính sách như vậy.
Tôi gọi đây là những chính sách trung hạn, những giải pháp mang tính dài hơi, có thể kéo dài đến năm 2022. Điều này cần phải làm, nhưng trong đó cần có chủ trương từ phía Quốc hội và cả Chính phủ. Còn hiện nay chúng ta đang áp dụng giải pháp tình thế, dù vậy tôi cho rằng đó là những nỗ lực rất lớn từ Chính phủ.
- Xin cảm ơn ông.