Đón đọc ĐTTC số 225 phát hành thứ hai ngày 20-11-2023

(ĐTTCO)-Mời quý độc giả đón đọc báo ĐTTC số 225 phát hành ngày 20-11-2023 với nhiều chuyên mục:

- Intel và Việt Nam, không thể “đi tắt đón đầu”: Tin Intel dừng mở rộng sản xuất chip tại Việt Nam, chuyển qua nước ngoài, đang nóng trên mạng và giới công nghệ. Tại sao Intel dừng chỉ có Intel mới biết lý do. Và tin này vui hay buồn cũng tùy. Là người Việt, nếu nghiên cứu và “mơ mộng” về chip cũng buồn, vì đây là cơ hội học hỏi, cọ xát và biết đâu thành công. Intel không mở rộng (có lẽ là phân khúc sản xuất) cũng là cơ hội cho mình. Cứ làm tốt công đoạn 3, rồi môi trường thông thoáng, đội ngũ giỏi (cái này cần vài thập niên), Intel thấy hay họ tiếp tay cho ta sản xuất. Thiết kế cần chất xám cao cấp, sản xuất chip cần nền tảng công nghệ, môi trường kinh doanh, đội ngũ công nghệ, điều này cho thấy Việt Nam vẫn chưa “đi tắt đón đầu” ngay được. (TS. Giang Công Thế, chuyên gia IT từng công tác nhiều năm tại Ngân hàng Thế giới (WB) và Viện Công nghệ Thông tin)

- Ứng xử với bia rượu: Hiện thực trạng giao thông ở nước ta có nhiều điểm không thực sự thuận lợi, như diện tích mặt đường ít, mật độ lưu thông quá dày, ý thức chấp hành luật đi đường còn hạn chế… Do đó, cần thực hiện nghiêm việc xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Điều này góp phần quan trọng vào việc hạn chế tai nạn giao thông, nhất là các trường hợp nghiêm trọng. Đồng thời, qua đó, góp phần điều chỉnh hành vi, ứng xử của nhiều người với bia rượu, trong đó có việc giảm sử dụng bia rượu và khi đã sử dụng thì không điều khiển phương tiện giao thông, góp phần bảo đảm an toàn cho bản thân và người khác. (Trúc Giang)

- Thoát khỏi “Danh sách Xám” - Việt Nam cần luật hóa cho tiền mã hóa: Thoát khỏi Danh sách Xám trước năm 2025 là một trong những mục tiêu trọng tâm của Việt Nam, trong đó cần nhận diện tài sản ảo và các nhà cung cấp tài sản ảo; tăng cường quy định, cơ chế phòng, chống tội phạm rửa tiền thông qua giao dịch tiền ảo. Với biến động giá hấp dẫn và những chiến dịch truyền thông lớn, các VASP như Binance, Huobi, MEXC, Gate.io, BingX... gần như hoạt động công khai tại Việt Nam, thậm chí còn len lỏi vào giảng đường đại học và liên tục thu hút nhà đầu tư. Trong khi Việt Nam chưa có bất kỳ cơ quan hay văn bản quy phạm pháp luật chính thức nào để quản lý các hoạt động này. (Trần Đức)

- Nguy cơ rửa tiền từ tiền ảo, tài sản ảo: Theo Báo cáo Tội phạm tiền mã hóa 2022 của Chainalysis, gần 24 tỷ USD tiền mã hóa đã được gửi và nhận bởi các địa chỉ phi pháp trong năm 2022. Đây là con số cao kỷ lục được ghi nhận từ trước tới giờ, đến từ 3 nguồn chính là các thực thể bị trừng phạt, lừa đảo và tiền bị đánh cắp. (Linh Chi)

Diễn đàn phát triển thị trường khí Việt Nam: Xu hướng tất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng

- Hoàn thiện chính sách giá điện khí LNG: Với nhu cầu sử dụng điện hiện tại của nền kinh tế, các dự án điện dùng nhiên liệu hóa lỏng (khí LNG) đang nổi lên là xu thế tất yếu trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, việc sử dụng nhiên liệu LNG ở Việt Nam vẫn đang gặp những vướng mắc nhất định, đặc biệt là cơ chế giá. Bên cạnh đó, để chủ động nguồn cung khí LNG, cần hoàn thiện chính sách, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào dự án điện khí LNG trong nước. (PGS.TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế)

- Hiệu quả điện khí, góc nhìn từ thực tiễn: Cuộc khủng hoảng thiếu điện cục bộ ở miền Bắc trong các tháng 4 đến tháng 7 vừa qua, với thời tiết nắng nóng, khô hạn cực đoan, đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến người dân, môi trường đầu tư, kinh tế Việt Nam. Trong thời điểm khó khăn đó, các nhà máy điện khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã được huy động, bù đắp một phần không nhỏ lượng điện thiếu hụt. (Minh Châu)

- Vì sao nhiều dự án điện khí LNG chậm tiến độ?: Dự án điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 là dự án trọng điểm quốc gia thuộc Quy hoạch điện VIII, được Chính phủ giao cho Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) làm chủ đầu tư, quy mô công suất 1.500MW, tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD, nằm trên địa bàn huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Đây là dự án điện LNG đầu tiên tại Việt Nam, dự kiến đưa vào vận hành từ năm 2024-2025. Song hiện nay dự án này đang gặp một số khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ. (Huy Tùng)

- Việt Nam có nhiều lợi thế thu hút FDI: Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn đổ vào Việt Nam, và đây là “điểm sáng” của nền kinh tế trong năm nay. Tuy vậy, trong giai đoạn mới không nên nhìn nhận vốn FDI qua các con số thống kê, bởi chính sách thu hút FDI của Việt Nam đã có sự thay đổi, trong đó xem xét áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trước mắt sẽ làm giảm sự hấp dẫn về chính sách ưu đãi đầu tư. Nhưng nhìn rộng ra đó là thời cơ cho Việt Nam nâng cấp chiến lược và mô hình thu hút FDI. Khi đó, môi trường kinh doanh ổn định, khu vực kinh tế FDI sẽ đóng góp lớn hơn vào nền kinh tế. (GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - VAFIE)

- FDI “ngược dòng” trước các biến động: Không phải ngẫu nhiên trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, kinh tế toàn cầu đang khó khăn, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn chảy mạnh vào Việt Nam, nhất là vào giai đoạn nước rút cuối năm 2023… (Ngọc Tú)

- Việt Nam vẫn là điểm sáng FDI: Ngày 7-11, Reuters có bài viết dẫn các nguồn tin không chính thức cho biết, gã khổng lồ công nghệ Intel của Mỹ đã quyết định hủy bỏ kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Phản hồi trước thông tin này, Intel cho biết kể từ lần tăng vốn năm 2021, hãng chưa từng công bố kế hoạch tăng vốn thêm ở Việt Nam. Dù thông tin của Reuters có chính xác hay không, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn cầu hiện nay. (Văn Cường)

- Hoàn thiện chính sách, thu hút FDI chất lượng cao: Đánh giá giữa lợi ích, hạn chế trong ngắn hạn và dài hạn tác động đến nền kinh tế và doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam, cho thấy việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) đem lại những lợi ích đáng kể hơn so với việc từ bỏ chính sách này. Có thể thuế TTTC làm giảm thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng không phải là nguyên nhân làm ảnh hưởng đáng kể đến quyết định lựa chọn môi trường đầu tư của DN. (Thanh Hà)

- Kinh tế phục hồi chậm, công-tư chưa bứt phá: Thực trạng nền kinh tế hiện tại, tình hình có cải thiện nhưng rất chậm, khó bứt phá trong quý IV và chưa tạo đà đủ mạnh cho năm 2024. Đặc biệt, đầu tư tư nhân rất thấp và chưa có khả năng tăng trở lại. Muốn tăng trưởng kinh tế đạt 5%, quý IV phải tăng trưởng GDP 7-8%. Nhưng với thực trạng như hiện nay rất khó đạt được. Phải nhìn thẳng vào thực tế, không nhìn vào các con số để biết được thách thức và cơ hội. (TS. Nguyễn Đình Cung)

- Tái chế không thể chậm trễ: Một trong những nội dung được bàn thảo xuyên suốt các phiên thảo luận tại diễn đàn Mekong Connect 2023 được tổ chức tuần qua tại TPHCM, là sự chuyển động của doanh nghiệp (DN) trong xu hướng tái chế và phát triển bền vững. Bởi đó không còn là trào lưu mà trở thành tiêu chí bắt buộc khi kinh doanh ở cả trong và ngoài nước. (Thanh Lâm)

- Bỏ hạn mức tín dụng vẫn treo: Tín dụng tăng trưởng ì ạch, nhưng bất ngờ cuối tháng 10 một số TCTD đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 2023. Câu chuyện xin - cho hạn mức (room) tín dụng của các NH vẫn tiếp diễn và chưa thấy hồi kết. Trên nghị trường, đại biểu Quốc hội nhắc lại lời hứa bỏ điều hành bằng room tín dụng, nhưng NHNN cho biết thời điểm này chưa thể bỏ cách điều hành phân bổ chỉ tiêu tín dụng. (Bảo Trân)

- Tỷ giá suy yếu, cơ hội cho chứng khoán?: Cuối tuần qua, thị trường chứng khoán (TTCK) khắp thế giới “ăn mừng” chỉ số CPI của Mỹ trong tháng 10 đi ngang so với tháng 9 chứ không tăng như dự báo (dù mức tăng dự báo chỉ 0,1%). Điều đó có nghĩa khả năng Fed sẽ tiếp tục dừng tăng lãi suất trong kỳ họp giữa tháng 12 tới, thậm chí là kỳ họp tháng 1-2024. Theo đó, giá USD so với tất cả các đồng tiền chủ chốt khác đều lao dốc mạnh. Trong nước tỷ giá tự do giảm 120 đồng và tính từ đầu tháng 11 giảm khoảng 0,83%. (Nguyên Hà)

- BAF “gánh nợ” vì tham vọng 3F: Với tham vọng trở thành doanh nghiệp chăn nuôi hàng đầu, CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF) đã liên tục có những động thái huy động vốn. Tuy nhiên, việc tăng vốn nóng đã vô tình đẩy doanh nghiệp này vào tình thế khó khăn. (Kim Giang)

- Thị trường bất động sản: Tiếp tục giải cứu, tiếp tục kỳ vọng: Hiện nhiều dự án được “giải cứu” và tình hình thị trường bất động sản (BĐS) có những tín hiệu khởi sắc hơn. Nhưng cộng đồng doanh nghiệp (DN) đầu tư kinh doanh BĐS vẫn liên tục kiến nghị tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho dự án. Trong khi đó, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước cho rằng về lâu dài DN phải tự cứu mình, bằng cách tái cơ cấu sản phẩm phù hợp với thị trường. (Bình Minh)

- Nhớ về “Ông đồ hiện đại”: Sau những ngày vòng quanh vùng Đông Bắc, trong đó có Hải Dương quê hương Nhà giáo nhân dân, nhà thơ, dịch giả Vũ Đình Liên, tôi trở về Hà Nội để được sống lại những hình ảnh thân quen của “Ông đồ hiện đại” hay “Baudelaire Việt Nam” với nhiều kỷ niệm đẹp và xúc động. (Phan Hoàng)

- Bangladesh - đất nước giàu sắc màu: Ánh nắng mặt trời lấp lánh trên những dòng sông rợp bóng cây xanh, Bangladesh trở thành một điểm đến hấp dẫn cho những tín đồ du lịch muốn khám phá một vùng đất phong phú với truyền thống và văn hóa độc đáo. Với những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nhiều cảnh sắc và công trình kiến trúc cổ đại có giá trị lịch sử và khảo cổ học, Bangladesh là nơi tham quan không thể bỏ qua của nhiều du khách. (Fahoka Xê Dịch)

- Trung Quốc - chủ nợ của cả thế giới: Theo báo cáo mới đây của AidData, Trung Quốc hiện đang là chủ nợ chính thức lớn nhất thế giới, với tổng số dư nợ cho các nước đang phát triển lên tới 1.100 tỷ USD. Số tiền này chiếm khoảng 25% tổng số dư nợ chính thức cho các nước đang phát triển. (Vinh Trang)

- David Cameron - Thủ tướng trở lại: Lúc David Cameron từ chức Thủ tướng Anh sau khi thất bại trong cuộc bỏ phiếu Brexit vào năm 2016. Tuy nhiên, vào sáng 13-11-2023, ông đã trở lại, sải bước trên con đường lái xe rải đầy lá của số 10 Phố Downing để nhận lời bổ nhiệm làm ngoại trưởng từ Thủ tướng hiện tại, Rishi Sunak. (Ánh Vân)

Và nhiều chuyên mục khác…

MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM

Các tin khác