LTS: Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có một bài viết với nhan đề: “Chống lãng phí” được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.
Như một thông điệp mạnh mẽ, mang tính thức tỉnh sâu sắc, khuyến khích mọi người xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong toàn xã hội, cũng như đưa ra những giải pháp, thúc giục trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc quyết liệt, giải quyết triệt để việc phòng, chống lãng phí gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thực tế cho thấy, chỉ riêng lãng phí nguồn lực tài nguyên đất đang là một thực trạng rất được xã hội quan tâm. Lãng phí nguồn lực tài nguyên đất đai có rất nhiều hình thức, một trong những hình thức phổ biến và nhức nhối là tình trạng đất đai chậm đưa vào khai thác, khai thác không hiệu quả, quy hoạch treo kéo dài…
Dự án Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh) có quy mô hơn 400ha, được quy hoạch gần 30 năm qua, với kỳ vọng biến một nơi chỉ cách trung tâm thành phố chưa đến 10km trở thành một đô thị gần gũi với thiên nhiên sông nước, một khu đô thị chuẩn mực, hiện đại… Tuy nhiên sau gần 30 năm, dự án vẫn chỉ là trên giấy, trong khi đó đời sống người dân trong vùng quy hoạch bị ảnh hưởng trăm bề, mòn mỏi chờ đợi, đất đai bị lãng phí.
Mòn mỏi với quy hoạch treo
Dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được quy hoạch từ năm 1992, nằm trong phường 28 của quận Bình Thạnh, với diện tích gần 427 ha. Đến tháng 6-2004, UBND TPHCM ra quyết định thu hồi, tạm giao đất cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn để chuẩn bị đầu tư xây dựng Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.
Tháng 12-2004, Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn trình Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, với quy hoạch chi tiết mới cho khu bán đảo Bình Quới - Thanh Đa. Tháng 6-2005, Sở Quy hoạch Kiến trúc báo cáo UBND TPHCM quy hoạch này. Theo đó, nội dung chủ yếu của nhiệm vụ quy hoạch là biến Bình Quới - Thanh Đa thành một đô thị sinh thái, hiện đại với chức năng chính là công viên sinh thái cảnh quan thiên nhiên kết hợp thương mại, công cộng hiện đại nhưng giữ đậm bản sắc dân tộc.
Đầu năm 2006, TPHCM xác định Bình Quới - Thanh Đa sẽ là khu đô thị mới với dân số khoảng 80.000 người. Người dân trong khu quy hoạch sẽ được tái định cư tại chỗ hoặc bố trí tái định cư sang quận 9. Năm 2010, Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn bị UBND TPHCM thu hồi giấy phép đầu tư, vì đã “treo” quá lâu mà không tiến hành triển khai đầu tư.
Đến năm 2015, liên doanh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC được UBND TPHCM chỉ định là nhà đầu tư dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng, thời hạn 50 năm. Tuy nhiên, từ đó đến nay dự án gặp nhiều vướng mắc, đối tác trong liên doanh với Tập đoàn Bitexco đã rút lui khiến dự án đô thị này tiếp tục bị “treo”.
Cuối năm 2023, TPHCM đã có động thái khởi động lại dự án này bằng việc tổ chức thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch - kiến trúc bán đảo Bình Quới - Thanh Đa. Yêu cầu chung được đặt ra là bán đảo Bình Quới - Thanh Đa sẽ trở thành khu đô thị sinh thái bền vững, hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Hội đồng sơ tuyển TPHCM đã chấm điểm, đánh giá, xét chọn 5/10 đơn vị dự thi vào vòng 2 (thi tuyển) để lên thiết kế ý tưởng quy hoạch kiến trúc dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa. Có 5 liên danh vào vòng 2, nhưng tất cả 5 liên danh này đều có doanh nghiệp nước ngoài.
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, 5 đơn vị vào vòng 2 là vòng thi tuyển chính thức của cuộc thi sẽ được cung cấp thông tin và các tài liệu chi tiết để triển khai phương án dự thi như bản đồ, bản vẽ và các tài liệu liên quan đến quy chế thi tuyển, nhiệm vụ thiết kế… Các đơn vị vào vòng 2 có thời gian thực hiện đề tài là 8 tuần. Giá trị giải thưởng cho đơn vị đạt giải nhất là 5 tỷ đồng, 1 giải nhì 3,75 tỷ đồng và 1 giải khuyến khích 1,25 tỷ đồng.
Theo UBND TPHCM, việc tổ chức cuộc thi tuyển quốc tế nhằm tìm kiếm ý tưởng độc đáo, phương án quy hoạch phát triển tối ưu và khả thi nhất, gắn kết về không gian hai bên sông Sài Gòn, nâng cao hiệu quả sử dụng đất tại khu vực này phù hợp với định hướng của TPHCM là rất cần thiết.
Đây là một trong những sự chuẩn bị để kêu gọi các nhà đầu tư thực sự có năng lực để tham gia dự án trong thời gian tới. Tuy nhiên thời gian cụ thể vẫn còn bỏ ngỏ.
Chờ đến bao giờ?
Chỉ cách trung tâm thành phố 10km, nhưng những con đường, căn nhà tại khu vực quy hoạch trông chẳng khác gì một làng quê xa xôi, hẻo lánh ở một tỉnh thành nào đó. Ngồi câu cá bên con kênh nằm sâu trong một con hẻm thuộc phường 28, ông Bình cho biết, hàng ngàn người dân ở đây từng hy vọng rồi thất vọng khi dự án liên tục thay đổi chủ đầu tư, nhưng thực tế triển khai không thấy gì.
Cứ thế cuộc sống của người dân có nhà có đất bị quy hoạch trong dự án cũng lây lất hàng chục năm qua. Cách chỗ ông Bình ngồi câu cá, chị Thanh cho biết, lấy chồng về làm dâu ở đây được cha mẹ chồng cho một căn nhà nhỏ để ra riêng, nhưng do vướng quy hoạch, nhà cửa xuống cấp cũng chỉ chắp vá, đến nay đứa con học đại học ra trường đã đi làm nhưng dự án vẫn còn “treo” nguyên ở đó.
Như vậy, sau 3 thập niên dù nhiều lần thay đổi dự án, đổi chủ đầu tư, nhưng vẫn chưa có dự án nào được triển khai. Do đó, cứ mỗi lần cán bộ phường hay khu phố thông báo hay vận động những vấn đề gì liên quan đến dự án, bà con cũng chẳng còn “hứng thú”gì.
Tại phường 28, khó khăn lớn nhất khi quản lý địa bàn là hạn chế xây dựng trái phép. Dù chính quyền địa phương có đề ra các giải pháp hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, lập ranh đất đai trong đất quy hoạch, nhưng chỉ là tạm thời và giới hạn trong khuôn khổ pháp luật.
Nói về thiệt hại của người dân cũng như sự lãng phí đất đai do dự án “treo” quá lâu, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho biết sự thiệt hại những dự án do “treo” như Bình Quới - Thanh Đa rất lớn, không chỉ riêng người dân có đất bị thiệt mà chính Nhà nước, nhà đầu tư cũng bị thiệt hại nặng nề.
Chính vì vậy trước khi UBND TPHCM ban hành bảng giá đất mới, ông Châu đã có văn bản kiến nghị lên lãnh đạo thành phố xem xét có tình có lý đối với những trường hợp có đất trong những dự án treo quá lâu như Bình Quới - Thanh Đa khi Nhà nước xóa "treo”.