Vui nhưng vẫn thấp thỏm
Ngày 10-12, Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh về kế hoạch khôi phục lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ.
Theo đó, khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao, trước mắt là Bắc Kinh, Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan), Bangkok (Thái Lan), Singgapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco, Los Angeles (Mỹ).
Việc mở lại đường bay phải trên cơ sở có hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp y tế phòng dịch đối với người nhập cảnh, đảm bảo an toàn, hiệu quả và thông suốt.
Ngành du lịch hết sức phấn khởi trước thông tin này, bởi hàng không và du lịch luôn đồng hành cùng nhau. Trước đó, đầu tháng 11 Chính phủ đồng ý chủ trương về lộ trình thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam.
Cuối tháng 11, Quảng Nam trở thành địa phương đầu tiên đón khách quốc tế. Đến nay đã có 3/5 địa phương được phép thí điểm là Quảng Nam, Kiên Giang và Khánh Hòa đã đón khách, còn Đà Nẵng và Quảng Ninh đang chuẩn bị.
Tuy nhiên các đoàn khách này đều đến bằng các chuyến bay charter (chuyến bay riêng, được bao trọn gói cho một đơn vị lữ hành) nên số lượng rất hạn chế. Chính vì thế có DN nằm trong danh sách tham gia thí điểm đón khách quốc tế đã chuẩn bị sẵn sàng nhưng đến nay chưa đón được du khách nào. Có DN đã đón được khách đến nhưng phải chịu gánh nặng chi phí do khách quá ít.
Dù vậy, việc mở đường bay quốc tế vẫn thắp lên hy vọng cho mảng du lịch quốc tế. Thị trường Thái Lan, Hàn Quốc được các DN đặt nhiều kỳ vọng cho giai đoạn đầu tiên.
Với Thái Lan, trong diễn đàn du lịch hồi cuối tháng 11, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết cơ quan quản lý du lịch 2 nước đang chuẩn bị họp bàn về việc trao đổi khách du lịch giữa 2 bên.
Sau các thị trường gần, quý IV-2022 và quý I-2023 sẽ là thời điểm đẹp để đón khách ở những thị trường xa như Mỹ, châu Âu… Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho du khách đến Việt Nam, Bộ GTVT đề xuất sớm có hướng dẫn dỡ bỏ quy định cách ly đối với hành khách đã tiêm đủ vaccine phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR trong vòng 72 giờ trước chuyến bay.
Ngày 16-12, Bộ Y tế đã ban hành văn bản về việc phòng chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh áp dụng từ ngày 1-1-2022. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, yêu cầu chung là người nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi).
Đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú trong 3 ngày đầu kể từ ngày nhập cảnh, không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú.
Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 kể từ ngày nhập cảnh. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý theo quy định. Quy định này được xem là cởi mở hơn nhiều so với quy định hồi tháng 8.
Nhưng với những người làm du lịch thì quy định này vẫn còn nhiều băn khoăn, vì với những thị trường có lịch trình không dài nếu phải ở yên trong 3 ngày thì e là du khách sẽ không mặn mà.
Tại tọa đàm mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế mới đây, TS. Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch, cho rằng khi tỷ lệ tiêm vaccine ở địa phương đã đủ cao như TPHCM, Hà Nội, cao hơn Mỹ, cao hơn châu Âu, gần bằng Singapore… không có lý do gì để chưa mở cửa du lịch quốc tế.
Du lịch nội địa nhiều kỳ vọng
Không chỉ thấp thỏm chờ Bộ Y tế, các DN còn mong ngành du lịch đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông tới các thị trường trọng điểm. Nếu tính về xuất phát điểm dường như Việt Nam đang chậm chân hơn so với Thái Lan, Singapore trong đón khách quốc tế.
Vì thế, nếu không cho khách thấy rõ chúng ta có gì mới, khác biệt sẽ không thể hấp dẫn du khách trong bối cảnh hiện nay. Đó là chưa kể đến thời điểm này 2 thành phố du lịch lớn là Hà Nội và TPHCM cũng chưa có thông tin chính thức được mở cửa đón khách quốc tế, cũng sẽ là hạn chế cho chúng ta.
Truyền thông vốn là điểm yếu của du lịch Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực, nếu sau dịch chúng ta không khắc phục, mảng du lịch quốc tế sẽ lại bị bỏ xa. Thực tế thời điểm này, biến chủng mới Omicron không chỉ gây lo ngại cho Việt Nam, mà nhiều nước cũng lo ngại và có những biện pháp hạn chế đi lại nhằm hạn chế lây lan. Điều này đang ảnh hưởng đến du lịch của nhiều quốc gia.
Trong khi mảng quốc tế vẫn chưa thể nhìn thấy rõ triển vọng, mảng du lịch nội địa đang được kỳ vọng rất nhiều, nhất là khi mùa du lịch cuối năm đang sắp gõ cửa. Trước hết là với lượng lớn du khách Việt kiều về quê trong dịp Tết Nguyên đán. Hàng năm đây là lượng khách mang lại nguồn thu lớn cho du lịch nội địa.
Bên cạnh đó, một số DN đang chuẩn bị những chương trình tour cho nhóm gia đình để phục vụ khách về quê trong dịp tết. Nhìn lại gần 2 năm qua khi mảng quốc tế đóng băng, du lịch nội địa đã cứu cánh rất nhiều cho toàn ngành. Đến nay sau khoảng thời gian dài phải ở yên vì giãn cách, nhu cầu du lịch mùa cuối năm và đầu năm mới chắc chắn sẽ tăng cao.
Một số ý kiến lo ngại khách vẫn còn tâm lý lo sợ dịch bệnh, nhưng không hẳn bởi hiện nay khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine đạt ở mức cao, nhiều du khách nội đang sẵn sàng cho những chuyến trải nghiệm mới. Có chăng là cách thức du lịch, địa điểm mong muốn đến của du khách sẽ có thay đổi hơn so với trước đây, nên các công ty du lịch, các địa phương sẽ phải có những sản phẩm mới phù hợp.
Khởi động lại du lịch nội địa cần xây dựng tiêu chí an toàn đối với hệ thống dịch vụ để giảm tối đa sự lây lan virus, đồng thời có biện pháp kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo DN thực hiện đúng cam kết. |