Du lịch phải thích ứng để tồn tại

(ĐTTCO) - Là một trong những ngành bị thiệt hại nặng nhất trong suốt 2 năm qua khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, nhưng du lịch cũng là ngành có sự trở lại cẩn trọng nhất trong điều kiện bình thường mới. Những doanh nghiệp (DN) còn trụ lại đến lúc này đang nỗ lực tìm các giải pháp để thích ứng và vượt qua khó khăn. 

Khách du lịch tham quan sau khi nhiều tỉnh, thành gỡ bỏ giãn cách.
Khách du lịch tham quan sau khi nhiều tỉnh, thành gỡ bỏ giãn cách.
Hoạt động cầm chừng chờ cơ hội
Chỉ gần 20 ngày sau khi TPHCM mở cửa các hoạt động trở lại, Công ty Du lịch Vietravel cho biết đã chính thức khởi động lại hơn 30 văn phòng bán tour và dịch vụ du lịch trên toàn quốc.
Tiếp theo đó, ngày 15-11, 6 văn phòng du lịch nước ngoài thuộc hệ thống Vietravel tại Campuchia, Thái Lan, Singapore, Australia, Pháp, Mỹ cũng đã mở cửa trở lại để phục vụ người dân địa phương và khách du lịch.
Tương tự, nhiều công ty du lịch cũng nhanh chóng khởi động lại sau thời gian gần như đóng băng thị trường khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 ập tới.
TPHCM là một trong những địa phương đi đầu trong việc xúc tiến, liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh/thành. Nhờ đó, sau những tour đến các vùng xanh nội tỉnh, các DN bắt đầu xây dựng nhiều tour liên tỉnh đến các địa phương như Tây Ninh, Long An, Bến Tre… hay khu vực miền Trung, miền Bắc. 
Hiện tại, hầu hết tỉnh/thành đã nới lỏng hơn các quy định với khách du lịch, nhất là khách du lịch đi theo tour khép kín. Không chỉ du lịch nội địa đang trở lại, du lịch quốc tế cũng chính thức đón những đoàn khách đầu tiên đến Quảng Nam trong 2 ngày 17 và 18-11 vừa qua.
Ngay sau Quảng Nam, Phú Quốc cũng đón hơn 200 du khách Hàn Quốc đến trải nghiệm kỳ nghỉ 4 ngày 3 đêm tại Vinpearl, với hành trình khép kín từ chuyến bay đến địa điểm nghỉ dưỡng, chuỗi hoạt động vui chơi - giải trí. Khánh Hòa là địa phương tiếp theo đón khách du lịch quốc tế trong đợt này.
Đây cũng là địa phương sẽ có nhiều chuyến bay đưa khách từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đến du lịch. 2 tỉnh/thành còn lại trong nhóm 5 địa phương được thí điểm đón khách quốc tế giai đoạn đầu là Đà Nẵng và Quảng Ninh cũng đang tất bật chuẩn bị đón những vị khách đầu tiên. 
Chia sẻ với ĐTTC, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vietcircle, cho rằng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn đầu này vẫn còn rất ít, chỉ có tính chất quảng bá chưa có giá trị kinh doanh cho DN. Dù vậy, đây là những tín hiệu ban đầu tích cực cho thấy thị trường du lịch đang ấm dần lên. 
Nhìn lại năm 2019 Việt Nam đã từng đạt kỳ tích thu hút hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, trong đó khách Trung Quốc chiếm khoảng 30%. Nhưng hiện nay, với chiến lược “zero Covid” khách Trung Quốc chưa thể trở lại.
Thêm vào đó, lượng khách tự túc hiện cũng chưa được vào, nên khách đến chủ yếu vẫn theo tour từ các thị trường gần và chấp nhận sống chung với dịch như Nhật Bản, Hàn Quốc… Tương tự với thị trường nội địa, các công ty hiện vẫn còn thận trọng, các tour tuyến gần như vẫn chưa có lãi, chủ yếu để thị trường khởi động trở lại. 
Du lịch phải thích ứng để tồn tại ảnh 1
Tái cấu trúc để phù hợp
Ở 3 đợt trước, ngay sau khi dịch được kiểm soát các công ty du lịch dường như có thể trở lại ngay với những tour tuyến nội địa, nhưng ở đợt dịch lần thứ 4 mọi thứ đã khác. Các công ty phải đối mặt với nhiều rủi ro trong đó rủi ro về chính sách và sức khỏe là điều nhiều DN băn khoăn.
Hiện nay, tuy Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nhưng mỗi địa phương, thậm chí xuống mỗi phường xã, cũng còn những quy định khác nhau. Điều này không chỉ khó cho người làm du lịch, còn khiến du khách chưa hào hứng.
Ngoài ra các công ty hiện phải chuẩn bị những kế hoạch xử lý rủi ro về sức khỏe, vì không ai dám đảm bảo du khách không bị lây nhiễm trong quá trình đi du lịch. 
Thách thức nhưng DN buộc phải thích ứng và từng bước mở cửa trở lại. Đơn cử, khối lữ hành phải thích ứng trong những thay đổi của du khách từ đó mang đến những sản phẩm phù hợp hơn.
Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Công ty Nghiên cứu và tư vấn phát triển điểm đến du lịch Outbox Consulting, cho biết, Outbox Consulting cùng với Tổng cục Du lịch thực hiện nghiên cứu tổng thể về đánh giá mức độ thay đổi trong hành vi, suy nghĩ của du khách nội địa với việc đi du lịch dưới sự ảnh hưởng của Covid-19. Bước đầu nhận thấy du khách thay đổi khá nhiều. Như vậy thời gian tới các DN cũng như các địa phương cũng cần có thay đổi.
“Không thể phục vụ cái chúng ta có mà phải phục vụ cái khách cần, phải đặt khách làm trung tâm, hiểu khách thích gì, lo lắng điều gì để có những phương án phù hợp” - ông Phước nhấn mạnh.
Các DN hiện nay chọn đi từng bước, tập thích ứng với tình hình mới và không quá kỳ vọng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro hiện nay. Điều các DN đang thực hiện là tái cấu trúc mình để phù hợp hơn với tình hình mới.
Đơn cử, Vietravel đã quyết định tái cấu trúc lại toàn bộ hệ sinh thái kinh doanh của tập đoàn theo hướng Holdings, hướng tới vị thế dẫn đầu đổi mới sáng tạo và phát triển bằng nhiều phương thức: điều chỉnh bộ máy hoạt động, quảng bá truyền thông, xúc tiến tăng cường chuyển đổi số để giảm thiểu chi phí và tiếp cận đến với khách hàng sâu hơn.
“Ngành du lịch, DN và người làm nghề du lịch, trong giai đoạn này đều phải thích nghi với Covid-19, quyết tâm, bền chí “lội” ngược dòng để trở lại đường đua” - đại diện Vietravel chia sẻ. 
Ở thởi điểm hiện tại, điều DN lo nhất chính là năng lực cạnh tranh nội tại, khi đội ngũ người làm du lịch chuyên nghiệp đang rơi rụng dần. Điều này sẽ ảnh hưởng mạnh ở mảng du lịch quốc tế khi chúng ta còn phải cạnh tranh với các quốc gia khác như Thái Lan hay Singapore.
Bởi xây dựng lại nhân sự làm du lịch không phải ngày một ngày hai, mà sẽ mất nhiều thời gian để có thể trở lại giai đoạn sôi động như năm 2019. 
 Mở cửa đón khách sẽ không tránh được những sóng gió. Tuy nhiên để du lịch phát triển bền vững, các đơn vị cần có sự liên kết chặt chẽ, thích ứng để từng bước phục hồi và tái khởi động các hoạt động du lịch.

Các tin khác