Từ chủ trương chính sách đến thực tế quá xa
Trong nhiều năm qua, chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong thúc đẩy công nghiệp hóa và đô thị hóa. Cùng với dòng người chuyển dịch từ nông thôn đến thành thị và đến các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX), là động lực quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam.
Song sự dịch chuyển này cũng tạo nên sự bất ổn đối với siêu đô thị và các đại công trường. Hiện nay dòng người hồi hương, trong đó một số sẽ trở lại TP và các KCN nhưng cũng có nhiều người ở lại thôn quê. Một trong những lý do khiến NLĐ hồi hương là khi nơi ở không được đảm bảo.
Ngay từ năm 2014, Bộ Xây dựng đã đưa mô hình nhà lưu trú, nhà ở cho công nhân vào diện nhà ở xã hội (NoXH) để được hỗ trợ về vốn ngân sách, quy hoạch, xây dựng. Việc này nhằm khuyến khích các doanh nghiệp (DN) giải quyết bài toán nhà ở cho công nhân tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, hay một số tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Dương, Long An…
Thế nhưng, từ chủ trương chính sách đến thực tế triển khai là khoảng cách rất xa. Vì vậy, với một bộ phận lớn NLĐ có thu nhập thấp, việc sở hữu chỗ ở ổn định để bảo đảm các điều kiện sinh hoạt tối thiểu vẫn là ước mơ xa vời.
Mới đây, Bộ Xây dựng gửi UBND các tỉnh, TP văn bản về việc tăng cường thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân tại các KCN, KCX, nhằm bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động.
Bộ kiến nghị bổ sung gói tín dụng khoảng 30.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn cho chủ đầu tư NoXH, nhà ở công nhân trong KCN, KCX. Thực tế, mô hình dự án NoXH, nhà giá rẻ hay nhà ở công nhân triển khai từ trước đến nay chưa đáp ứng được đòi hỏi cần thiết về nhà ở cho NLĐ, dù nhu cầu này tại các KCN luôn rất lớn.
Một trong những nguyên nhân khiến các dự án nhà ở công nhân khó triển khai là khả năng thu hồi vốn thấp, các DN không mặn mà.
Tuy nhiên, chính điều đó gợi ý cho chúng ta về chiến lược phát triển mới, sẽ không chạy theo phát triển các siêu đô thị hay các đại công trường. Thời gian qua, khi chúng ta tập trung xây dựng Hà Nội, TPHCM thành những khu đô thị lớn với những KCN xung quanh, có điều rất không hợp lý là những TP lớn lẽ ra tập trung ở những ngành công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, không phải tập trung vào những ngành sử dụng nhiều lao động, ngành công nghiệp gia công.
Thực tế này cho thấy, khi tập trung vào những ngành sử dụng nhiều lao động giá trị gia tăng thấp, chủ yếu là gia công, sẽ tạo sự quá tải cho không gian đô thị và công nghiệp, kể cả về kinh tế, xã hội và kỹ thuật, tạo nên thế cạnh tranh không công bằng giữa Hà Nội, TPHCM với các tỉnh, TP khác.
Nó không đảm bảo cho phát triển bao trùm, lan tỏa, bởi sự tăng trưởng, sự tích lũy sẽ tập trung nhiều vào các KCN và đô thị lớn, bỏ lại khoảng cách khá xa với các tỉnh, TP khác.
Những gợi ý chiến lược
Hướng đi quan trọng là các trung tâm lớn của đất nước, trước hết là Hà Nội, TPHCM hãy tập trung các ngành công nghệ cao, các ngành có giá trị gia tăng lớn; các ngành sử dụng nhiều lao động, gia công hãy dịch chuyển về các vùng nông thôn.
Điều này đảm bảo các trung tâm công nghiệp, trung tâm đô thị lớn không bị quá tải; đồng thời đảm bảo cuộc sống xanh hơn, nền kinh tế bền vững hơn.
Những vùng nông thôn xa xôi sẽ có điều kiện để phát triển công nghiệp, để đưa “thị” về “thôn”, thành thị hóa nông thôn. Đặc biệt rất quan trọng là để NLĐ có thể “ly nông bất ly hương”.
Bởi nếu NLĐ ở TP lớn hay trung tâm công nghiệp có thu nhập 7-10 triệu đồng/tháng phải trả rất nhiều chi phí cho ăn uống, nhà ở, dịch vụ xã hội. Trong khi đó, nếu sống ở nông thôn họ có thể tự túc được lương thực, thực phẩm, lúc đó với mức thu nhập đang được chi trả hiện nay họ sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều.
Vì vậy, việc đưa công nghiệp về các vùng nông thôn là cách thức tốt nhất để phát triển kinh tế nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị với nông thôn. Quan sát các DN trong thời gian qua cũng cho thấy nếu chỉ tập trung vào các TP, trung tâm công nghiệp sẽ rất khó khăn.
Nhiều DN đã phân tán cơ sở sản xuất ra nhiều tỉnh, TP đã trụ vững, khi ở chỗ này có sự cố chỗ kia vẫn tiếp tục sản xuất và NLĐ vẫn đảm bảo được cuộc sống của mình. Đây cũng là thử thách để chúng ta sớm tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng không quá tập trung sản xuất tại các đô thị lớn, trung tâm công nghiệp.
Phải hình thành các đô thị vệ tinh, đưa công nghiệp về nông thôn, thúc đẩy phát triển nông thôn, tích hợp giữa công nghiệp và nông nghiệp, mang lại hạnh phúc cho NLĐ cũng như sự phát triển bền vững cho DN.
Muốn phát triển công nghiệp, thu hút lực lượng lao động lớn phải tính ngay bài toán NLĐ sẽ ở đâu, NoXH sẽ như thế nào, nhà ở công nhân sẽ ra sao và Nhà nước phải có chính sách để hỗ trợ. Nhà nước cùng với DN, giới chủ và giới thợ cùng xây dựng hệ sinh thái, môi trường sống cho NLĐ, không chỉ đơn thuần là nơi họ đến để vận hành máy móc.
Bản thân các vùng nông thôn đã có không gian sinh thái tương đối tốt, khi đưa công nghiệp về, đừng biến nông thôn thành môi trường ximăng cốt thép, biến vùng nông thôn của các tỉnh thành KCN mà không tính đến các yếu tố môi trường, xã hội.
Giải bài toán nhà ở công nhân để ổn định chuỗi sản xuất là đưa công nghiệp về các vùng nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị với nông thôn. |