Đừng chủ quan với GDP mới

(ĐTTCO) - Việc thực hiện đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) nhằm đảm bảo thông lệ quốc tế, tuy nhiên đằng sau đó sẽ tác động nhiều mặt tới việc hoạch định kế hoạch và quản lý, phát triển kinh tế. Có nghĩa về mặt tích cực đã nhìn thấy, còn tiêu cực khi chúng ta dễ “ngủ quên” trên dư địa phát triển nền kinh tế còn nhiều.

Tạo sức hút cho nhà đầu tư 
Tổng cục Thống kê (TCTK) vừa tiến hành đánh giá lại quy mô GDP bình quân giai đoạn 2010-2017. Đây là quá trình thu thập, tính toán chi tiết lại các số liệu trong 1 năm của 88 ngành kinh tế cấp 2, 21 ngành kinh tế cấp 1 và 3 khu vực kinh tế giai đoạn 2010-2017. Theo kết quả đánh giá, quy mô GDP bình quân giai đoạn này tăng thêm 25,4%/năm so với số liệu trước đó, tương ứng tăng 935.000 tỷ đồng/năm. Trong đó, năm 2011 có tỷ lệ tăng cao nhất 27,3% và năm 2015 có tỷ lệ tăng thấp nhất 23,8%. Tổng quy mô nền kinh tế năm 2017 cũng tăng lên 275 tỷ USD thay vì 220 tỷ USD như đã công bố trước đây. 
Như vậy, nếu tính cả tốc độ tăng trưởng năm 2018 và nửa đầu năm 2019, quy mô nền kinh tế Việt Nam vượt con số 300 tỷ USD, GDP bình quân đầu người theo đó cũng tăng lên ngưỡng 3.000USD thay vì 2.590USD như trước đó.
Đừng chủ quan với GDP mới ảnh 1
Về khu vực kinh tế, quy mô khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ tăng khá lớn. Cụ thể, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sau khi đánh giá lại trong giai đoạn 2010-2017 tăng thêm 25.000-46.000 tỷ đồng mỗi năm, tương ứng tăng 5,4-6,2% so với số đã công bố. Năm 2017, giá trị tăng thêm đánh giá lại của khu vực này đạt 814.000 tỷ đồng (số đã công bố 768.000 tỷ đồng).
Đối với khu vực công nghiệp và xây dựng, giá trị tăng thêm sau khi đánh giá lại tăng thêm 211.000-555.000 tỷ đồng mỗi năm, tương ứng tăng 27,6-36,6% so với số đã công bố. Năm 2017, giá trị tăng thêm đánh giá lại của khu vực công nghiệp và xây dựng đạt hơn 2,2 triệu tỷ đồng (số đã công bố là hơn 1,6 triệu tỷ đồng). Trong khi đó, giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ sau khi đánh giá lại tăng thêm 316.000-615.000 tỷ đồng mỗi năm. Năm 2017, giá trị tăng thêm đánh giá lại của khu vực dịch vụ đạt hơn 2,6 triệu tỷ đồng (số đã công bố hơn 2 triệu tỷ đồng). 
Như vậy với việc đánh giá lại GDP, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô thay đổi theo chiều hướng tốt lên, tạo sức hút mới nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam năm 2020 và các năm tiếp sau kỳ vọng có những bước tăng trưởng đột phá, góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Vì sao đánh giá lại GDP tăng lên?
Về nguyên nhân làm tăng quy mô GDP sau khi đánh giá lại, TCTK đã chỉ ra 5 nhóm nguyên nhân. Thứ nhất, việc bổ sung thông tin từ tổng điều tra làm quy mô GDP bình quân mỗi năm tăng 589.000 tỷ đồng, chiếm 63% mức tăng bình quân đánh giá lại GDP của cả nước. Tổng điều tra kinh tế năm 2017 đã bổ sung 76.000 doanh nghiệp, gần 306.000 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể so với số lượng doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể đã sử dụng để tính GDP năm 2016. 
Đừng chủ quan với GDP mới ảnh 2
Thứ hai, việc bổ sung thông tin từ hồ sơ hành chính làm quy mô GDP bình quân mỗi năm tăng 305.000 tỷ đồng, chiếm 32,6% mức tăng bình quân đánh giá lại GDP. Thứ ba, việc cập nhật lý luận mới hệ thống tài khoản quốc gia 2008 làm quy mô GDP bình quân mỗi năm tăng 98.000 tỷ đồng, chiếm 10,5% mức tăng bình quân đánh giá lại GDP. 
Thứ tư, việc rà soát, cập nhật lại phân ngành kinh tế làm quy mô GDP bình quân mỗi năm tăng khoảng 75.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 8% mức tăng bình quân đánh giá lại GDP. Do phương pháp tính giá trị sản xuất, áp dụng hệ số chi phí trung gian và chỉ số giá thay đổi theo ngành kinh tế khi biên soạn chỉ tiêu GDP, nên khi rà soát, cập nhật phân ngành kinh tế từ ngành có tỷ lệ giá trị gia tăng thấp sang ngành có tỷ lệ giá trị gia tăng cao, từ ngành có chỉ số giá thấp sang ngành có chỉ số giá cao, dẫn đến thay đổi quy mô giá trị tăng thêm của ngành, của khu vực và toàn bộ nền kinh tế. 
Thứ năm, việc cập nhật cơ cấu kinh tế làm thay đổi hệ số chi phí trung gian và chỉ giá của cả nước, làm quy mô GDP bình quân mỗi năm giảm khoảng 131.000 tỷ đồng. 
Từ nhiều năm qua, sau cải cách mở cửa, rất nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình đã chủ động đi vào sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, hệ thống cơ cấu bộ máy thống kê không bắt kịp sự thay đổi của nền kinh tế. Việc xem xét, rà soát các mẫu thống kê thường chậm, bỏ sót nhiều chủ thế trong nền kinh tế và thiếu tính toàn diện, kịp thời.
Số liệu thống kê về tăng trưởng GDP giữa cục thống kê các tỉnh, thành phố và số liệu thống kê của TCTK không sát đúng, thiếu tính liên thông. Các số liệu tăng trưởng của các địa phương, bộ, ngành thườnglệch pha so với số liệu của TCTK, do số liệu thống kê về GDP bị bỏ sót, chưa được thống kê đầy đủ có thể lên tới 35-38% GDP hàng năm. 
Các số liệu về đánh giá lại GDP của nền kinh tế cũng cho phép đánh giá chính xác sức mạnh và sự đóng góp của các khu vực kinh tế một cách chuẩn xác nhất. Bởi thông qua các cuộc Tổng điều tra, các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh trên toàn quốc chưa được thống kê đầy đủ hay bỏ sót đã được cập nhật. Trên cơ sở đó, vị trí, vai trò và các kết quả hoạt động của từng khu vực kinh tế sẽ được phân tích chính xác, tạo điều kiện cho việc hình thành các cơ chế chính sách hợp lý nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho từng khu vực kinh tế phát triển đúng tiềm năng và sức mạnh. 

Những tác động tiêu cực nếu chủ quan
Tuy nhiên, quan trọng là nhận thức về con số 25,4% GDP và cách thức các nhà quản lý sử dụng số liệu này như thế nào trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, tránh những hành động chủ quan gây ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng đang rất tốt của nền kinh tế trong giai đoạn hiện tại.
Đây là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở hoạch định chính xác nhiệm vụ kế hoạch và hoạch định các chính sách để phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo. Bởi GDP tăng lên sẽ khiến một loạt cân đối vĩ mô của nền kinh tế thay đổi như tỷ lệ lạm phát, thâm hụt ngân sách nhà nước (NSNN), thâm hụt cán cân thương mại… 
Trước hết, nếu xem xét tỷ lệ nợ công năm 2019 là 56,1% GDP, nợ Chính phủ 49,2% GDP, nợ nước ngoài 45,8%, theo GDP mới chỉ còn tương ứng 44,74%, 39,24% và 36,52% GDP. Chỉ số giá tiêu dùng CPI năm 2018 là 3,54%, chỉ số lạm phát cơ bản 1,48%, tương ứng chỉ còn 2,82% và 1,18%; năm 2019 là 2,78% và 1,98% chỉ còn 2,21% và 1,58% GDP. Các chỉ số về nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, các chỉ số về giá tiêu dùng CPI và chỉ số lạm phát cơ bản thấp đi rất đáng kể.
Đặc biệt, tỷ lệ huy động GDP vào NSNN năm 2018 là 25,7% GDP, trong đó huy động từ thuế, phí 21,1% GDP, tương ứng sẽ còn 20,5% và 16,8%; năm 2019 tỷ lệ huy động GDP 24,4% và từ thuế phí 21%, tương ứng mức 19,46% và 16,8%. Bội chi NSNN năm 2018 và 2019 là 3,46% GDP và 3,54% GDP, tương ứng còn 2,76% và 2,82% GDP. Những con số này cho thấy các chỉ số kinh tế vĩ mô của nền kinh tế những năm qua tốt hơn nhiều so với trước đây. Rõ ràng, tỷ lệ huy động GDP và tỷ lệ động viên từ thuế, phí vào NSNN tương đối thấp so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, khi các chỉ số về nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài giảm thấp có thể tạo ra tình trạng “ru ngủ” các nhà quản lý nợ của quốc gia tăng cường vay nợ để đáp ứng nhu cầu chi tiêu cho các mục đích khác nhau, từ đó đẩy cao các nợ này, tạo ra sự giảm sút quản lý, tình trạng đầu tư tràn lan, thiếu hiệu quả, gia tăng tình trạng thất thoát, tham nhũng.
Các chỉ số về giá tiêu dùng CPI và chỉ số lạm phát cơ bản giảm thấp cũng dễ làm cơ chế quản lý giá cả, tài chính - tiền tệ, thị trường bị buông lỏng. Điều này kết hợp với những biến động về tỷ giá hối đoái, về giá cả một số mặt hàng trong nền kinh tế khu vực và thế giới có thể đẩy lạm phát quay trở lại, đẩy lùi các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 
Mặt khác, tỷ lệ huy động GDP và tỷ lệ động viên từ thuế, phí vào NSNN theo GDP tính lại tương đối thấp so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đòi hỏi phải đẩy mạnh công cuộc cải cách chính sách động viên nguồn thu và chính sách thuế, phí đối với nền kinh tế cho phù hợp với quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện của nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế thế giới. 
Tất nhiên, khi GDP tăng thêm, sức mạnh của các khu vực kinh tế thay đổi, GDP bình quân đầu người tăng thêm trên danh nghĩa, khả năng chi tiêu của từng cá nhân cũng cần được các doanh nghiệp trong nền kinh tế đưa vào các biến số tính toán để hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Đây có thể là cơ hội tiếp tục thúc đẩy gia tăng nguồn vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân vào nền kinh tế.  
 Tính toán GDP theo cách tiếp cận mới cho phép Chính phủ và các tổ chức quốc tế có sự so sánh tương đồng giữa các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam và các nền kinh tế khác trên thế giới. 
 GDP tăng, các chỉ số về nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài giảm thấp có thể tạo ra tình trạng tăng cường vay nợ để đáp ứng nhu cầu chi tiêu cho các mục đích khác nhau, từ đó đẩy cao các nợ này do đầu tư tràn lan, thiếu hiệu quả, tham nhũng. 

Các tin khác