Tại thời điểm hiện nay, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vẫn chưa có ý kiến về thông tin này. Trong khi đó, mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết DTNH đã đạt khoảng 92 tỷ USD, và đến cuối năm nay có thể đạt con số 100 tỷ USD. Động thái này đặt ra câu hỏi, phải chăng Chính phủ không lo ngại về việc Việt Nam sẽ bị Mỹ gắn mác TTTT?
Thực ra Bộ Tài chính Mỹ định giá thấp VNĐ là kết quả của hành động mua ròng 22 tỷ USD nhằm bổ sung DTNH của NHNN trong năm 2019. Nhưng trong báo cáo gần đây nhất, Bộ Tài chính Mỹ nhận định DTNH của Việt Nam dưới mức tiêu chuẩn trong nhiều năm qua, tương đồng với đánh giá trước đó vào cuối năm 2018 của IMF, rằng DTNH của Việt Nam chỉ ở khoảng 76% mức dự trữ hợp lý.
Trong trường hợp như vậy, Việt Nam gia tăng DTNH cũng là một nhu cầu chính đáng, nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống tiền tệ quốc gia trong bối cảnh nguồn cung USD dồi dào nhờ thặng dư thương mại, đầu tư FDI và kiều hối.
Cũng có ý kiến cho rằng, Việt Nam vẫn cần tăng DTNH lên khoảng 150 tỷ USD trong vòng 12-18 tháng tới, và có thể cao hơn nữa nếu quy mô nền kinh tế và quy mô xuất nhập khẩu ngày càng tăng cao hơn.
Nhưng cần lưu ý Việt Nam đang nằm trong danh sách theo dõi TTTT, và dễ bị gắn mác TTTT trong báo cáo sắp tới của Bộ Tài chính Mỹ (dự kiến phát hành vào tháng 10-2020), khi Việt Nam đã vi phạm cả 3 tiêu chí đánh giá trong năm 2019.
Vậy nên, điều cần là phía Việt Nam phải chủ động thực hiện các biện pháp để giảm thiểu rủi ro bị gắn mác TTTT của Mỹ, tức cần sớm có những giải trình với Bộ Tài chính Mỹ về nhu cầu gia tăng DTNH là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam nhận được nhiều khuyến cáo của các tổ chức tài chính về thiếu hụt DTNH.
Đồng thời, Việt Nam cần làm rõ chính sách của NHNN, hoàn toàn không sử dụng công cụ tỷ giá hay phá giá VNĐ một cách có chủ ý để hỗ trợ xuất khẩu. Thời điểm này công bố tăng DTNH liệu có nên không?
Thực ra, xét về cán cân thương mại của Việt Nam, thặng dư trong một số năm vừa qua được hỗ trợ chủ yếu bởi xuất khẩu của khu vực FDI, tuy nhiên mức độ thặng dư của cán cân thương mại đã thu hẹp và trong quý II-2019 đã bắt đầu chuyển sang trạng thái thâm hụt khi tăng trưởng xuất khẩu của khu vực FDI chậm lại.
Cán cân thương mại của Việt Nam có thể bị tác động không tích cực khi các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện chuyển dịch đầu tư sang các nước có nhân công rẻ hơn Việt Nam, hoặc chuyển dịch đầu tư sang các nước có lợi thế về công nghệ, hạ tầng cơ sở hoàn chỉnh trong thời đại công nghiệp 4.0.
Khi đã muốn làm ăn với Mỹ chúng ta phải chấp nhận tuân thủ “luật chơi”. Quá khứ cho thấy Bộ Tài chính Mỹ không quá cứng nhắc bám theo 3 tiêu chí trên trong việc đánh giá 1 quốc gia TTTT. Nhưng muốn loại bỏ rủi ro cần phải chủ động đối thoại, giải trình.
Vì kể cả trong kịch bản bị gắn mác TTTT, theo quy định hiện nay, các quốc gia vẫn sẽ có 1 năm để tiến hành đối thoại song phương với Mỹ để hai bên tiến hành trao đổi, thương lượng giải quyết vấn đề, trước khi các biện pháp trừng phạt từ phía Mỹ được "kích hoạt".
Song về lâu dài, để không bị chạm đến các “ngưỡng” quy định, Việt Nam cần cải thiện tình trạng xuất siêu sang Mỹ thông qua việc cam kết mua thêm sản phẩm, hàng hóa Mỹ, đồng thời có các biện pháp hạn chế tối đa việc hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam nhằm tìm đường tới Mỹ.