Ngành kỳ vọng đón 5 triệu lượt khách quốc tế và 60 triệu lượt khách nội địa trong năm nay. Song từ kỳ vọng đến thực tế vẫn còn khoảng cách không gần.
Tính đến trước ngày 15-3, nút thắt lớn nhất của ngành du lịch trước khi mở cửa hoàn toàn là hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh của Bộ Y tế. Song ngay trong ngày cánh cửa du lịch chính thức mở, nút thắt này mới được gỡ. Theo đó, quy trình đón khách quốc tế đã cởi mở hơn rất nhiều so với trước. Không có quy định khách sau khi nhập cảnh bằng đường hàng không phải xét nghiệm lại hay phải cách ly. Thậm chí không đề cập việc khách nhập cảnh phải có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng.
Cụ thể, khách chỉ cần có xét nghiệm âm tính trước khi xuất cảnh bằng đường hàng không 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP, hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh. Người nhập cảnh đường bộ, đường thủy, đường sắt áp dụng quy định tương tự. Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm thì thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính được phép nhập cảnh và tham gia hoạt động du lịch, nếu kết quả xét nghiệm dương tính thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc phải xét nghiệm SARS-CoV-2, chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19 hoặc chưa từng nhiễm SARS-CoV-2 đều được nhập cảnh, tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân. Khách du lịch phải khai báo y tế trước khi nhập cảnh và sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-COVID), thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định trong thời gian lưu trú tại Việt Nam…
Ngay sau khi Bộ Y tế ra hướng dẫn mới nhất, một số doanh nghiệp lữ hành đã cập nhật thông tin đến các khách hàng, đối tác. Và trong ngày 16-3 chuyến bay từ Singapore tới TPHCM đã áp dụng quy định nhập cảnh mới. Không chỉ nút thắt phía trong được gỡ, bên ngoài cũng có nhiều thông tin khá tích cực cho ngành du lịch. Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết lượng khách quốc tế tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh. Theo dữ liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights (theo dõi xu hướng du lịch), lượng tìm kiếm bắt đầu tăng từ đầu tháng 12-2021, tăng vọt trong thời gian từ cuối tháng 12-2021 đến đầu tháng 1 năm nay (lượt tìm kiếm thời điểm ngày 1-1-2022 tăng 222% so tháng trước và tăng 248% so cùng kỳ 2021). Đặc biệt, từ đầu tháng 1 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam luôn duy trì ở mức rất cao, thậm chí thời điểm ngày 21-1 tăng 425%, thời điểm ngày 3-2 tăng 374% so cùng kỳ 2021.
Câu hỏi đang được quan tâm là cửa đã mở nhưng đón “ai” vào? Thị trường khách nào sẽ là thị trường mục tiêu? Chiến dịch quảng bá tiếp thị nào sẽ hiệu quả trong bối cảnh hiện nay? Mục tiêu 5 triệu lượt khách liệu có quá tham vọng…
Tại hội nghị triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh: “Không phải chúng ta tuyên bố mở ngày nào ngay sau đó chúng ta đã có đầy khách. Đây là quá trình phục hồi phải tính bằng nhiều tháng”. Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng để đón được nhiều khách phải đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Thực tế, lâu nay công tác quảng bá vẫn là điểm yếu của ngành du lịch Việt Nam. Hiện ta đang triển khai chiến dịch truyền thông Live fully in Vietnam (Sống trọn vẹn ở Việt Nam) nhưng hiệu quả đến đâu vẫn phải chờ.
Mở cửa trở lại cũng đồng nghĩa phải cạnh tranh gay gắt hơn với các quốc gia khác trong việc hút khách. Nếu công tác xúc tiến quảng bá chưa hiệu quả, hành trình sẽ gian nan hơn rất nhiều. Quan trọng hơn cả là thị trường khách mục tiêu. Nhìn lại năm 2019 thời điểm hoàng kim của du lịch Việt Nam, lượng khách quốc tế lớn nhất vẫn đến từ 4 thị trường chính Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (chiếm khoảng 60% tổng lượng khách đến Việt Nam), trong đó nhiều nhất là khách Trung Quốc. Cho đến nay Trung Quốc vẫn thực hiện chiến lược zero Covid nên khó để kỳ vọng thị trường khách này.
Với 3 thị trường còn lại, Nhật Bản chưa cởi mở trong việc mở cửa thị trường và đường bay. Hàn Quốc tích cực hơn khi bỏ quy định cách ly với người nhập cảnh tiêm đủ liều vaccine Covid-19, song cũng không thể quá kỳ vọng đón nhiều khách từ thị trường trong năm nay vì dịch bệnh cũng còn diễn biến phức tạp. Còn với Đài Loan, ông Vũ Tiến Dũng, Chủ nhiệm văn phòng kinh tế văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, cho biết hiện Đài Loan quy định phòng chống dịch chặt chẽ, người nhập cảnh phải cách ly 10 ngày, 7 ngày sau đó tự kiểm tra sức khỏe. Do đó, Việt Nam mở cửa, ban đầu sẽ chưa có khách Đài Loan.
Ngoài 4 thị trường khách chính trên, hiện chúng ta cũng gặp không ít khó khăn từ khách Nga - thị trường khách trọng điểm của một số địa phương như Khánh Hòa, Phan Thiết - do ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine. Trong khi đó, với thị trường Mỹ, ông Nguyễn Quốc Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, cho biết sau 2 năm hạn chế đi lại, nhu cầu du lịch của người Mỹ tăng cao cả trong và ngoài nước. Nghiên cứu của Công ty Destination Analysis cho biết 80% người Mỹ muốn đi du lịch trong vòng 6 tháng tới. Du khách Mỹ luôn xem Việt Nam là điểm du lịch hấp dẫn từ cả góc độ thắng cảnh, lịch sử, văn hóa và ẩm thực. Tuy nhiên, CDC Mỹ vừa nâng cấp độ dịch tại Việt Nam lên cấp 4 và khuyến cáo công dân Mỹ không đi du lịch Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng giai đoạn này là thí điểm và chúng ta còn gặp nhiều vướng mắc trong các hướng dẫn y tế, quy định về mở cửa đường bay trước đó. Song cũng có những thực tế cần phải được nhìn trực diện. Đó là năng lực nội tại của các doanh nghiệp ngành du lịch. Sau thời gian quá dài chật vật vì dịch lại ít nhận được các chính sách hỗ trợ, nhân lực có chuyên môn rơi rụng không ít, việc trở lại đường đua đón khách lần này không hề dễ dàng đối với các công ty du lịch.