Được xem tài liệu mật và được xóa
Tháng 3-2020, Orestis Papakyriakopoulos, nhà nghiên cứu tại Đại học Princeton, đã đăng ký sử dụng một công cụ truy cập dữ liệu đặc biệt cho phép các học giả tiến hành nghiên cứu của họ trên Facebook. Mục tiêu của ông là điều tra hoạt động vận động chính trị trên MXH. Tập dữ liệu chứa thông tin về các quảng cáo liên quan đến bầu cử, cách chúng được phân phối, nhắm đến ai và chi phí ra sao.
Nhưng Papakyriakopoulos đã rút đơn đăng ký vì “sự kiểm soát hà khắc” đối với quyền truy cập được ghi trong hợp đồng. Theo đó, Facebook có quyền xem các bản nháp trước ngày công bố hoặc tiết lộ, cũng như có quyền xóa những thông tin được công ty phân loại “mật”. Vấn đề là không có định nghĩa rõ ràng về “thông tin mật” của Facebook, có nghĩa họ có thể xóa bất kỳ thứ gì họ muốn. Papakyriakopoulos nói: “Chúng tôi vừa bắt đầu dự án, đột nhiên có ai đó nói rằng chúng tôi không thể xuất bản”. Facebook cho biết hợp đồng này không thể thương lượng vì nó được ủy quyền bởi các nhà quản lý sau vụ bê bối Cambridge Analytica. Nhưng Papakyriakopoulos cho rằng đó chỉ là “cái cớ Facebook đang sử dụng”.
Câu chuyện của Papakyriakopoulos là một trong vô số thí dụ về mối quan hệ không mấy dễ chịu của Facebook với các nhà nghiên cứu. Và ngày càng có nhiều học giả phàn nàn rằng Facebook đặt quá nhiều rào cản hoặc cố gắng bóp nghẹt các nghiên cứu có thể phanh phui sự tiêu cực của nó.
Nội bộ trong Facebook cũng phản ứng
Không chỉ với các nhà nghiên cứu bên ngoài, Facebook cũng “cơm không lành, canh không ngọt” với chính các nhà nghiên cứu của công ty. Gần đây, Frances Haugen tiết lộ nhiều tài liệu của các nhà nghiên cứu nội bộ đã bị công ty chôn vùi. Đó là những thông tin sai lệch về bầu cử trên Facebook, đến các bài đăng trên Instagram làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe tâm thần ở các cô gái tuổi teen. Tiết lộ của Haugen đưa đến nhìn nhận rằng Facebook đặt mục tiêu “tăng trưởng bằng mọi giá”, bất chấp những chỉ trích ngày càng tăng về tác động của MXH này đối với xã hội và chính trị.
Một số học giả và nhà nghiên cứu độc lập cho biết, họ lo ngại việc công ty giữ dữ liệu của mình. “Facebook đang cố gắng ngăn chặn các nghiên cứu trên nền tảng của mình một cách có hệ thống. Điều này đi ngược các nguyên tắc của giới học thuật và lợi ích công cộng. Nó gần nhất với những gì Big Tobacco đã làm: Thành lập các viện nghiên cứu và vận hành các nghiên cứu không thực sự là nghiên cứu” - một nhà nghiên cứu đã làm việc trong một dự án nghiên cứu do Facebook tài trợ, cho biết.
Những tiết lộ của Haugen và những lời phàn nàn của các nhà nghiên cứu cùng chỉ ra một vấn đề: Công ty không muốn công chúng hiểu được cách các thuật toán trên nền tảng truyền thông xã hội của họ hoạt động như thế nào. “Tiết lộ lớn nhất từ các tài liệu của người tố giác Frances Haugen, là những gì Facebook có thể che giấu - và điều đó áp dụng cho tất cả công ty Big Tech, chúng hoàn toàn không rõ ràng” - Emma Briant, nhà nghiên cứu tại Đại học Mỹ ở Washington DC, cho biết.
Lái các nghiên cứu độc lập
Papakyriakopoulos không phải là nhà nghiên cứu duy nhất có thể chùn bước trước các điều kiện do Facebook áp đặt. Vào tháng 8, Facebook đã vô hiệu hóa quyền truy cập vào các nền tảng của mình đối với 2 nhà nghiên cứu tại Đại học New York, cho rằng họ đã vi phạm các nguyên tắc của Facebook. Nhưng các nhà nghiên cứu cáo buộc Facebook đã khuếch đại thông tin sai lệch về đảng phái trong các quảng cáo của họ.
Facebook cũng bị cáo buộc can thiệp vào công việc của các nhà nghiên cứu độc lập mà họ tài trợ. Năm 2020, Facebook đã quyên góp 1 triệu USD cho Đối tác chống lại các hoạt động gây ảnh hưởng (PCIO), đó là một dự án nghiên cứu trong Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, một tổ chức tư tưởng phi đảng phái ở Washington DC. Mục đích nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tra độc lập về tác động của thao túng trực tuyến và thông tin sai lệch. Mặc dù là dự án nghiên cứu thực sự, nhưng do ảnh hưởng của Facebook nên dự án nghiên cứu này có lợi cho Facebook.
Rebekah Tromble, Giáo sư tại Đại học George Washington, người nghiên cứu sự lan truyền của thông tin sai lệch trên mạng, cho biết Facebook đã sử dụng GDPR, luật bảo mật của châu Âu, như cái cớ để ngăn chặn quyền truy cập vào dữ liệu các nhà nghiên cứu yêu cầu. GS. Tromble là một trong các thành viên ban đầu của Social Science One, một sáng kiến phi lợi nhuận do các giáo sư Harvard và Stanford thành lập năm 2018, nói: “Điều các nhà nghiên cứu và các nhà khoa học xã hội đặc biệt quan tâm, là nếu muốn hiểu nguyên nhân và kết quả chúng ta phải có khả năng xem xét dữ liệu ở cấp độ người dùng cá nhân. Nhưng Facebook nói không và sử dụng GDPR làm rào cản họ thực hiện điều này”.