Theo dõi báo trên:
Theo báo cáo của NHNN, đến cuối tháng 6, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2022, các NHTM đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình/gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 0,5-3,0%/năm tùy đối tượng khách hàng đối với các khoản vay mới.
6 tháng đầu năm, tín dụng tăng 4,73%, NHNN đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng (TCTD) với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%.
“Trong những tháng đầu năm 2023, do tác động của rất nhiều chiều, một là khó khăn của nước ta sau 2 năm dịch vẫn còn, hai là tình hình biến động kinh tế thế giới còn phức tạp, tín dụng của ngân hàng cũng bị tác động rất nhiều, tuy nhiên, vẫn có những chỉ tiêu lớn Ngân hàng Nhà nước đảm bảo được là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát kỳ vọng đặt ra, giá trị đồng tiền được duy trì ổn định, lãi suất được điều hành rất quyết liệt”, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN cho biết.
Việc NHNN giảm lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp trong những tháng vừa qua được nhận định là bước đi cần thiết để tăng khả năng tiếp cận vốn, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ. Nhiều ý kiến nhận định, mặt bằng lãi suất còn dư địa hạ thêm trong năm nay.
“So với cuối năm 2022, mặt bằng lãi suất đã giảm khoảng 2,5-3%. Chúng tôi có những gói ưu đãi để giúp khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ví dụ gói 7,99% cho vay ngắn hạn và 10,49% cho vay dài hạn”, ông Bùi Thành Trung, Phó Tổng giám đốc OCB cho hay.
Đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 1 năm qua. Kể từ đầu năm 2023 đến nay, tỷ giá USD/VND biến động quanh mức 23.240-23.630 VND/USD, biên độ +/- 1,9% so với tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước. Đây được xem là mức ổn định hơn đáng kể so với năm 2022 khi có lúc đỉnh điểm lên tới 24.692 VND/USD, tăng 4,2% so với tỷ giá trung tâm.
Báo cáo triển vọng nửa cuối năm của đa số các tổ chức tài chính đều cho rằng, triển vọng đồng USD nửa cuối năm 2023 là tích cực (Ảnh minh họa: KT)
Yếu tố quan trọng hỗ trợ tỷ giá ổn định thời gian qua là nguồn cung ngoại tệ tăng tích cực trên nhiều lĩnh vực. Dễ thấy nhất là khách quốc tế lưu trú dài ngày hơn và chi tiêu nhiều hơn. Gần 5,6 triệu khách quốc tế đã đến Việt Nam từ đầu năm đến nay. Cùng với đó, hàng hóa tiếp tục xuất siêu hơn 12 tỷ USD bổ sung lớn cho nguồn cung ngoại tệ trong nước.
Cuộc đua tăng lãi suất trên toàn cầu khiến các tập đoàn đa quốc gia chần chừ trong đầu tư, tuy nhiên, dòng vốn FDI vào Việt Nam thời gian vừa qua vẫn giải ngân hơn 10 tỷ USD. Sự phối hợp đồng bộ chính sách sẽ giảm thiểu áp lực tỷ giá của Việt Nam năm nay.
“Khi tỷ giá được bình ổn đã giúp đỡ khá nhiều cho các doanh nghiệp logistic và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói chung. Phí dịch vụ quốc tế đường biển hay đường không đều phải thanh toán bằng đồng USD”, ông Trần Đức Nghĩa - Tổng Giám đốc CTCP Quốc tế Delta nói.
Báo cáo triển vọng nửa cuối năm của đa số các tổ chức tài chính đều cho rằng, triển vọng đồng USD nửa cuối năm 2023 là tích cực. Kỳ vọng chung là đồng tiền này sẽ neo ở mức cao nhờ lãi suất hấp dẫn và vai trò nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn. Dù sẽ biến động theo chu kỳ vào cuối năm khi nhu cầu ngoại tệ tăng cao để thanh toán đơn hàng quốc tế, song các chuyên gia nhận định không gây ra xáo trộn đáng kể.
Những yếu tố thuận lợi từ đầu năm sẽ tiếp tục được duy trì, tạo sự ổn định cho giá trị đồng tiền Việt Nam trước biến động thế giới.