Gập ghềnh “xa lộ” xuất khẩu vào EU

(ĐTTCO) - Nhắc đến Liên minh châu Âu (EU), nhiều người sẽ nghĩ ngay đến thị trường có nhiều tiêu chuẩn khắt khe với hàng nhập khẩu. Và những tiêu chuẩn ấy đang ngày càng được nâng cao hơn về độ khó. Liệu điều đó có cản bước doanh nghiệp (DN) Việt khi đưa hàng vào thị trường lớn này? 
Thanh long xuất khẩu vào EU hiện nay phải qua rất nhiều khâu kiểm tra với tỷ lệ kiểm tra rất lớn và buộc DN xuất khẩu phải tuân thủ luật chơi tiêu chuẩn cao.
Thanh long xuất khẩu vào EU hiện nay phải qua rất nhiều khâu kiểm tra với tỷ lệ kiểm tra rất lớn và buộc DN xuất khẩu phải tuân thủ luật chơi tiêu chuẩn cao.
Nhiều thách thức
Ngày 20-6, Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VinaFruit) đã gửi công văn đến văn phòng SPS Việt Nam, đề nghị làm việc lại với phía EU để giảm tần suất kiểm tra với thanh long và rau gia vị khi xuất sang thị trường này. Trước đó, theo thông báo ngày 13-6 của EU, tỷ lệ kiểm tra lấy mẫu thanh long (để kiểm tra dư lượng hóa chất tồn dư) 20% và tỷ lệ kiểm tra với rau gia vị 50%.
VinaFruit cho biết tỷ lệ kiểm tra này quá cao, như thanh long xuất khẩu 10kg mất 2kg do kiểm tra, khiến lợi nhuận của DN bị ăn mòn. Thời gian kiểm tra dài (4 ngày) làm ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm, chưa kể khi lô hàng không đạt yêu cầu của EU, DN còn phải chịu phí “quay đầu”. Tỷ lệ kiểm tra VinaFruit kiến nghị là 3%, hoặc EU có thể chỉ định một cơ quan kiểm định tại Việt Nam giúp kiểm tra hàng trước khi xuất khẩu. 
Không chỉ rau quả, thủy sản xuất khẩu cũng đang gặp khó do các tiêu chuẩn khắt khe từ EU. Theo đó, từ 3-5-2022, các DN xuất khẩu thủy sản phải áp dụng dư lượng tối đa thủy ngân có trong sản phẩm dao động 0,3-1 microgram/kg tùy loại sản phẩm. Không chỉ với sản phẩm, mà với bao bì các nhà nhập khẩu châu Âu cũng có những đòi hỏi cao hơn.
Hiện một số DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã nhận được yêu cầu về thay đổi chất lượng bao bì để đáp ứng được yếu tố thân thiện môi trường, cùng các đòi hỏi nghiêm ngặt khác. Điều này buộc các DN Việt phải tìm kiếm nhà cung ứng mới, chi phí cũng bị nâng cao hơn, nhưng DN không còn lựa chọn khác vì đây là thị trường lớn và lâu dài của thủy sản xuất khẩu. 
Dệt may cũng là ngành đang được nhắc đến nhiều trước những quy định mới của EU. Hiện chiến lược phát triển bền vững và tuần hoàn cho dệt may tầm nhìn đến năm 2030 đang được các nước châu Âu rất quan tâm. Chiến lược này quy định các sản phẩm dệt may vào thị trường EU phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và sửa chữa được. Tất cả thông tin trên đều phải có chứng nhận kỹ thuật số.
Một số tiêu chuẩn chính sẽ được áp dụng từ năm 2024. Để đáp ứng được các yêu cầu này, nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất của DN phải thay đổi. Thực tế, những năm qua các tiêu chuẩn của EU với ngành dệt may được đưa ra liên tục, đặc biệt là các tiêu chuẩn xanh hóa như môi trường và cắt giảm phát thải, thực hiện trách nhiệm xã hội… Và tiêu chuẩn sau luôn đòi hỏi khắt khe hơn tiêu chuẩn trước. Lần này cũng không ngoại lệ. 
Xanh hóa hiện đang được xem là con đường bắt buộc các DN phải đi, không phải lựa chọn có quyền đi hay không. Trong buổi họp báo giới thiệu về triển lãm và diễn đàn kinh tế xanh do Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức hồi cuối tháng 5 vừa qua, đại diện  EuroCham, cũng khẳng định: Với yêu cầu của các nước nhập khẩu, DN sản xuất chỉ có con đường tất yếu là phải xanh hóa quá trình sản xuất. Vì vậy, áp lực tăng trưởng xanh tại Việt Nam đến từ mọi phía. 
Ứng phó được không? 
Trước khi Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, mặt hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam tuy được hưởng thuế suất ưu đãi theo hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập, nhưng vẫn ở mức khá cao 10-20%. Khi EVFTA có hiệu lực (ngày 1-8-2020), cánh cửa dường như đã rộng hơn rất nhiều, khi rau quả nằm trong top đầu ngành hàng được hưởng ưu đãi thuế quan.
Cụ thể có đến 94% trong số 547 dòng thuế nhóm hàng rau quả tươi và chế biến được EU cắt giảm về 0%, trong đó có nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Thế nhưng gần 2 năm kể từ ngày EVFTA có hiệu lực, rau quả Việt vẫn chiếm thị phần khiêm tốn dưới 1% ở EU, dù thị trường này có nhu cầu nhập khẩu hàng năm rất cao. 
Nguyên nhân là EU đòi hỏi rất khắt khe với mặt hàng rau quả nhập khẩu. Mỗi loại trái cây hay rau quả thường phải đáp ứng những yêu cầu riêng khi xuất khẩu. Trong khi Việt Nam vẫn còn thiếu tính đồng bộ và liên kết trong sản xuất, thiếu những vùng trồng quy mô lớn đạt tiêu chuẩn, nên cơ hội tưởng nằm trong tay nhưng lại chưa nắm bắt được. Thêm việc EU không có đại diện kiểm dịch tại Việt Nam nên gây khó khăn rất lớn cho DN. 
Vậy lời giải cho bài toán thanh long, rau gia vị cũng như các loại rau quả khác khi muốn vào thị trường EU, có ý kiến cho rằng DN cần kiểm soát chất lượng ngay từ trong nước, khi nào đảm bảo 100% về lô hàng hãy xuất khẩu. Trước ý kiến này một DN chuyên xuất khẩu trái cây cho rằng, để làm được phải có vùng trồng và DN phải kiểm soát được tất cả khâu.
Những vùng trồng như vậy vẫn còn quá ít ở Việt Nam và nếu chỉ DN ứng phó sẽ rất khó mở rộng thị phần ở thị trường lớn EU. Thực tế, khi nước nhập khẩu đã đưa ra quy định, nước xuất khẩu chỉ còn 2 lựa chọn là tìm cách thích ứng hoặc mất đơn hàng. Trong khi đó, việc mất đơn hàng ở thị trường lớn như EU là điều khó chấp nhận với một số ngành hàng của Việt Nam, cụ thể như ngành dệt may. Điều này có nghĩa DN chỉ còn cách thích ứng. 
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho rằng ngành dệt may tự tin và có thể thích ứng với những quy định mới. Những năm gần đây nhiều DN lớn trong ngành may như May 10, Việt Thắng Jeans, Phong Phú… đang đầu tư công nghệ để từng bước đáp ứng những yêu cầu xanh hóa của các thị trường lớn, trong đó có EU. VITAS đặt ra mục tiêu xanh hóa với kế hoạch đến năm 2023, giảm 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước.
Đến năm 2030, chuyển đổi xanh hóa ngành dệt may Việt Nam, đồng thời xây dựng được 30 thương hiệu mang tầm quốc tế. Dù vậy, để xanh hóa cần đầu tư bài bản với nguồn lực không nhỏ. Trong khi ngành dệt may có tới 70% DNNVV. Vì vậy, các DN này có đủ nguồn lực để xanh hóa hoạt động sản xuất của mình hay không, vẫn là câu hỏi cần thời gian trả lời. 
Việc EU siết chặt những quy định về sản phẩm xuất khẩu đòi hỏi DN Việt phải tuân thủ luật chơi tiêu chuẩn cao, nếu muốn xuất khẩu bền vững sang thị trường khó tính, giá trị cao này.

Các tin khác