Và mới đây Chính phủ yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung/kéo dài thời gian thực hiện thông tư này. Xem ra với thông tin này, bên cảm thấy “nhẹ nhõm” nhất có lẽ là ngân hàng (NH).
Chưa hết hạn nhưng đã xem xét…
Theo báo cáo gần đây của NHNN, sau 8 tháng triển khai Thông tư 02 (lũy kế từ ngày 24-4-2023 đến ngày 30-11-2023), tổng dư nợ bao gồm gốc và lãi được tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 171.083 tỷ đồng, với 175.581 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Số dư nợ được cơ cấu nợ tăng đều qua các tháng và hiện không phát sinh khó khăn, vướng mắc về quy định tại Thông tư 02.
Nhìn qua hàng loạt báo cáo của NHNN về kết quả các chương trình hỗ trợ từ chính sách tiền tệ thời gian qua, cũng thấy việc triển khai Thông tư 02 ban đầu chậm, nhưng về sau diễn biến thuận lợi hơn so với các chương trình khác. Dẫu vậy, Thống đốc NHNN cho biết về hành lang pháp lý, NHNN đang rà soát sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật và vẫn dựa trên nguyên tắc tháo gỡ khó khăn, nhưng phải quản lý chặt chẽ rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống.
Gia hạn Thông tư 02 cần đi kèm thanh tra, giám sát hoạt động này diễn ra thế nào, ai được hưởng lợi từ quy định này, từ đó đưa hỗ trợ đại trà DN thay vì tập trung cục bộ ở một nhóm nào đó.
Tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô ngày 7-12-2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó NHNN được giao 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung/kéo dài thời gian thực hiện đối với một số thông tư, trong đó có Thông tư 02, nhằm phù hợp với tình hình thực tế, ổn định thị trường tiền tệ, an toàn hệ thống các TCTD.
Vẫn còn 6 tháng nữa Thông tư 02 mới hết hiệu lực, nên có thể nói ngành NH đã có tinh thần chuẩn bị sớm để hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Bởi Thông tư 02 giúp DN và người đi vay (gồm cả vay tiêu dùng) giảm áp lực tài chính, áp lực trả nợ và nợ xấu khi được cơ cấu lại, không phải chuyển nhóm nợ, tiếp tục được tiếp cận vốn vay mới duy trì sản xuất kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng.
Tuy nhiên, năm 2023 lại càng đặc biệt hơn khi dòng tín dụng có dấu hiệu bị nghẽn. Tăng trưởng tín dụng thấp, đến ngày 13-12 chỉ mới tăng 9,87% so với cuối năm 2022. DN tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn, trong khi dư địa tăng trưởng tín dụng còn lại toàn hệ thống để các TCTD mở rộng tín dụng rất lớn, khiến các cơ quan quản lý sốt ruột và tìm mọi cách để khơi thông. Thế nên, việc kéo dài quy định cơ cấu nợ cũng được xem là điều hợp lý.
Song lần này có lẽ không chỉ do nguyên nhân đó, còn có nguyên nhân khác tác động đến việc cần kéo dài Thông tư 02. Đó là câu chuyện liên quan đến nợ xấu NH. Gia hạn Thông tư 02 sẽ giúp các nhà băng giảm bớt nợ xấu trên sổ sách…
Gỡ khó cho cả DN và NH
Thực tế, từ số liệu báo cáo tài chính của ngành NH cho thấy nợ xấu mỗi ngày càng căng thẳng hơn. Tổng nợ xấu tại 28 NH tính đến cuối tháng 9 đạt hơn 210.000 tỷ đồng. Đồng thời, 9/28 NH có tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vượt ngưỡng 3%, thậm chí có nhà băng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu vượt mức 26%. Xét về cơ cấu nợ xấu, nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng 119%, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 69% và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 12% so với đầu năm.
Trong cơ cấu tín dụng, 9 tháng năm 2023, tín dụng kinh doanh bất động sản tăng trưởng 21,86%, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước. Song tỷ lệ nợ xấu của tín dụng bất động sản cũng tăng ở mức 2,89%, trong khi cuối năm 2022 chỉ ở mức 1,72%.
Báo cáo của NHNN gửi Quốc hội, cho biết tỷ lệ nợ xấu nội bảng cuối tháng 7 là 3,56% (tương đương 440.000 tỷ đồng), cao hơn mức 2% cuối năm 2022 và mức 1,69% cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng cộng với nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của toàn hệ thống TCTD là 6,16% so với tổng dư nợ tín dụng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho biết ngoài 440.000 tỷ đồng nợ xấu nội bảng, nợ đọng trái phiếu DN quá hạn, không trả đủ nhà đầu tư là khoảng 190.000 tỷ đồng.
Các dự báo được đưa ra gần đây cũng nói rằng nợ xấu khả năng vẫn chưa đạt đỉnh. Đỉnh của nợ xấu sẽ chính thức bắt đầu khi Thông tư 02 hết hiệu lực. Trong khi đó, hành lang pháp lý xử lý nợ xấu sẽ có nhiều khoảng trống khi Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu sẽ hết hiệu lực vào ngày 31-12, nhưng Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) chưa thông qua.
Vì vậy, chỉ còn kỳ vọng vào việc nối dài Thông tư 02. Khi áp dụng quy định này, các TCTD vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng bổ sung theo lộ trình (50% năm 2023 và đủ 100% đến hết năm 2024), nhưng sẽ giảm bớt được áp lực trích lập so với thực tế, giảm bớt áp lực nợ xấu và có thể duy trì cho vay đối với bên được cơ cấu lại nợ.
Hiện nhiều chuyên gia đồng tình với việc gia hạn thời gian cho Thông tư 02 thêm khoảng 1 năm, tức đến giữa năm 2025. Vì 2 thị trường trái phiếu và bất động sản khó có thể phục hồi trước nửa đầu năm 2024 và các DN cũng còn gặp nhiều khó khăn.
Nhưng rõ ràng, khi ban hành Thông tin 02 là mang lại tin vui với các DN, giờ đây nếu kéo dài quy định này có lẽ là tin vui cho NH. Kéo dài cơ cấu nợ, DN vẫn phải trả lãi nhưng NH sẽ giảm áp lực nợ xấu. Thậm chí, một số lo ngại việc này còn hỗ trợ các công ty sân sau NH?