Các tổ chức nghiên cứu thị trường 'quay xe' sau Thông tư 02

(ĐTTCO) - Đúng như các dự báo đưa ra vào cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu của các nhà băng đã chuyển sang gam màu tối hơn ở thời điểm vào cuối quý I-2023, thậm chí nhiều NH ghi nhận nợ xấu vượt tỷ lệ 3%.
Thông tư 02 giúp các ngân hàng tránh được trích lập dự phòng cao do nợ xấu tăng vọt.
Thông tư 02 giúp các ngân hàng tránh được trích lập dự phòng cao do nợ xấu tăng vọt.

Tuy nhiên, mới đây NHNN ban hành Thông tư 02/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng… như là một “cứu cánh” cho các NHTM ngăn đà tăng nợ xấu nội bảng, giảm áp lực trích lập dự phòng.

Nợ xấu quý I ảm đạm

Tại báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vào cuối tháng 4, NHNN cho biết tính đến cuối tháng 2-2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD là 2,91%. Trước đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng cuối năm 2021 là 1,49% và cuối năm 2022 là 2%. Cũng theo NHNN, tuy các TCTD báo cáo tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức dưới 3%, nhưng qua rà soát, đánh giá, NHNN nhận thấy có một số khoản dù chưa phải là nợ xấu theo quy định của pháp luật hiện hành nhưng có nguy cơ chuyển nợ xấu (như các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...).

Nếu ghi nhận cả những khoản này, NHNN xác định tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý, và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các TCTD đến cuối tháng 2-2023 ước chiếm tỷ lệ 5% so với tổng dư nợ.

Tại thời điểm này, các nhà băng cũng đã công bố báo cáo tài chính quý I-2023, trong đó số liệu nợ xấu càng đáng quan tâm. Vietcombank ghi nhận số dư nợ xấu tăng 27,1% trong 3 tháng đầu năm, trong đó nợ nhóm 3 tăng 6 lần lên mức 2.524 tỷ đồng, nợ nhóm 4 tăng 25,2% lên gần 980 tỷ đồng.

Số dư nợ xấu của VietinBank tăng thêm 1.234 tỷ đồng nợ xấu, tương ứng mức tăng 7,8%, đưa tổng nợ xấu lên 17.035 tỷ đồng. Số dư nợ xấu của BIDV tăng hơn 40% lên mức 24.728 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 3 tăng 127% lên 7.145 tỷ đồng, nợ nhóm 4 tăng 59% lên 4.283 tỷ đồng và nợ nhóm 5 tăng 13% lên 13.300 tỷ đồng.

Nhóm “ông lớn” này cũng ghi nhận sự tăng vọt của nợ nghi ngờ (nợ nhóm 2) trong 3 tháng đầu năm. Cụ thể, nợ nhóm 2 tại BIDV tăng thêm 11.402 tỷ đồng, tại VietinBank tăng thêm 5.660 tỷ đồng và tại Vietcombank tăng thêm gần 3.460 tỷ đồng.

Với các NHTMCP như MB cũng ghi nhận số dư nợ xấu tăng 68% so với cuối năm 2022, từ 5.030 tỷ đồng cuối năm 2022 lên mức 8.452 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,09% lên 1,7%. Tương tự giá trị nợ xấu của TPBank tăng 84% lên 2.496 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu từ 0,84% cuối năm 2022 lên 1,45% cuối quý I. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của NamABank tăng từ 1,63% hồi đầu năm lên 2,01%, tại Eximbank tăng từ 1,8% lên 2,3%, VPBank tăng từ 2,19% lên mức 2,6% vào cuối quý I-2023…

Đáng chú ý, đã có một số nhà băng có tỷ lệ nợ xấu vượt mức 3%. Chẳng hạn, số dư nợ xấu của OCB tăng gần 50% so với cuối năm 2022 lên hơn 4.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,2% lên 3,3%; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của BaoVietBank tăng từ mức 3,34% đầu năm lên 4,69% và nợ nhóm 5 chiếm 86% trong tổng nợ xấu; tỷ lệ nợ xấu của ABBank tăng vọt lên trên 4,03% từ mức 2,88% vào cuối năm 2022…

Thông tư 02 sẽ là "cứu cánh"

Nợ xấu của các NH đã bắt đầu tăng nhanh trở lại từ quý III-2022, sau khi chính sách cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất cho khách hàng ảnh hưởng do dịch Covid-19 hết hạn vào ngày 30-6-2022. Năm 2023, nợ xấu đã được dự báo sẽ xấu hơn khi các DN tiếp tục lao đao.

Tại mùa đại hội cổ đông vừa qua, ban lãnh đạo các NH chỉ ra thêm nguyên nhân khiến tỷ lệ nợ xấu tăng, là khách hàng có nợ xấu ở NH A sẽ được cập nhật trên Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), dẫn đến việc bị xếp vào nhóm nợ xấu hơn nếu đang có khoản vay ở NH B, dù vẫn trả đầy đủ nợ gốc và lãi. Một lý do khác là tín dụng đầu năm tăng chậm, số dư nợ xấu tăng nhanh, đã đẩy tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ lên cao và dự báo điều này sẽ còn tiếp diễn ở quý II-2023.

Tuy nhiên, hiện tại các NH có thể thở phào nhẹ nhõm vì Thông tư 02, cho phép các TCTD chủ động cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn về tài chính cho đến hết tháng 6-2024. Thực chất, mục đích của Thông tư 02 là tháo gỡ những vấn đề về thanh khoản của các DN, hỗ trợ các DN có nền tảng tốt, trong đó bao gồm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN bất động sản như chỉ đạo của Chính phủ.

Nhưng DN được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ chỉ được hỗ trợ điều chỉnh về thời hạn trả nợ, giảm áp lực trả nợ ngay lập tức. Và trong thời gian đó, DN vẫn phải thực hiện nghĩa vụ trả lãi cho NH. Còn việc DN có thể vay mới hay không vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ. Vì muốn vay vốn, DN phải đáp ứng các điều kiện về “sức khỏe” cần thiết, song nếu đã nằm trong diện cơ cấu nợ, DN sẽ khó đáp ứng được.

Ngược lại với NH, khi áp dụng chính sách cơ cấu cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, các khoản nợ có vấn đề sẽ được khoanh lại, không nhảy sang nhóm nợ xấu, tức là sẽ ngăn gia tăng nợ xấu nội bảng. Điều này cũng có lợi cho các NH có tỷ lệ nợ xấu gần 3%, vì các tổ chức này sẽ có thêm phương án để giữ tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3%. Bên cạnh đó, nhà băng “né” được cú sốc trích lập dự phòng cao do nợ xấu tăng vọt.

Vậy nên sau khi Thông tư 02 được ban hành, các tổ chức nghiên cứu thị trường bắt đầu rục rịch “đổi chiều” dự báo về tăng trưởng lợi nhuận của các NH trong năm nay về chiều hướng khả quan hơn.

Theo tính toán, nếu ghi nhận cả những khoản “nguy cơ trở thành nợ xấu”, thì tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý, và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các TCTD đến cuối tháng 2-2023 ước chiếm tỷ lệ 5% so với tổng dư nợ.

Các tin khác