Thực tế, hiện nay giá phân urê mà Đạm Phú Mỹ giao cho đại lý Cấp 1 đang là 11,5 triệu đồng/tấn. Còn giá phân urê mà Đạm Cà Mau giao cho các đại lý cấp 1 là 10,8 triệu đồng/tấn.
Như vậy, giá đến tay người tiêu dùng cuối cùng là người nông dân còn cao hơn rất nhiều lần và hai nhà máy sản xuất phân bón hàng đầu Việt Nam này đang hưởng siêu lợi nhuận từ đợt tăng giá phân bón hiện nay.
Chỉ có một khách hàng duy nhất chịu thiệt hại, đó là người nông dân – những người thường được xem là yếu thế trên thị trường nông nghiệp, mặc dù là người trực tiếp làm ra sản phẩm nông nghiệp và là khách hàng cuối cùng của doanh nghiệp sản xuất phân bón.
Con số không biết nói dối
Mới đây, Bộ Công Thương đã lên tiếng về việc các địa phương đề nghị dừng xuất khẩu phân bón, trước tình hình giá phân bón trong nước tăng cao, gây khó khăn cho người nông dân.
Bộ Công thương giải thích, Luật Quản lý ngoại thương 2017 có quy định: “Có thể áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu đối với hàng hóa trong trường hợp mất cân đối nghiêm trọng của cán cân thanh toán, hoặc các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, lượng phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu cơ bản đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước nên không có cơ sở để dừng xuất khẩu phân bón.
Theo số liệu từ Tổng Cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2021 Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 2,3 triệu tấn phân bón, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020.
Lượng phân bón xuất khẩu của Việt Nam đang tăng “nóng” và hoàn toàn có lí do để khẳng định giá phân bón trong nước tăng mạnh một phần do thị trường khan hiếm vì doanh nghiệp sản xuất dành nhiều cho xuất khẩu.
Ở chiều ngược lại, 6 tháng đầu năm 2021 các doanh nghiệp sản xuất phân bón của Việt Nam đã xuất khẩu ra nước ngoài 667.000 tấn phân bón, tăng tới 44,7% so với 6 tháng đầu năm 2020.
Con số thống kê của Tổng Cục Hải quan đã cho thấy điều ngược lại những tuyên bố của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.
Cụ thể, trong tuyên bố của mình, Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau cho rằng; “Nhận định về nhu cầu trong nước về phân bón tăng cao hơn cùng kỳ, Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau đã dừng, giảm mục tiêu kế hoạch xuất khẩu, mở rộng thị trường quốc tế để nỗ lực tối đa, tập trung tiêu thụ nội địa và thị trường có hệ thống phân phối truyền thống…”.
Cụ thể, theo thông tin của Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau, doanh nghiệp này đã dừng không chào bán tại các thị trường đã xác lập đối tác như Ấn độ, Srilanka, Philipine, Bangladest, Myamar…
Trước đó, thông tin được Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí đưa ra cũng khẳng định, trong 6 tháng qua, do giá phân bón tăng và nguồn cung Ure khan hiếm… nên doanh nghiệp đã hạn chế xuất khẩu và ký kết các hợp đồng xuất khẩu nhằm tập trung nguồn hàng bán ở trong nước.
Tuy nhiên, cả Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau và Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí đều không đưa ra con số cụ thể về lượng hàng xuất khẩu của mình trong 6 tháng qua để VnEconomy có thể kiểm chứng.
Như vậy, sau khi người nông dân, chính quyền các địa phương cũng như báo chí lên tiếng về việc hạn chế xuất khẩu để giúp người nông dân trong nước tiếp cận được nguồn phân bón giá hợp lý thì các doanh nghiệp sản xuất trong nước đều tuyên bố hạn chế xuất khẩu.
Nhưng thực tế, số liệu mà Tổng Cục Hải quan đưa ra cho thấy lượng phân bón xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng qua tăng tới 44,7% so với 6 tháng đầu năm 2020 lại chứng minh điều ngược lại.
Con số này không biết nói dối.
Luật không cấm điều tiết "van" xuất khẩu
Bình luận về việc Bộ Công thương dẫn quy định tại Luật Quản lý ngoại thương 2017 để đưa ra lí do không có căn cứ để dừng xuất khẩu phân bón, ông Vũ Duy Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinacam, một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu phân bón cho rằng: “Luật cũng không cấm điều tiết "van" xuất khẩu…”.
Theo ông Hải, việc giá phân bón trong nước tăng “từng ngày” như thời gian qua thì "không chỉ các doanh nghiệp sản xuất trong nước mà chính những doanh nghiệp nhập khẩu như chúng tôi cũng được hưởng lợi".
"Đúng ra chúng tôi phải cảm ơn cơ quan quản lý nhà nước, cảm ơn các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đã để giá phân bón tăng cao…", ông Hải nói.
Tuy nhiên, nếu Bộ Công thương tuyên bố Việt Nam đã cơ bản tự chủ được mặt hàng phân bón với phân urê, lân và NPK, đáp ứng khoảng 86% nhu cầu DAP và MAP của thị trường trong nước mà lại để người nông dân phải mua phân bón với giá quá cao thì nên xem xét lại.
Việt Nam có tới 70% người dân làm nông nghiệp, một mặt hàng tác động đến 70% dân số cả nước bị tăng giá cần phải được xem là “các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng”.
Chính các doanh nghiệp sản xuất trong nước phải ghìm giá bán để hỗ trợ người nông dân, khách hàng mục tiêu cuối cùng và duy nhất của mình.
Cũng theo ông Vũ Duy Hải, đến những người trong ngành như Vinacam cũng không hiểu tại sao giá phân bón urê Phú Mỹ lại cao hơn phân bón urê Cà Mau, trong khi cùng nguồn nguyên liệu sản xuất, cùng thụ hưởng chính sách như nhau. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần làm rõ việc này.
“Theo phân tích của những người trong nghề kinh doanh phân bón như chúng tôi, với những chính sách hỗ trợ mà Nhà nước dành cho Đạm Phú Mỹ từ khi đi vào hoạt đông (2004), chỉ khoảng 5 năm nhà máy này đã hết khấu hao. Điều đó có nghĩa là từ năm thứ 6 trở đi giá bán urê của Phú Mỹ chỉ vào khoảng 4 đến 5 triệu đồng mỗi tấn là đã có lợi nhuận… nhưng hiện nay giá bán đang là 11,5 triệu đồng/1 tấn”, ông Vũ Duy Hải phân tích.
Người nông dân chấp nhận giá phân bón tăng do nguồn nguyên liệu đầu vào của các nhà máy tăng. Tuy nhiên phải hợp lý vì giá phân bón tại thị trường Việt Nam đang tăng “bất thường” so với mặt bằng giá phân bón thế giới.
"Luật Quản lý ngoại thương 2017 không cấm cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra chính sách điều tiết 'van' xuất khẩu. Có thể không dừng hẳn, đặc biệt với các hợp đồng đã ký từ trước nhưng hoàn toàn có thể hạn chế số lượng xuất khẩu, không ký hợp đồng mới, đặc biệt là hợp đồng giao ngay…", ông Vũ Duy Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinacam