Không như dự báo
Tháng 10-2019, khi giá vàng tăng mạnh, David Roche, Chủ tịch Independent Strategy, đã phát biểu trên CNBC rằng giá vàng có thể tăng khoảng 30%, lên mức 2.000USD/oz vào năm 2020, tương đương 46,2 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, bước sang tháng 12 giá vàng vẫn chưa có dấu hiệu bứt phá, thậm chí đang có chiều hướng đi xuống, dao động quanh mức 1.460USD/oz, giá vàng trong nước cũng trong khoảng 41,3 triệu đồng/lượng.
Như vậy, với nhận định giá vàng sẽ tăng do lo ngại bất ổn kinh tế thế giới từ hậu quả thương chiến Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cũng như USD suy yếu từ khi Fed liên tục cắt giảm lãi suất, đã không đủ tác động lên giá vàng như Hội đồng Vàng thế giới (WGC) nhận định vàng sẽ thay trái phiếu trong tài sản dự trữ của các tổ chức tài chính đầu tư.
Dù vậy, có thể khẳng định vàng được xem là kênh đầu tư có mức tăng cao nhất trong năm 2019 so với các kênh an toàn, với mức tăng lên đến 12,8%, cao hơn lãi suất tiết kiệm khoảng 7-8% và giá USD 0,2%.
Điều này có thể làm nhà đầu tư cá nhân chú ý lại kênh vàng sau nhiều năm không hấp dẫn. Vấn đề là vàng có tăng mạnh trong các năm tới như kỳ vọng của WGC và giới đầu tư?
Phản ánh hết vào giá
Phản ánh hết vào giá
Các yếu tố dự báo về giá vàng thế giới cũng như tỷ giá ổn định và nền kinh tế tiếp tục thể hiện sự tích cực, sẽ khiến giá vàng trong nước khó lập mức tăng kỷ lục của năm 2019, nhiều khả năng trở lại mức của các năm 2017-2018, tức chỉ dao động 1-2%. |
Theo đó, sự căng thẳng của thương chiến Mỹ - Trung cũng khó tạo ra làn sóng đánh lên giá vàng. Ngay như việc Tổng thống Donald Trump vừa ký thông qua Đạo luật dân chủ và nhân quyền Hồng Kông, làm tăng thêm căng thẳng giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới, cũng không tác động đến giá vàng, thậm chí giá vàng còn đang có chiều hướng giảm nhẹ.
Điều này thể hiện thị trường chứng khoán Mỹ đang có mức tăng khá mạnh và liên tục thiết lập các kỷ lục lịch sử. Cụ thể, trong phiên giao dịch cuối tháng 11, S&P 500 và Nasdaq Composite đạt mức đóng cửa cao nhất mọi thời đại, tăng lần lượt 0,8% lên 3.133,64 điểm và 1,3% lên 8.632,49 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones cũng ghi nhận mức tăng kỷ lục, bứt phá 190,85 điểm, tương đương 0,5%, chốt phiên với 28.066,47 điểm.
Lực cản từ USD
Lực cản từ USD
Dự kiến năm 2020, với sự ổn định của cấu trúc kinh tế mới, trong đó sự suy giảm sức mua của thị trường Trung Quốc, không đủ tạo nên áp lực suy giảm mạnh của kinh tế thế giới. Đặc biệt, kinh tế Mỹ đang thể hiện sự ổn định đủ sức tạo ảnh hưởng tích cực lên các nền kinh tế khác.
Do vậy, dù Fed đã cắt giảm lãi suất nhưng USD vẫn giữ sức mạnh với mức 98 điểm. Các yếu tố này khiến giá vàng gặp lực cản để tăng. Ngoài ra, nếu quan sát giá vàng trong năm 2019 và trong 5 năm gần đây, có thể thấy mức 1.460USD/oz hiện nay là cao nên khả năng giá vàng giảm trong các tháng tới sẽ nhiều hơn tăng lại.
Trên thực tế, giá vàng trong nước chịu sự tác động mạnh nhất từ giá vàng thế giới và tỷ giá USD/VNĐ. Với dự báo giá vàng thế giới không có nhiều biến động trong giai đoạn tới, khả năng giá vàng trong nước chỉ có thể tăng nếu tỷ giá tăng mạnh, cũng như kinh tế biến động.
Hiện nay, tỷ giá là 23.120 đồng/USD, thấp hơn 0,2% so với đầu năm. Sở dĩ Việt Nam giữ được mức tỷ giá ổn định này sau đợt tăng mạnh vào quý II, do kinh tế vĩ mô ổn định với GDP năm 2019 được dự báo vượt qua mức 6,8% của kế hoạch. Cán cân thương mại 11 tháng năm 2019 tiếp tục dương 9,1 tỷ USD, cao hơn năm 2018 (6,8 tỷ USD).
CPI 11 tháng 3,78%, tăng cao hơn năm 2018 là 3%, nhưng chủ yếu do tác động mạnh của lương thực thực phẩm, các yếu tố này có thể hạ nhiệt trong thời gian tới. Lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại đang được Ngân hàng Nhà nước kiềm giữ với chính sách kiểm soát tăng trưởng tín dụng.
TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng giá vàng cuối năm giảm nhiều hơn là tăng. Nguyên nhân chính khiến vàng giảm cũng sẽ đến từ những thông tin thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung và ngân hàng trung ương các nước giảm lãi suất. Trước đó giá vàng thế giới và trong nước tăng do hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, bản chất và những tác động của cuộc chiến này không như những gì chúng ta nghĩ, bởi lợi ích các bên sẽ bị tổn hại rất nhiều nếu cứ tiếp tục căng thẳng. Trong tháng 12 này, nếu 2 bên có thể thống nhất một thỏa thuận chung sẽ khiến vàng giảm giá một lần nữa.
Dự báo giá vàng của Ngân hàng Hà Lan, trong quý I-2020, giao dịch vàng trung bình sẽ ở mức 1.500USD/ounce sau đó giảm xuống còn 1.470USD trong quý II và III và chốt quý IV ở mức 1.480USD. Cơ quan này dự báo giá vàng trung bình sẽ trong khoảng 1.485USD/ounce trong suốt năm 2020.