Chợ giảm nhỏ giọt, siêu thị kìm giá
Ghi nhận tại các tiệm tạp hóa, chợ truyền thống, giá bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm vẫn chưa giảm. Có giảm chỉ là những “phụ phẩm” như ớt (có thời điểm lên đến 90.000 đồng/kg, nay về 60.000 đồng/kg), dầu ăn loại 1 lít (giảm còn 44.000 đồng/chai)…
Trong khi đó, các mặt hàng tiêu dùng khác như đường, bột ngọt, mì gói, trứng, nước ép đóng chai, sữa… đều không giảm giá, thậm chí một số mặt hàng còn tăng giá. Đơn cử như sữa, sau 3 lần tăng theo giá xăng dầu với tổng mức 30%, đến nay vẫn đứng im!
Đại diện nhiều doanh nghiệp sản xuất cho biết, khi giá xăng dầu tăng thì giá cước vận tải cũng tăng từ 10%-15%. Nay giá xăng giảm nhưng cước vận tải chỉ giảm 5%, và các công ty cung ứng nguyên liệu cũng chưa giảm giá. Điều này tiếp tục gây ra thách thức cho doanh nghiệp và giá thành sản phẩm.
Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, trước diễn biến giá xăng dầu biến động, đơn vị đã yêu cầu UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện cùng các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp quản lý giá, cung cầu hàng hóa. Sở chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc liên quan theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường trên địa bàn, tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định nhà nước về giá hàng hóa tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi.
Đối với hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi… thì tiếp tục rà soát, hỗ trợ áp dụng chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác để giảm áp lực tăng giá bán đến tay người dùng. Đơn vị quản lý các chợ đầu mối cũng cần tăng cường kiểm tra, theo dõi số lượng hàng hóa xuất, nhập; tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn và về chợ; nắm bắt tình hình kinh doanh, kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng của thương nhân trong chợ...
Về trách nhiệm quản lý giá cả, ông Nguyễn Nguyên Phương thông tin: “Hiện nay, Thanh tra Sở Tài chính thành phố có chức năng kiểm tra, xử phạt việc niêm yết giá cả hàng hóa thuộc danh mục bắt buộc, trường hợp vượt thẩm quyền sẽ trình UBND TPHCM quyết định.
Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) sẽ độc lập hoặc phối hợp kiểm tra về nguồn gốc, việc niêm yết giá không đúng và ghim hàng, tăng giá bất thường”.
Trong khi đó, lãnh đạo Cục QLTT TPHCM cho biết, từ đầu 7 tháng đầu năm đến nay đã ra quân kiểm tra, xử phạt nhiều cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh sai phạm. Cụ thể, QLTT đã kiểm tra chuyên ngành và liên ngành với gần 42.000 vụ, trong đó xử lý khoảng 1.000 vụ vi phạm (hàng giả mạo, nhập lậu, bán không đúng giá niêm yết…) với số tiền thu nộp ngân sách hơn 21 tỷ đồng.
Theo QLTT TPHCM, các đội QLTT tại TP Thủ Đức, các quận, huyện đã nỗ lực giám sát việc kinh doanh, buôn bán nhằm góp phần “kìm cương giá cả”, ổn định thị trường. Tuy vậy, Cục QLTT TPHCM cho rằng, việc kiểm tra cũng chỉ là xử lý phần ngọn. Để góp phần giảm giá hiệu quả như kỳ vọng thì cần sự phối hợp của nhiều bộ ngành, đơn vị, chứ không riêng lực lượng QLTT trực thuộc Bộ Công thương.
Liên quan đến việc các đơn vị vận tải khai thác trên địa bàn TPHCM giảm giá cước nhỏ giọt hoặc không giảm, ngày 12-8, một lãnh đạo Sở GT-VT cho biết, theo quy định thì Thanh tra Sở Tài chính thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành những quy định của pháp luật về quản lý giá đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố; xử lý hoặc kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giá.
Đại diện Bến xe miền Đông cho biết, có 74/140 doanh nghiệp vận tải kê khai tăng giá tính từ đầu năm đến nay, nhưng hiện tại chỉ có 1 doanh nghiệp giảm giá. Đối với Bến xe miền Tây, hiện có 125 đơn vị vận tải đang hoạt động, sau đợt tăng giá nhiên liệu vào tháng 6, 7 thì có 16 đơn vị tăng giá vé từ 4%-15%, nhưng hiện nay chỉ có 4 đơn vị giảm giá từ 6%-12%.
Nhiều địa phương còn “neo” giá cao Chiều 12-8, ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết, nhằm kiểm soát tốt giá cả các mặt hàng thiết yếu trong bối cảnh giá cả xăng dầu hạ nhiệt, sở đã có kế hoạch phối hợp lực lượng QLTT, lực lượng cảnh sát kinh tế… tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh tại các chợ truyền thống thực hiện nghiêm việc niêm yết giá; đồng thời truy xuất giá cả đầu vào - đầu ra nhằm kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá. Trong khi đó, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, thông tin, vừa làm việc với Ban Chỉ đạo 389 về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành giá cả hàng hóa, dịch vụ. Hiện nay, giá xăng dầu đã giảm nhiều nhưng nhiều loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu vẫn chưa giảm giá, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. UBND tỉnh đã yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 quyết liệt triển khai công tác giám sát diễn biến thị trường, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý… Theo ghi nhận của PV Báo SGGP tại tỉnh Đồng Nai, dù giá xăng giảm nhưng giá cả các mặt hàng như: thịt bò, thịt heo, giò lụa, cá điêu hồng… vẫn “neo” ở mức giá cũ của ngày cuối tuần trước, ngày 5-8. Tại TP Đà Nẵng, mỗi ngày, các nhân viên thuộc Ban quản lý chợ Cồn đều tiến hành khảo sát giá cả của một số mặt hàng thiếu yếu đối với từng gian hàng. Tất cả tiểu thương tự niêm yết, bán theo giá niêm yết. Theo ghi nhận ngày 12-8, các mặt hàng như thịt heo, trứng gà công nghiệp... giá vẫn cao. Ông Nguyễn Văn Trừ, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng, cho biết, sở cùng các ban ngành liên tục kiểm tra về hành vi găm hàng, đầu cơ tăng giá, kiểm tra về chấp hành luật giá và đăng ký giá các mặt hành thiết yếu trong thời gian qua. Tại Lâm Đồng, giá các loại hình vận tải, cước gửi hàng hóa không có dấu hiệu giảm. Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản gửi các đơn vị vận tải trên địa bàn yêu cầu báo cáo tình hình kê khai giá, niêm yết giá của các đơn vị để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá… Bà Rịa - Vũng Tàu, giá cước vận tải hành khách của một số hãng xe giảm nhẹ từ 5.000-15.000 đồng/lượt. Tại một số chợ truyền thống, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thịt heo, gia cầm, thủy hải sản cũng đã có dấu hiệu “hạ nhiệt” nhưng mức giảm rất thấp, chỉ giảm khoảng 3%-5% so với thời điểm giá xăng dầu lập đỉnh. Tại Gia Lai, ngày 12-8, ông Nguyễn Bá Minh, Phó phòng Kế hoạch - Tài chính - Vận tải, Sở GT-VT Gia Lai, cho biết, trước tình hình giá nhiên liệu giảm, đơn vị đã có văn bản gửi các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, các bến xe khách về việc xây dựng phương án giá phù hợp với giá nhiên liệu giảm. Đến nay, đã có 7 đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện giảm giá vé từ 4%-28%, một số đơn vị vận tải khác đang tiến hành tính toán để giảm giá vé. (NHÓM PV) |