Bước vào năm 2024, thị trường lao động tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có tín hiệu khởi sắc, song vẫn còn nhiều khó khăn.
Tăng cường công tác dự báo, tạo thuận lợi trong kết nối cung-cầu gắn với triển khai các giải pháp căn cơ, lâu dài để phát triển thị trường lao động hiệu quả là giải pháp được các địa phương thực hiện ngay từ đầu năm.
Tín hiệu tích cực nhưng chưa hết khó khăn
Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Đồng Nai, trong tháng đầu tiên của năm mới 2024 cũng là tháng giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, thị trường lao động tại Đồng Nai vẫn ghi nhận nhu cầu tuyển dụng của một số doanh nghiệp, đáp ứng các đơn hàng mới.
Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Elite (Khu Công nghiệp Lộc An-Bình Sơn, xã Long An, huyện Long Thành) tuyển 1.500 công nhân may và một số nhân viên văn phòng, thợ bảo trì máy may, thợ cắt...
Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hwaseung Vina (Khu Công nghiệp Nhơn Trạch 1, huyện Nhơn Trạch) chuyên sản xuất giày thể thao tuyển 1.000 lao động có tay nghề và chưa có tay nghề.
Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Greentech Headgear (Khu Công nghiệp Nhơn trạch 2, huyện Nhơn Trạch) chuyên sản xuất và gia công các loại mũ, nón, trang phục và phụ liệu trang phục tuyển 30 công nhân may và một số lao động ở các vị trí đóng gói, làm việc ở kho thành phẩm, kho nguyên liệu, nhân viên văn phòng...
Công nhân làm nguyên phụ liệu giày da tại thị xã Tân Uyên. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thành phố Hồ Chí Minh thông tin tháng 1/2024, đơn vị tiếp nhận nhu cầu tuyển dụng lao động của 118 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, với tổng nhu cầu tuyển khoảng 21.000 vị trí việc làm.
Nhiều đơn vị, cá nhân có nhu cầu tuyển lao động phổ thông, ở các vị trí việc làm như: đóng hàng, giao hàng, giúp việc gia đình, đáp ứng nhu cầu lao động dịp giáp Tết Nguyên đán.
Nhận định về thị trường lao động những tháng đầu năm cũng như cả năm 2024, ông Trần Anh Tuấn, Chuyên gia dự báo nhu cầu nhân lực, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, phân tích năm 2024, cả nước phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) là từ 6-6,5%.
Thành phố Hồ Chí Minh - hạt nhân vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) từ 7,5-8%, phục hồi trở lại sau một năm kinh tế gặp nhiều thách thức, khó khăn.
Để đạt mức tăng trưởng đó, năm 2024, các doanh nghiệp, đơn vị tiếp tục nỗ lực sản xuất, kinh doanh, đồng nghĩa với việc thúc đẩy thị trường lao động, việc làm, tuyển dụng lao động.
Tuy nhiên, thị trường lao động cả nước nói chung, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng sẽ còn nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của tình hình thế giới, ít nhất là đến hết quý 3/2024.
Dự báo thị trường, tăng cường kết nối
Tại nhiều tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai), các đơn vị chức năng đều đang tăng cường khảo sát, dự báo tình hình lao động, việc làm, kịp thời thông tin qua nhiều kênh đến người lao động và nhà tuyển dụng, góp phần phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Lê Như Trang, trong năm 2024, thành phố tập trung các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, kết nối thông tin cung-cầu lao động, nâng cao chất lượng hoạt động của các sàn giao dịch việc làm.
Đồng thời, các đơn vị chức năng tích cực nâng cao năng lực, đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề của doanh nghiệp.
Công nhân làm việc trong Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom (Đồng Nai). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Cùng với đó, các đơn vị tổ chức tuyên truyền để doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định về an toàn vệ sinh lao động, thực hiện Bộ luật Lao động và các văn bản có liên quan đến người sử dụng lao động và người lao động trong các loại hình doanh nghiệp gắn với thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định, đảm bảo các chế độ, quyền lợi của người lao động.
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh dự báo, năm 2024, các doanh nghiệp trên địa bàn cần khoảng 300.000-320.000 chỗ làm việc, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung ở các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, thủy sản. Trong đó, nhu cầu lao động đã qua đào tạo vẫn ở mức cao, chiếm khoảng 87% tổng nhu cầu tuyển dụng.
Đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết là địa phương phát triển công nghiệp với 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động.
Năm 2023, Bình Dương tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Năm 2024, tạo thuận lợi cho người lao động có nhu cầu tìm việc và các doanh nghiệp tuyển được nguồn lao động đảm bảo chất lượng, Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh) tăng cường kết nối thông tin, hỗ trợ người lao động tiếp cận với các vị trí việc làm, nâng cấp sàn giao dịch online, tiếp tục kết nối, trao đổi thông tin, nhu cầu lao động với các tỉnh miền Tây Nam Bộ, khu vực Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và cả nước.
Tương tự, theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Long An, để phát triển thị trường lao động hiệu quả, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư; tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các hoạt động xuất nhập khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, ổn định đơn hàng sản xuất.
Địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn nhà đầu tư.
Tỉnh chú trọng thu hút đầu tư, nhất là các tập đoàn quốc tế có sản phẩm thương hiệu mạnh.
Đơn vị chức năng của tỉnh theo dõi sát tình hình lao động-việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp; tăng cường giám sát việc xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động đúng quy định pháp luật, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động; tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ người lao động mất việc làm, gặp khó khăn.
Tại Long An, số lao động đang làm việc trong các loại hình kinh tế đạt khoảng trên 982.000 người; trong đó, có khoảng 370.000 lao động làm việc trong các loại hình doanh nghiệp (lực lượng lao động chính thức), còn lại làm việc trong khu vực phi chính thức.