Giảm lãi suất, giải phóng nguồn cung BĐS

(ĐTTCO) - Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế vĩ mô, giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nếu so sánh tỷ lệ lạm phát với các nước lớn trên thế giới, Việt Nam đang ở vùng lạm phát tương đối thấp, có thể chấp nhận được.
Giảm lãi suất, giải phóng nguồn cung BĐS

Trung bình năm 2022, Việt Nam có tỷ lệ lạm phát khoảng 3,15%, trong khi Mỹ hay khu vực châu Âu có những thời điểm lên tới gần 2 con số. Năm 2022, lạm phát của Việt Nam tăng dần qua từng quý đến cuối năm. Đến tháng 1-2023, lạm phát lên tới đỉnh điểm tăng 4,89% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, từ tháng 2, lạm phát sẽ giảm dần và trong khoảng 2-3 tháng tới, sẽ xuống khoảng 3-3,5%.

Minh chứng nhận định này, ông Thế Anh dựa trên chủ yếu một số lập luận, như sức cầu tiêu dùng của Việt Nam yếu, việc tăng trưởng kinh tế chậm lại, thu nhập của người dân sụt giảm; vốn hóa của thị trường BĐS, cổ phiếu, trái phiếu sụt rất mạnh làm cầu tiêu dùng giảm; mặt bằng lãi suất ở mức cao làm tiêu dùng đắt đỏ hơn và người dân sẽ nghiêng về tiết kiệm; giá nguyên vật liệu trên thế giới đã vượt qua đỉnh…

Vậy trong năm 2023, lãi suất của Việt Nam biến động thế nào? Theo ông Thế Anh có 2 yếu tố chi phối: (1) Chúng ta phải căn cứ vào tình hình lạm phát của Việt Nam. Nếu đặt lãi suất trong mối quan hệ tương quan với tình hình lạm phát hiện nay ở Việt Nam, khả năng bảo vệ đồng nội tệ cũng như sức ép lãi suất từ bên ngoài, dư địa hạ lãi suất của Việt Nam là có.

(2) Cần theo dõi lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương (NHTW) lớn trên thế giới, đặc biệt là Mỹ. Lạm phát của Mỹ hiện nay đã qua đỉnh, vấn đề là sẽ giảm nhanh hay chậm từ mức 4,75%.

Hiện lạm phát của Mỹ trên đường giảm, có thể gập ghềnh, chậm lại, nhưng đến khoảng tháng 5 lạm phát sẽ giảm xuống khoảng 3,5%. Lãi suất của Việt Nam hiện nay đang ở đỉnh và sẽ trên đà đi xuống. Nếu thận trọng, có thể quan sát cho tới khi lạm phát của Việt Nam rõ ràng hơn vào tháng 3 và đợi cho tín hiệu rõ ràng của việc dừng tăng lãi suất của Mỹ, khi đó có thể bắt đầu hạ lãi suất ở Việt Nam.

Và nếu hạ được lãi suất sẽ khiến việc đầu tư vào các kênh tài sản hấp dẫn hơn, đặc biệt là chứng khoán hay BĐS và khả năng mua nhà để ở của người dân cũng sẽ cao hơn. Nói như chuyên gia tài chính Đào Phúc Tường, giá BĐS phải giảm đủ sâu mới có thể kích thích nhà đầu tư quay lại thị trường, giúp DN BĐS giảm đòn bẩy về tài chính. Và muốn vậy lãi suất cần phải giảm mới kích thích nhà đầu tư.

Tuy vậy, việc giảm lãi suất vẫn là chưa đủ để thị trường BĐS khởi sắc, bởi điều quan trọng nằm ở góc độ pháp lý dự án. Theo các chuyên gia, cơ quan quản lý cần giải quyết các vấn đề liên quan đến giấy phép xây dựng cũng như tính pháp lý của dự án. Đây là vấn đề quan trọng nhất, bởi trong môi trường nhiều rủi ro hiện nay, các hoạt động M&A chỉ được thực hiện khi nhà đầu tư an tâm về tính pháp lý của dự án. Vấn đề này nằm trong quyền xử lý của các nhà điều hành và cần phải được xử lý đầu tiên.

Chia sẻ quan điểm, ông Lê Hồng Khang, Giám đốc Xếp hạng tín nhiệm (FiinRatings), cho rằng trong ngắn hạn có 2 nhóm giải pháp sẽ tạo nên cú hích cho thị trường BĐS. Thứ nhất, giải phóng nguồn cung thông qua việc tạo cơ chế phê duyệt, bổ sung, cấp phép xây dựng dự án nhà ở thương mại, hỗ trợ DN BĐS trong tiếp cận vốn.

Khi vấn đề pháp lý liên quan đến dự án được tháo gỡ, DN sẽ có cơ sở để làm việc với chủ nợ liên quan nhằm đưa ra phương án tái cấu trúc về nợ vay. Thứ hai, hỗ trợ thanh khoản cho DN BĐS thông qua chính sách tín dụng cho người mua nhà bằng việc giảm lãi suất cho vay; tái cơ cấu nợ (cho phép giãn, hoãn nợ vay đến hạn phải trả trái phiếu DN và nợ vay ngân hàng).

Các tin khác