2 thông điệp rõ ràng của Chính phủ
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh đến 2 nội dung: (1) Thị trường BĐS phải tìm được điểm cân bằng giữa cung và cầu, tránh những lệch pha như hiện nay.
(2) Tất cả giải pháp đưa ra để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho DN và thị trường BĐS đều phải có chung mục đích hướng đến sự hài hòa lợi ích giữa DN, Nhà nước và người dân. Đây là 2 thông điệp rõ ràng và dứt khoát từ người đứng đầu Chính phủ gửi đến các DN BĐS.
Thông điệp thứ nhất, thị trường BĐS đang có vấn đề, trong đó lớn nhất là sự “lệch pha” cung - cầu, đã dẫn đến thị trường bị méo mó, không thể vận hành trơn tru, tắc nghẽn thanh khoản. Sự bất hợp lý cung - cầu này được xem là điểm nghẽn lớn nhất của thị trường hiện nay, đã được Bộ Xây dựng chứng minh bằng những con số cụ thể.
Theo đó, tính riêng năm 2022, nguồn cung BĐS, nhà ở khan hiếm, cơ cấu sản phẩm nhà ở nghiêng về phân khúc trung - cao cấp, trong khi nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu nghiêm trọng.
Thông điệp thứ 2 là thị trường BĐS phải hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và DN. Thủ tướng yêu cầu trong điều hành chính sách phải bảo đảm cân bằng giữa lãi suất với lạm phát, giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, giữa tăng trưởng với lạm phát, giữa tình hình trong nước và ngoài nước. Do đó, Chính phủ muốn lắng nghe từ nhiều phía, muốn những ý kiến đánh giá khách quan, trung thực tình hình thị trường BĐS.
Chỉ cần hỗ trợ về cơ chế, chính sách
Một điều đáng chú ý, những ý kiến, kiến nghị của đại diện DN BĐS đã có sự “quay xe”. Nếu năm 2022, hầu hết DN BĐS đều kiến nghị mong muốn tiếp tục được bơm thêm vốn (kiến nghị NHNN nới lỏng “room” và cho phép các NHTM bơm thêm vốn tín dụng, hay kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi các điều khoản quy định trong NĐ65 cho phép được huy động vốn qua kênh TPDN), tại hội nghị này đại diện các DN chỉ còn kiến nghị Chính phủ “hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách”.
Đơn cử, đại diện Vinhomes đề xuất Chính phủ cho những chủ trương, chính sách cụ thể và kịp thời hơn để đảm bảo thị trường BĐS vận hành được trơn tru, đẩy nhanh tốc độ thanh khoản. Hay đại diện Novaland mong muốn được hỗ trợ về cơ chế, muốn NHNN ban hành quy định cho phép các NHTM giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án BĐS từ 2-3 năm, giúp các DN có thời gian chờ thị trường hồi phục và hoàn thiện pháp lý dự án.
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, có 8 nhóm khó khăn, vướng mắc chính cần tháo gỡ: (1) Môi trường pháp lý còn nhiều điểm nghẽn, nhiều quy định còn chồng chéo, thiếu nhất quán, không rõ ràng, không được hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời, chưa phù hợp với thực tiễn…
Cùng với đó, tâm lý sợ trách nhiệm, sợ sai, đùn đẩy ở một bộ phận cán bộ công chức khá rõ nét, khiến nhiều dự án không thể triển khai được, hoặc thời gian triển khai kéo dài, muốn bán hay chuyển nhượng cũng không được, muốn thế chấp cũng không xong, muốn nộp tiền thuê cũng khó... dẫn đến bỏ hoang, tồn kho, lãng phí, tốn kém, suy giảm niềm tin.
(2) Công tác quy hoạch, thực thi và giám sát thực thi quy hoạch còn nhiều bất cập. (3) Công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. (4) Biến động về chi phí đầu tư, xây dựng rất mạnh trong khi việc ban hành nhiều đơn giá, định mức chưa kịp thời. (5) Cơ cấu thị trường mất cân đối nghiêm trọng, quan hệ cung - cầu lệch pha, giá cả chưa hợp lý.
(6) Nguồn vốn bị thu hẹp (nhất là năm 2022). (7) Hoạt động thanh tra, kiểm tra và nỗi lo hình sự hóa vẫn còn. (8) Một số khó khăn, thách thức bên ngoài như lạm phát, lãi suất và tỷ giá; rủi ro khách quan khác như thiên tai, dịch bệnh… “Muốn “cứu” thị trường BĐS và DN phải giải quyết được những điểm nghẽn này” - TS. Lực nhấn mạnh.
Đối với khó khăn về nguồn vốn và giúp DN giảm áp lực trả nợ khi đã đến hạn, theo TS. Cấn Văn Lực, Nhà nước không nhất thiết phải dùng tiền ngân sách để hỗ trợ, mà nên dùng cơ chế, chính sách và vốn đối ứng, nhất là vốn “mồi” (chủ yếu đối với NoXH). Quan điểm nữa là thị trường BĐS cũng như thị trường tài chính, cần tiến tới minh bạch và chuyên nghiệp hơn.
Đối với áp lực của DN BĐS đã đến hạn trả nợ, có thể xem xét đến phương án “đổi TP lấy BĐS” như cách Trung Quốc đã làm và tỏ ra khá hiệu quả. “Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ sửa đổi NĐ65 về TPDN riêng lẻ, nên có hướng dẫn khuyến khích DN phát hành ra công chúng; phối hợp Bộ Xây dựng có hướng dẫn đổi TP lấy BĐS. Có hướng dẫn để nhất quán thực hiện, tránh xung đột, tranh chấp sau này” - TS. Cấn Văn Lực nêu quan điểm.
Trong khi đó, GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhìn nhận hiện nay NHTM còn lo lắng hơn cả DN BĐS, vì tiền vốn cho vay đang nằm ở các dự án BĐS chưa hoàn thành sản phẩm để bán. Nếu thị trường BĐS sụp đổ, không chỉ làm DN BĐS phá sản, còn kéo theo hàng loạt ngành nghề và hoạt động kinh tế đình trệ, tất yếu sẽ kéo theo đình trệ tăng trưởng, thậm chí dẫn đến suy thoái kinh tế và sẽ cuốn theo cả hệ thống tài chính mất thanh khoản, đưa nền kinh tế rơi vào khủng hoảng.
Do vậy, việc tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc của thị trường BĐS không chỉ “giải cứu” BĐS mà chính là tháo gỡ nút thắt, khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế phát triển, đồng thời là giải pháp để giải phóng các khoản nợ của hệ thống tài chính đang nằm trong các dự án BĐS dở dang.
“Trong bối cảnh hiện nay, việc Chính phủ có thể và cần làm ngay là ban hành các nghị định kịp thời với tình hình cụ thể hiện tại, để tháo gỡ ngay những vướng mắc của thị trường BĐS, như nghị định về đất đai, nghị định quy định về quy trình, thủ tục hành chính đầu tư xây dựng các dự án BĐS, nhà ở, đô thị sao cho thống nhất. Để chí ít, khi DN BĐS muốn “gán nợ” (bán tài sản/dự án) cho NH hay các đối tác cũng có thủ tục pháp lý được đầy đủ và đàng hoàng” - GS.TS Hoàng Văn Cường nói.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhấn mạnh tất cả chủ thể phải cùng xử lý các vấn đề, các DN BĐS phải có trách nhiệm với chính mình, giải quyết các khó khăn do chính mình gây ra, không ai giải cứu cho ai.