Tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thực lực

(ĐTTCO) - Theo ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trung Thủy, một số nước áp dụng chính sách “3 lằn ranh” trong tín dụng cho thị trường BĐS. Theo đó, họ xem xét năng lực từng DN và “xả van” từ từ, không ồ ạt một lúc.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thực lực

Ban đầu là DN có chỉ số tín nhiệm “xanh”, sau đó là “vàng” còn “đỏ” thì ngưng. Họ cũng quan tâm đến dư nợ trên vốn chủ sở hữu, nợ trên tổng tài sản để quyết định cho vay hay không. Còn ngân hàng thương mại (NHTM) trước khi quyết định cho vay cũng xem xét các yếu tố trên.

Thí dụ, NHNN có chính sách mở room tín dụng, nhưng DN không đảm bảo điều kiện cũng khó để được vay. “Room tín dụng chỉ là 1 trong nhiều cánh cửa để gỡ khó cho BĐS. Song DN nào nợ quá nhiều NH cũng sẽ nói không” - ông Trung nói.

Trong tình hình tín dụng khó khăn hiện nay, nếu chúng ta “mở” thủ tục pháp lý cũng sẽ cải thiện cho DN rất nhiều, bởi đây là điểm nghẽn khiến DN BĐS đã khó lại càng khó thêm. Đơn cử, hiện nay các DN đang gặp nhiều khó khăn để thực hiện nghĩa vụ tài chính. Đây chỉ là một trong vô số ách tắc làm nhiều dự án BĐS bị ngưng trệ và Nhà nước cũng thất thu.

“Tại sao chúng ta không dùng hệ số K để tạm tính, khi có đơn giá chính thức DN bổ sung tiếp phần chênh lệch. Như DN chúng tôi có dự án nhỏ bị “tắc” về số tiền sử dụng đất. Chờ đợi quá lâu, chúng tôi nói giá nào cũng đóng để triển khai các công việc khác, đặc biệt là công tác bán hàng, nhưng vẫn không được” - ông Trung nêu thực tế.

Để khơi thông thủ tục đầu tư các dự án BĐS hiện nay, theo ông Trung nên giao quyền cho UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương được chủ động tổ chức đấu thầu, lựa chọn NĐT đối với dự án khu đô thị, nhà ở thương mại (NoTM). Về thu thuế nhà ở, đất ở áp dụng 1 trong 2 phương án thu thuế đối với nhà ở, đất ở (cá nhân, gia đình).

Theo đó, thu thuế đối với toàn bộ nhà đất ở thứ 2 trở lên của cá nhân; hoặc tăng toàn bộ mức thuế phí như lệ phí trước bạ (từ 0,5% lên 2%), thuế thu nhập cá nhân (lên tối đa 2 lần), thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (lên tối đa 5 lần)... Theo phương án 1 cần có quy định của UBTV Quốc hội. Theo phương án 2, HĐND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tự quyết định bảo đảm có lộ trình phù hợp.

Về thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên do HĐND TP quyết định, phải lấy ý kiến người dân. UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung. Đối với dự án nhà ở xã hội (NoXH), được phép đồng thời lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết và lấy ý kiến cộng đồng (mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất được tăng lên tối đa 1,5 lần so với quy hoạch hiện hữu).

Trường hợp chủ đầu tư các dự án đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án phi nông nghiệp mà chưa thực hiện các thủ tục để Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cần được Nhà nước gia hạn sử dụng đất đến trước ngày 30-6-2024...

Ông Trung cũng kiến nghị cho phép TPHCM thí điểm bổ sung hình thức “có quyền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn sử dụng đất không phải là đất ở đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng NoXH".

Ngoài ra, để tránh lãng phí tài nguyên đất, cho phép TP tổ chức triển khai đầu tư các công trình có thời hạn khai thác và sử dụng (tối đa 10 năm), không xem xét yếu tố phù hợp về quy hoạch, tại các khu đất hiện hữu chưa có kế hoạch triển khai đầu tư theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ Xây dựng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các NHTM để cho các dự án NoXH, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (giống như gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016).

Các tin khác