Đây là tiền đề có sẵn, còn để tăng tốc tiến về phía trước, giao thông xanh là một động lực quan trọng.
Xe máy điện “tương lai vận chuyển”
Trong nhiều định hướng chính sách mang tính thiết thực, cần nhắc đến Quyết định 876/QĐ-TTg của Thủ tướng về Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải. Chương trình này bao gồm 2 giai đoạn, hiện đang ở giai đoạn 1 (2022-2030), tập trung thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và sử dụng các loại phương tiện giao thông sử dụng điện.
Có thể thấy thời gian qua Việt Nam không chỉ đang làm tốt việc này ở trong nước, còn có bước tiến quan trọng là trở thành quốc gia đầu tiên xuất khẩu dịch vụ di chuyển xanh ra nước ngoài, qua việc CTCP Di chuyển xanh và Thông minh GSM của Vingroup khai trương dịch vụ taxi điện tại Lào.
Tuy nhiên, xét về mặt chủng loại, các kết quả bước đầu cho thấy, chúng ta chỉ mới khuyến khích sử dụng ô tô điện, chưa chú trọng nhiều cho xe máy điện. Bởi không giống các nước phát triển phương tiện di chuyển chủ yếu của họ là ô tô, còn Việt Nam xe gắn máy 2 bánh chiếm tỷ lệ áp đảo lưu thông trên đường (60 triệu xe so với khoảng 4,5 triệu ô tô).
Khuyến khích người dân dùng xe máy điện thay vì xe máy xăng có nhiều điểm lợi. Ngoài việc giảm khí phát thải, cải thiện chất lượng không khí ở các đô thị, càng có nhiều người mua xe điện càng giảm tiêu thụ xăng, tiết kiệm lượng ngoại tệ đáng kể dùng để nhập khẩu xăng.
Tính đến nay trên quy mô toàn cầu, việc chuyển sang sử dụng xe điện nói chung đã giúp giảm tiêu thụ dầu mỏ đến 1,8 triệu thùng/ngày. Đáng chú ý, xe 2 bánh và 3 bánh điện chiếm đến 60% mức giảm này, tức 1,08 triệu thùng/ngày.
Các rào cản và chính sách cần quan tâm
Để đẩy mạnh việc chuyển đổi phương tiện từ xe máy chạy xăng sang xe máy điện, cần có các chính sách kích thích hướng về cả 2 phía cung và cầu của thị trường, tạo điều kiện để cả 2 cán cân của thị trường được tương tác và có nhiều dư địa để tăng trưởng.
Về phía cung, chính sách liên quan đến các sắc thuế thúc đẩy tăng trưởng “xe xanh” hiện khá hoàn thiện. Từ miễn, giảm lệ phí trước bạ đến miễn, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, góp phần tạo đà cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các phương tiện giao thông xanh.
Tuy nhiên, nút thắt lớn nhất không nằm ở trình độ nghiên cứu và sản xuất, mà ở năng lực đáp ứng hiện nay của hạ tầng phục vụ xe điện. Để thúc đẩy sử dụng rộng rãi xe điện đòi hỏi hệ thống hạ tầng đa dạng, bao gồm nguồn cung cấp điện, các trạm sạc, pin và quy trình xử lý pin.
Theo đơn vị nghiên cứu xe điện Vero, có đến 87% người dùng chưa muốn mua xe điện vì trạm sạc hạn chế. Hiện hệ thống trạm sạc xe điện chủ yếu của VinFast, với hơn 150.000 cổng sạc cho xe máy điện và ô tô điện trên 63 tỉnh, thành phố, trong khi VinFast chưa có kế hoạch chia sẻ các trạm sạc công cộng này cho các hãng xe điện khác. Bên cạnh đó, hệ thống trạm sạc chung cho nhiều loại xe điện khác nhau chưa có, gây khó khăn cho doanh nghiệp xe điện mới gia nhập thị trường.
Giải pháp trước mắt là Bộ Khoa học - Công nghệ khẩn trương nghiên cứu, ban hành càng sớm bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn thống nhất về trụ/thiết bị sạc điện dành cho xe điện, phù hợp với thông lệ quốc tế. Điều này sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để các nhà sản xuất có thể nghiên cứu, thiết kế cổng sạc trước khi mở rộng thị trường tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần gói đầu tư lâu dài cho việc ưu đãi, hỗ trợ bình đẳng cho các doanh nghiệp xe điện, đặc biệt doanh nghiệp khởi nghiệp, xây dựng các trạm sạc an toàn, đúng quy chuẩn, bắt đầu từ các trạm xăng, mở rộng sang các khu vực dân cư và công cộng, thúc đẩy người tiêu dùng dần chuyển sang sử dụng xe điện.
Về phía cầu, Chính phủ cần cân đối, thiết kế các chính sách trợ giá cho người tiêu dùng muốn mua xe điện. Thí dụ, ở Mỹ khi mua các loại xe điện người tiêu dùng có thể được trợ cấp 3.750USD và tối đa lên tới 7.500USD. Hay ở Trung Quốc, trong giai đoạn 2012-2022 mỗi người dân mua xe điện đều được nhận khoản tiền hoàn trả lên tới 8.300USD do Chính phủ trợ cấp.
Hoặc ở Indonesia, từ tháng 3-2023 đã triển khai chương trình trợ cấp tài chính dành cho 50.000 ô tô điện và 200.000 xe máy điện đầu tiên trong năm, người mua sẽ được chính phủ trợ giá 5.200USD đối với ô tô thuần điện, 2.600USD đối với ô tô hybrid (xăng lai điện) và 450USD đối với xe máy điện.
Ở Việt Nam, năm 2023 đã từng có đề xuất về việc trợ giá 1.000USD cho người mua ô tô điện từ Bộ Giao thông-Vận tải. Cụ thể, trong tháng 7-2023 UBND TPHCM đã giao Sở Giao thông-Vận tải phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển TP, lập đề án về kiểm soát khí thải phương tiện giao thông, tham mưu các biện pháp hỗ trợ chuyển đổi phương tiện xe máy điện.
Công tác này nằm trong khuôn khổ Nghị quyết 98 và chiến lược quốc gia hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050. Dự kiến đề án được ban hành vào quý I-2024.
Mong rằng với tất cả nỗ lực tốt nhất, cùng với không gian chính sách rộng mở hơn do Nghị quyết 98 mang lại, TPHCM có thể sớm hiện thực hóa đề án trên, để xứng đáng vai trò là đầu tàu vững mạnh, lan tỏa tăng trưởng xanh đến các toa tàu theo sau.