Giữ 'lửa' làng nghề chằm nón lá bên dòng sông Long Hồ

(ĐTTCO)-Chính quyền địa phương đang phối hợp với các ngành chức năng xem xét phương án kết hợp phát triển làng nghề chằm nón lá Long Hồ gắn với du lịch nhằm bảo tồn, gìn giữ làng nghề truyền thống lâu đời.
Hiện ở Long Hồ chỉ còn khoảng 40 hộ làm nghề chằm nón lá. (Ảnh: Báo Vĩnh Long)
Hiện ở Long Hồ chỉ còn khoảng 40 hộ làm nghề chằm nón lá. (Ảnh: Báo Vĩnh Long)

Nằm men theo tuyến sông Long Hồ, xóm nghề chằm nón lá (khóm 6, thị trấn Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đã tồn tại hàng chục năm qua với nhiều thế hệ người dân làm nghề.

Trải qua sự phát triển thăng trầm, chiếc nón lá từng góp phần mang lại giá trị kinh tế, tạo việc làm cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, giờ đây, làng nghề đang đối mặt với nhiều khó khăn do nhu cầu của thị trường ngày thu hẹp. Từ một xóm nghề với nhà nhà làm nón lá, nay chỉ còn khoảng hơn 40 hộ làm nghề.

Người dân xóm nghề không biết chính xác nghề chằm nón lá có từ khi nào, chỉ biết nghề này bắt nguồn từ một người đàn ông gốc Huế, được mọi người gọi tên là Dố, đến nơi đây lập nghiệp rồi truyền nghề cho người dân địa phương. Từ đó, nghề chằm nón lá hình thành và phát triển.

Theo người dân địa phương, nguyên liệu chính để làm nón là lá mật cật và cây trúc. Một chiếc nón được làm ra là cả một quá trình dài với nhiều công đoạn tỉ mỉ như vuốt lá, làm khung, chuốt vành, xếp lá, chằm nón….

Vuốt lá là công đoạn đầu tiên và khá vất vả. Người thợ phải chịu được sức nóng và miết thật đều tay để làm phẳng từng sợi lá cong queo.

Bước kế tiếp là xoay lá trên khuôn. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm mới xoay lá đều, đẹp.

Ngoài ra, chằm lá đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, từng mũi kim phải đều, không để nhiều lỗ kim…

Gắn bó với nghề chằm nón lá hơn 40 năm, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng (khóm 6, thị trấn Long Hồ) chỉ dùng từ “ghiền” để nói về tình yêu nghề của mình.

Ngồi giữa những chiếc nón lá, đôi tay bà Hồng thoăn thoắt chằm từng mũi kim. Bà Hồng cho biết ngày trước, làng nghề đông vui, nhiều gia đình cùng nhau tụ họp lại một nơi vừa làm vừa nói chuyện, không khí rất “xôm tụ.”

Tuy nhiên, nhưng ngày nay, nhu cầu sử dụng nón lá không nhiều, sản phẩm làm ra tiêu thụ khó khăn, giá bán thấp…, khiến nhiều người không còn tha thiết, chỉ còn những người cao tuổi cứ bám trụ với nghề. Làng nghề dần trầm lắng.

Dẫu vậy, với tình yêu nghề, ngày ngày, bà vẫn chăm chút làm ra từng chiếc nón lá - một trong những sản phẩm đặc trưng của vùng quê miền Tây sông nước.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng chia sẻ: "Thời thịnh vượng, một tháng tôi có thể bỏ mối mấy nghìn cái nón. Tuy nhiên hiện nay, mỗi tháng tôi chỉ bán được khoảng 1.000 cái nón lá. Dù không còn thu nhập cao như trước nhưng chưa bao giờ tôi có ý định bỏ nghề. Mình làm mấy chục năm, làm riết rồi mê, không làm sẽ nhớ. Cái nghề tuy cực nhưng một thời là thu nhập chính của gia đình. Tôi mong muốn nghề được lưu truyền nhiều hơn, không để mai một những giá trị truyền thống của bà con.”

Đam mê với nghề nên dù vất vả, nhiều phụ nữ địa phương không bỏ nghề chằm nón lá. Dẫu thu nhập không cao nhưng với họ đây là nghề từng nuôi sống gia đình.

Có thâm niên gần 40 năm trong nghề chằm nón, bà Trần Thị Thu Lan (khóm 6, thị trấn Long Hồ) cho biết: “Ngày trước, nghề này còn sung túc thì cả nhà làm, bây giờ tiêu thụ khó khăn hơn nên chia nhau đi tìm việc khác. Mình lớn tuổi, sức khỏe yếu thì ở nhà. Có cái nghề ông bà truyền dạy sống được mấy chục năm nay nên giờ tiếp tục giữ. Mỗi ngày, ngoài lo cơm nước trong nhà, bà chịu khó ngồi cũng làm được 10 cái nón. Nghề này phải chịu khó, ngồi 'miết' mới có nhiều sản phẩm. Không khấm khá như trước nhưng có thu nhập phụ thêm cho gia đình.”

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Long Hồ Trương Thị Vĩnh Xuân cho biết làng nghề truyền thống chằm nón lá ở địa phương được duy trì lâu đời. Trải qua bao thăng trầm và đổi thay của cuộc sống, làng nghề đang dần thu hẹp. Người giữ nghề đa phần là phụ nữ, tranh thủ thời gian nông nhàn để chằm nón, có thêm thu nhập.

Bên cạnh đó, sự thay đổi về nhu cầu của người dân dẫn đến việc tiêu thụ nón lá ngày càng giảm đi, việc sản xuất của người dân chỉ còn ở mức nhỏ lẻ.

Để hỗ trợ người dân gìn giữ nghề truyền thống, địa phương quan tâm động viên, phối hợp với các ngành chức năng xem xét phương án kết hợp phát triển làng nghề gắn với du lịch.

Thời gian tới, nếu việc kết hợp bảo tồn làng nghề gắn với phát triển du lịch được các ngành, các cấp hỗ trợ sẽ mở ra cơ hội tốt hơn để nghề chằm nón lá được quảng bá, không bị mai một, góp phần duy trì, nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.

Theo Trưởng Phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long) Nguyễn Trọng Tín, thực hiện Đề án Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Vĩnh Long, ngành du lịch tỉnh xác định du lịch gắn với làng nghề là một trong những sản phẩm tạo nên điểm nhấn cho du lịch địa phương.

Dòng sông Long Hồ với nhiều di tích lịch sử, những ngôi nhà xưa và xóm nghề, làng nghề truyền thống như đan rổ, chằm nón, làm hủ tiếu... có tiềm năng lớn để khai thác, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch của tỉnh.

Ngành Du lịch tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng, địa phương để quảng bá về tiềm năng du lịch tại đây, đồng thời có phương án khảo sát, đánh giá, từng bước hình thành những sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, phục vụ tốt hơn cho việc gắn kết phát triển du lịch.

Đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, với những tiềm năng sẵn có, nếu làm tốt công tác xây dựng sản phẩm và quảng b tuyến du lịch trên sông Long Hồ, trong đó có điểm đến là làng nghề chằm nón, sẽ mang đến những trải nghiệm hấp dẫn, thu hút du khách trong thời gian tới.

Các tin khác