Hàng container qua cảng tăng 35%
Chiếm 2/3 hoạt động xuất nhập khẩu của phía Nam và 100% hoạt động xuất nhập khẩu đi Mỹ, những ngày cuối tháng 8-2021, đường vào khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải vẫn tấp nập xe cộ qua lại. Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành ở khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, để giảm thiểu thiệt hại đối với hoạt động xuất nhập khẩu, các DN cảng biển đã và đang thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp ngăn dịch xâm nhập để duy trì hoạt động khai thác.
Cụ thể, tại cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT), từ ngày 7-7 đến nay, các doanh nghiệp (DN) đã chủ động áp dụng giải pháp “3 tại chỗ”, bố trí khu vực sinh hoạt, làm việc độc lập giữa các bộ phận và thực hiện giãn cách từng nhóm công việc thường xuyên tiếp xúc với khách hàng như: thương vụ, thu ngân và duy trì test nhanh 3 ngày/lần. Đại diện TCIT cho biết, đơn vị khuyến khích khách hàng đăng ký thủ tục dịch vụ và triển khai thanh toán trực tuyến để phòng dịch.
Cùng với TCIT, cảng dịch vụ tổng hợp Hưng Thái, cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) cũng nhanh chóng thực hiện kế hoạch “3 tại chỗ”, kiểm soát kỹ người lao động, nhà thầu, khách hàng khi ra vào cảng, phân tách các khu vực và luồng hàng để giảm thiểu sự tiếp xúc giữa các khu vực và luồng hàng, đồng thời dễ dàng khoanh vùng khi có ca F0 tại từng khu vực.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, hơn 90% khối lượng hàng hóa thương mại được vận chuyển bằng đường biển, trong đó, cảng nước sâu là cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ xuất khẩu. Nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, kết quả 8 tháng năm 2021, sản lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển vẫn đạt gần 16,8 triệu TEU, tăng 18% so với cùng kỳ. Trong đó, hàng xuất khẩu đạt hơn 5,4 triệu TEU, tăng 16%, hàng nhập khẩu đạt hơn 5,5 triệu TEU, tăng 21% so với cùng kỳ và đặc biệt, riêng cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, hàng container thông qua cảng đạt 3,2 triệu TEU, tăng tới 35%.
Ứng phó với dịch bệnh kéo dài
Nhờ kiểm soát và thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống dịch, một số cảng xuất hiện trường hợp mắc Covid-19 và đã được phát hiện kịp thời. Tuy vậy, sau hơn 2 tháng thực hiện mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến” cũng đã bộc lộ một số hạn chế nhất định.
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc CMIT cho biết, chi phí đầu tư hạ tầng thiết yếu, ăn ở, sinh hoạt, phụ cấp và phí test Covid-19 định kỳ cho hơn 350 nhân viên công ty, nhà thầu trong cảng lên đến hơn 1 tỷ đồng/tuần đang khiến DN gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nếu kéo dài, tâm lý người lao động bị ảnh hưởng sau thời gian dài ở lại nơi làm việc, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất làm việc và an toàn lao động.
CMIT đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh cho phép DN thực hiện kết hợp nhiều giải pháp như: chỉ tiếp tục áp dụng “3 tại chỗ” cho nhân viên có địa chỉ cư trú ở tỉnh khác và trong tỉnh nếu ở vùng đỏ, vùng vàng có nguy cơ cao. Áp dụng giải pháp “vùng xanh + 2 tại chỗ + 1 cung đường”.
Cụ thể, sẽ cho phép nhân viên ở vùng xanh được di chuyển đi làm hàng ngày với cam kết khi về nhà không di chuyển khỏi khu vực đang cư trú; tuân thủ 5K tại địa phương, thực hiện 2 tại chỗ tại nơi làm việc. DN cũng kiến nghị tỉnh xây dựng chính sách nhất quán giữa các địa phương và DN để có thể đưa đón nhân viên tại một số điểm đón quy định trên 1 cung đường thay vì đón tại nhà hay bắt buộc phải thực hiện “1 cung đường 2 điểm đến”.
Các giải pháp kết hợp trên sẽ mở ra hướng mới vừa bảo đảm công tác phòng chống dịch, vừa giúp DN cảng duy trì vận hành một cách linh hoạt, đồng thời có thể chi viện, tiếp nhận thêm tàu từ cảng Cát Lái hay các cảng khu vực TPHCM nếu các nơi này bị tắc nghẽn.
Trước những khó khăn của DN, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành văn bản yêu cầu DN tổ chức đánh giá việc thực hiện mô hình “3 tại chỗ”, “3 cùng”, “1 cung đường 2 điểm đến”, “doanh nghiệp xanh” tại đơn vị mình. Phân tích rõ những thuận lợi, khó khăn và chọn mô hình phù hợp nhất để thực hiện trong thời gian tới nhưng phải đảm bảo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”.