Gỡ “điểm nghẽn” nguồn lực kinh tế tư nhân

(ĐTTCO)- Ngày 12-3, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý hoàn thiện Đề án “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam”.
Gỡ “điểm nghẽn” nguồn lực kinh tế tư nhân
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là 2 khu vực quan trọng của nền kinh tế, bên cạnh khu vực FDI, do đó cần phát huy tối đa khả năng phát triển của hai khu vực này. Về mặt khách quan, khu vực kinh tế tư nhân đang phát triển còn nhiều vướng mắc. 
“Tạm gọi là rào cản, nút thắt, điểm nghẽn mà chúng ta chưa tháo gỡ, khơi thông được, chưa giải phóng được nguồn lực từ tư nhân mặc dù nguồn lực này rất lớn” -ông Dũng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, khả năng tiếp cận vốn, đất đai, mặt bằng của các doanh nghiệp nhỏ rất hạn chế, hơn nữa là bản thân họ chưa sẵn sàng. Do đó, cần phải thay đổi từ tư duy, tạo sự thân thiện, đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư. Từ công tác xây dựng thể chế, Chính phủ sẽ thay đổi theo hướng kiến tạo để cho các doanh nghiệp phát triển. Đây là đề án lớn, hiện nay Bộ đã xây dựng và báo cáo, được Chính phủ đánh giá cao. 
“Làm thế nào khơi thông, giải phóng điểm nghẽn, nguồn lực, làm thế nào để doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, nhà đầu tư yên tâm đầu tư thay vì mua vàng, USD. Tôi rất sốt ruột về điều này. Chúng ta có thể không vượt qua bẫy trung bình nếu không thay đổi nhanh. Theo đánh giá của World Bank, cơ hội chỉ còn 10 năm nữa thôi vì đây là giai đoạn dân số vàng, đến năm 2030 bắt đầu chuyển sang già hóa dân số” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Gỡ “điểm nghẽn” nguồn lực kinh tế tư nhân ảnh 1 Hội thảo lấy ý kiến góp ý hoàn thiện Đề án “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam”.
Trình bày tham luận tại hội thảo, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết, qua hơn 30 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết thừa nhận và khẳng định vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân, từ "có vị trí quan trọng lâu dài" (Đại hội IX) đến “có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế” (Đại hội X và XI) và “là một động lực quan trọng của nền kinh tế” (Đại hội XII và Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII). 
Theo đó, hàng loạt những quyết sách lớn của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân đã được ban hành và triển khai thực hiện.
Trên thực tế, vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định và thể hiện rõ nét thông qua những đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội. Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 42-43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội… 
Đặc biệt, lực lượng doanh nghiệp tư nhân đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi “diện mạo” đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; hình thành nhiều thương hiệu có tính cạnh tranh khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn hạn chế ở nhiều mặt; chưa thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế, thể hiện ở chỗ: (1) Năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp và có nhiều hạn chế; (2) Năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế, có nơi còn lạc hậu; (3) Trình độ quản trị doanh nghiệp còn thấp; (4) Tính liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu.
Bình luận về điều này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu Kinh tế của Thủ tướng đồng tình với nhận định này. Bổ sung thêm, bà Lan cho rằng “điểm nghẽn” lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp tư nhân là thiếu tính liên kết để cùng xây dựng chuỗi giá trị, đây là vấn đề cần phải nhanh chóng tháo gỡ.

Các tin khác