Thật chẳng bù cho cách nay vài năm, Liên hiệp HTX Xe buýt TPHCM là một trong những doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe buýt mạnh của TPHCM. Đã có thời, cứ 2 - 3 phút là có một xe buýt của Liên hiệp HTX Xe buýt xuất bến với đầy ắp hành khách. Hồi ấy, hầu hết sinh viên của làng đại học Thủ Đức đều sử dụng xe buýt của Liên hiệp HTX Xe buýt để đi và về trung tâm thành phố.
Có nhiều nguyên nhân đẩy hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt của TPHCM nói chung và Liên hiệp HTX Xe buýt TPHCM nói riêng những năm gần đây vào tình thế khó khăn.
Có nhiều nguyên nhân đẩy hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt của TPHCM nói chung và Liên hiệp HTX Xe buýt TPHCM nói riêng những năm gần đây vào tình thế khó khăn.
Thế nhưng, như chính người trong cuộc nhận định, việc trợ giá chậm và lạc hậu là nguyên nhân lớn nhất khiến cho lương của các xã viên chậm được thanh toán đầy đủ, ảnh hưởng lớn đến chất lượng hoạt động của xe buýt.
Phát triển vận tải hành khách công cộng là chủ trương lớn của TPHCM, lãnh đạo thành phố đã có rất nhiều chỉ đạo hỗ trợ cho hoạt động này, nhưng tình trạng trợ giá chậm và lạc hậu vẫn chưa được các sở ngành chức năng giải quyết dứt dạt. Thế nhưng, đây không phải trường hợp cá biệt… Tình trạng doanh nghiệp gặp khó, không thể phát triển, thậm chí teo tóp do các cơ quan chức năng chậm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp diễn ra khá phổ biến ở rất nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Ngay như nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn cũng gặp khó như vậy. Câu chuyện ở Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) là một ví dụ. Cảng Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất quá tải từ nhiều năm nay nhưng việc đầu tư xây dựng thêm nhà ga T3 vẫn chỉ nằm trong kế hoạch đầu tư sắp tới của ACV. Không phải ACV không thu xếp được vốn mà chủ yếu do vướng thủ tục hành chính. Hay như câu chuyện kinh doanh gặp rất nhiều sóng gió trong năm qua của hàng loạt doanh nghiệp bất động sản tại TPHCM cũng như trên toàn quốc mà nguyên nhân chủ yếu cũng liên quan đến các quy định về đất công, về thủ tục đầu tư.
Trở lại câu chuyện xe buýt, lãnh đạo Liên hiệp HTX Xe buýt TPHCM cho biết, đơn vị đã gửi rất nhiều văn bản kiến nghị giải quyết khó khăn lên ngành chức năng. Thậm chí Hiệp hội Xe buýt TPHCM cũng có văn bản chung gửi cơ quan chức năng, nhưng câu trả lời họ thường được nhận rất chung chung “đang giải quyết”. Ai giải quyết? Bộ phận nào giải quyết? Bao giờ giải quyết xong? Chẳng mấy khi được cơ quan chức năng trả lời thật rõ. Truy thêm nữa thì họ trả lời, vướng mắc này liên quan đến quy định này, quy định kia… cần phải báo cáo lên trên.
Nói xa hơn, ngay cả nhiều đồng tiền đi vay “lãi mẹ đẻ lãi con từng ngày” nhưng cũng chậm được giải ngân để đưa vào sử dụng vì vướng thủ tục. Đầu tư công ở nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp cũng vì lý do ấy. Đích thân Thủ tướng Chính phủ cũng như nhiều đồng chí lãnh đạo khác trong Chính phủ đã rất bức xúc về tình trạng này. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kiểm điểm, xử lý tổ chức, cá nhân chậm hoặc cản trở việc giải ngân đầu tư công.
Có thể thấy, doanh nghiệp gặp khó có nghĩa nguồn thu của Nhà nước sẽ bị ảnh hưởng, việc làm cho người lao động vì thế cũng giảm đi. Sâu xa hơn, tình hình trật tự an toàn xã hội cũng sẽ bị tác động không tốt. Với doanh nghiệp, thời gian cũng là tiền bạc… cơ hội kinh doanh, đầu tư đối với họ rất quan trọng nên việc đá trái banh trách nhiệm lòng vòng rất cần có quy chế chịu trách nhiệm cụ thể, phòng ngừa, ngăn chặn.