TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính – ngân hàng lưu ý, việc thực thi gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội cần được dẫn hướng và giám sát để “đúng và trúng” mục tiêu. Bởi nếu không, sự “lạc hướng” sẽ dẫn dòng vốn chảy vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, có thể “thổi lên” bong bóng bất động sản, chứng khoán.
Điều này sẽ tạo hệ quả tiêu cực, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đang phục hồi chậm trong dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Gắn với “bong bóng” bất động sản, chứng khoán sẽ là thách thức trên thị trường tài chính, cụ thể là tín dụng ngân hàng với tình trạng nợ xấu có thể gia tăng mạnh.
Chuyên gia đánh giá, ngành tài chính mới đây đã có những động thái tích cực với những chỉ thị chấn chỉnh trên thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… nhưng việc giám sát này cần làm mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh khuyến nghị tiếp tục phòng chống dịch tốt, ổn định kinh tế vĩ mô, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, gói tài chính hỗ trợ phải thúc đẩy vào những nhóm ngành trụ cột tăng trưởng nền kinh tế, như lĩnh vực xuất khẩu, chế biến chế tạo, để không chỉ giữ đà phục hồi của năm 2021 mà tranh thủ tận dụng được cơ hội thị trường thế giới mở ra trong năm 2022 này để chiếm lĩnh sâu hơn, rộng hơn thị trường thế giới.
“Chìa khóa và thách thức là phải có lộ trình mở cửa kinh tế mạnh dạn, an toàn, và nhất quán. Nếu không mở cửa cho giao lưu kinh tế trở lại, chúng ta không thể phục hồi được thương mại, dịch vụ, nhất là du lịch (2 năm qua 95% cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch đóng cửa, cần tái khôi phục…)”, GS.TS. Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.