Bởi lẽ, cơ chế sẽ tạo điều kiện để TPHCM - nơi tập trung hơn 50% doanh nghiệp của cả nước - bổ trợ nội lực cho doanh nghiệp trong bối cảnh sức ép cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt.
3 nút thắt về vốn cần tháo gỡ
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC), cho biết HFIC chính thức được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 13-4-2010 trên cơ sở đảm nhận các chức năng và nhiệm vụ chủ yếu như: huy động các nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật với các hình thức phát hành trái phiếu, vay vốn của các tổ chức tài chính, tín dụng, tiếp nhận các nguồn tài trợ, nhận ủy thác các nguồn vốn; đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào các lĩnh vực, ngành nghề mà thành phố cần ưu tiên đầu tư.
Đoàn chuyên gia của Tập đoàn Samsung tìm kiếm cơ hội thu mua sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp Việt Nam |
Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025, HFIC được TPHCM giao nhiệm vụ tập trung thúc đẩy đầu tư mạnh vào các lĩnh vực then chốt. Tuy nhiên, hoạt động của đơn vị chưa đạt hiệu quả như mong muốn do vướng bất cập trong quy định về chức năng. HFIC hoạt động như quỹ đầu tư, nhưng lại chịu chi phối theo quy định về doanh nghiệp nhà nước.
Do vậy, nguồn lợi nhuận thu được từ hoạt động cho vay vốn không được bổ sung vào nguồn vốn điều lệ. Điều này đã hạn chế nội lực vốn cho vay của đơn vị. HFIC là đơn vị chủ lực cho vay chương trình kích cầu đầu tư, thế nhưng, chương trình này đã bị gián đoạn chủ trương trong 2 năm qua. Những doanh nghiệp được phê duyệt vay vốn từ nguồn vốn này trong năm 2019 đang có nguy cơ bị phá sản kế hoạch đầu tư vì trong suốt 2 năm qua không được giải ngân.
Trên cơ sở đó, 3 vấn đề liên quan đến HFIC đã được UBND TPHCM đề xuất trong dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Cụ thể, để có thể tăng vốn điều lệ cho HFIC, tạo cơ sở thuận lợi cho đơn vị này đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp, TPHCM đề xuất cho phép HFIC giữ nguồn vốn thu được từ việc cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc quản lý của thành phố.
Cùng với đó, cho phép HFIC được hoạt động theo chế định Quỹ đầu tư. Với hình thức này, phần lợi nhuận thu được từ hoạt động cho vay của HFIC sẽ phải tuân thủ quy định trích lập quỹ dự phòng. Số dư còn lại sẽ được bổ sung vào vốn điều lệ để tăng nguồn vốn vay của đơn vị. Cuối cùng là khởi động lại Chương trình cho vay kích cầu đầu tư vốn (đã bị gián đoạn 2 năm nay) nhằm tái cấp vốn cho các dự án đang dang dở cũng như cho vay mới với dự án trong lĩnh vực ưu tiên phát triển của TPHCM.
Tăng hiệu quả đồng vốn của ngân sách
Trong nhiều năm qua, nguồn vốn cho vay từ HFIC đã trợ lực phát triển lớn cho các doanh nghiệp thành phố. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết, chỉ tính riêng trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đã có 32 dự án đầu tư của 28 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố với tổng mức đầu tư là hơn 2.300 tỷ đồng. Trong đó, số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay là hơn 1.300 tỷ đồng.
Hiện bình quân số vốn đầu tư một dự án là trên 73 tỷ đồng, bình quân số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay mỗi dự án là 41 tỷ đồng. Trong đó, mức hỗ trợ lãi vay cho các dự án lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là 100% trong thời gian tối đa 7 năm.
“Có thể nói, với mức lãi suất bình quân 8% và thời gian hỗ trợ tối đa là 7 năm, ngân sách thành phố bỏ ra hơn 460 tỷ đồng tiền hỗ trợ lãi vay và thu hút được 2.330 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển sản xuất của các doanh nghiệp thành phố. Nếu tính bình quân thì 1 đồng ngân sách bỏ ra sẽ thu hút được hơn 5 đồng từ nguồn lực xã hội. Một bài toán đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế rất tích cực”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhận xét.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Văn Trí, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc - một đơn vị chuyên về cơ khí khuôn mẫu, cho biết thêm, nhờ tiếp cận nguồn vốn vay từ chương trình kích cầu đầu tư mà Công ty TNHH Lập Phúc nói riêng và nhiều doanh nghiệp khác trong Hội Cơ khí Điện TPHCM nói chung đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tương tự, các doanh nghiệp như Công ty TNHH Sản xuất thương mại in Minh Mẫn, Công ty Cơ khí Chính xác CNS Amura, Công ty TNHH Lập Phúc, Công ty cổ phần CNHT Minh Nguyên… đã gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn Samsung, Panasonic, Intel, Nidec Sankyo, Techtronic Industries Việt Nam…
Một nghiên cứu của Tổ chức Qima - một nhà cung cấp các giải pháp chuỗi cung ứng - công bố vào năm 2022 cho thấy, trong 700 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối trên toàn cầu được lấy ý kiến, có đến 1/4 doanh nghiệp đã chọn Việt Nam là 1 trong 3 thị trường hàng đầu cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, có 38% doanh nghiệp Hoa Kỳ và 28% doanh nghiệp châu Âu, còn lại các quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Do vậy, việc tăng nguồn vốn điều lệ cho HFIC là rất cần thiết để phát huy nguồn vốn từ ngân sách phục vụ cho hoạt động đầu tư sản xuất của doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp cũng có thêm nội lực để tăng khả năng cạnh tranh, trụ vững trên thị trường trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đang diễn biến khá phức tạp, khó lường và nhiều rủi ro với doanh nghiệp.