Đụng trần từ đầu năm
Trần nợ được Quốc hội đưa ra vào năm 1917, quy định giới hạn số tiền nợ liên bang tối đa của chính phủ Mỹ. Và Chính phủ Mỹ đã thâm hụt trung bình gần 1.000 tỷ USD mỗi năm kể từ năm 2001. Để bù đắp, chính phủ phải đi vay để tiếp tục tài trợ cho các khoản thanh toán, nhưng thâm hụt ngày một lớn khiến việc đi vay phải ngày càng nhiều hơn.
Về mặt kỹ thuật, Mỹ đã đụng trần nợ 31.400 tỷ USD vào tháng 1, buộc Bộ Tài chính phải sử dụng các biện pháp kế toán, cho phép chính phủ tiếp tục thanh toán các hóa đơn của mình, bao gồm cả các khoản thanh toán cho trái chủ sở hữu nợ chính phủ. Dù vậy, theo bà Yellen, các biện pháp này chỉ có khả năng trì hoãn việc vỡ nợ tối đa đến đầu tháng 6.
Tính đến ngày 30-4, chính phủ Mỹ có số dư tiền mặt khoảng 300 tỷ USD. Như vậy khả năng trì hoãn việc vỡ nợ của bà Yellen phụ thuộc một phần vào số tiền thuế thu được từ chính phủ liên bang trong quý I, cũng như các khoản thanh toán cho năm tính thuế 2022 vẫn đang được thu gom. Tuần trước, các nhà kinh tế của Goldman Sachs đã dự đoán vào tuần thứ 2 của tháng 6, Bộ Tài chính có thể còn lại khoảng 60 tỷ USD tiền mặt, điều này sẽ cho phép chính phủ tiếp tục thực hiện các khoản thanh toán cho đến cuối tháng 7.
Nhưng một số nhà phân tích ngân sách tin rằng, các cơn bão sắp tới có thể làm phức tạp khả năng của Bộ Tài chính trong việc trì hoãn vỡ nợ. Bão lớn, lũ lụt và lở đất ở California, Alabama và Georgia trong năm nay đã khiến Sở Thuế vụ (IRS) phải đẩy thời hạn nộp thuế từ ngày 18-4 sang tháng 10 đối với hàng chục quận. IRS cũng cho những khu vực bị ảnh hưởng nhiều thời gian hơn để đóng góp vào tài khoản hưu trí và tiết kiệm sức khỏe, có khả năng ảnh hưởng đến thu nhập chịu thuế của họ.
Vì thu không bù chi, và nợ năm sau luôn cao hơn năm trước, nên việc tăng hoặc hoãn trần nợ trở nên cần thiết. Trong phần lớn thế kỷ qua, việc nâng trần là thủ tục tương đối thường xuyên đối với Quốc hội. Bất cứ khi nào Bộ Tài chính không còn khả năng thanh toán các hóa đơn của chính phủ, Quốc hội nhanh chóng hành động để tăng trần nợ.
Kể từ năm 1960, Quốc hội đã tăng mức trần 78 lần, gần đây nhất vào năm 2021. Quốc hội cũng có thể chọn đình chỉ trần nợ. Mặc dù động thái này rất hiếm trong suốt 90 năm đầu từ khi có mức trần, nhưng Quốc hội đã đình chỉ giới hạn nợ 7 lần kể từ năm 2013.
Tranh luận trần nợ
Cuộc tranh luận về mức trần nợ trong thập niên qua giữa 2 đảng Công hòa và Dân chủ, đã khiến các nhà kinh tế như Roger Ferguson của CFR xem xét viễn cảnh không thể tưởng tượng được về một vụ vỡ nợ của Mỹ. Một số chuyên gia cho rằng điều đó sẽ dẫn đến sự hỗn loạn cho nền kinh tế Mỹ và toàn cầu. Ngay cả khi không có khả năng vỡ nợ, việc chạm trần nợ sẽ cản trở khả năng của chính phủ trong việc tài trợ cho các hoạt động của mình, bao gồm cấp ngân sách cho quốc phòng hoặc tài trợ cho các quỹ như Medicare hoặc An sinh xã hội.
Những hậu quả tiềm ẩn của việc đụng trần bao gồm việc các cơ quan xếp hạng tín dụng hạ cấp, tăng chi phí vay cho doanh nghiệp cũng như chủ nhà, và sự sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng có thể gây sốc cho thị trường tài chính Mỹ, đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Các nhà kinh tế của Goldman Sachs ước tính việc vi phạm trần nợ sẽ ngay lập tức khiến khoảng 1/10 hoạt động kinh tế của Mỹ bị đình trệ. Theo tổ chức tư vấn Third Way, việc vỡ nợ có thể khiến 3.000.000 người mất việc làm, thêm 130.000USD vào chi phí của một khoản thế chấp trung bình trong 30 năm và tăng lãi suất đủ để tăng khoản nợ quốc gia thêm 850 tỷ USD.
Các chuyên gia cho rằng, việc Mỹ vỡ nợ có thể tàn phá thị trường tài chính toàn cầu. Độ tin cậy của chứng khoán kho bạc Mỹ từ lâu đã thúc đẩy nhu cầu đối với USD, góp phần nâng cao giá trị và vị thế của chúng với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới. Bất kỳ tác động nào đến niềm tin vào nền kinh tế Mỹ, đều có thể khiến các nhà đầu tư bán trái phiếu kho bạc Mỹ và làm suy yếu đồng USD.
Hơn một nửa dự trữ ngoại tệ của thế giới được giữ bằng USD, do đó nếu giá trị của đồng tiền này giảm đột ngột sẽ tác động tiêu cực đến các quốc gia nghèo nặng nợ, cũng như đẩy một số nền kinh tế mới nổi vào khủng hoảng nợ. Nhưng nhiều nhà xuất khẩu Mỹ có thể hưởng lợi từ việc USD giảm giá.
Sự bất ổn của đồng bạc xanh cũng có thể mang lại lợi ích cho các đối thủ lớn như Trung Quốc. Dù Bắc Kinh đang tìm cách định vị đồng Nhân dân tệ như một tiền tệ dự trữ toàn cầu, nhưng đồng tiền này chỉ chiếm dưới 3% dự trữ ngoại hối được phân bổ của thế giới.
Chính phủ làm gì nếu Quốc hội không hành động?
Nếu các cuộc đàm phán của Quốc hội về mức trần nợ không được giải quyết trước khi mức trần đạt được, Bộ Tài chính có thể ngăn chặn tình trạng vỡ nợ trong vài tháng bằng một loạt hành động được xem là “các biện pháp đặc biệt”. Chúng bao gồm đình chỉ thanh toán cho một số chương trình tiết kiệm của nhân viên chính phủ, đầu tư dưới mức vào một số quỹ của chính phủ và trì hoãn đấu giá chứng khoán.
Mặc dù Bộ Tài chính đã sử dụng các biện pháp này khi các cuộc đàm phán trước đó bị đình trệ (bao gồm cả năm 2011 và 2013), Quốc hội chưa bao giờ thất bại trong việc nâng mức trần trước khi các biện pháp này cạn kiệt. Nếu Quốc hội không hành động để tăng giới hạn nợ bất chấp các biện pháp khẩn cấp như vậy, chi tiêu liên bang sẽ phải giảm mạnh hoặc thuế sẽ phải tăng đáng kể (hoặc kết hợp cả hai).
Năm 2023, trần nợ đã chạm mức trần vào ngày 19-1. Bà Yellen đã cảnh báo các biện pháp đặc biệt có thể cạn kiệt trước ngày 1-6. Nhiều người cho rằng Mỹ có thể in thêm tiền để trả nợ. Tuy nhiên, bà Yellen bác bỏ đề xuất đúc đồng xu bạch kim trị giá 1.000 tỷ USD để đảm bảo rằng Mỹ vẫn có khả năng thanh toán.
Việc không đáp ứng các nghĩa vụ của chính phủ sẽ gây ra tác hại không thể khắc phục đối với nền kinh tế Mỹ, sinh kế của người Mỹ và sự ổn định tài chính toàn cầu.
Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ