Hệ thống luật nhìn từ Hàn Quốc
Để đáp ứng nhu cầu CĐS trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, Hàn Quốc đã sớm ban hành các luật có liên quan đến fintech và ngân hàng số, mà Hàn Quốc gọi là internet-only-bank, hay neo-bank. Đó là: Luật Ngân hàng internet-only. Theo đó, cho phép các DN fintech có thể nắm giữ tối đa 34% cổ phần trong ngân hàng số, như Luật về các trường hợp đặc biệt được thiết lập và hoạt động ngân hàng số năm 2018 (Act on Special Cases Concerning Establishment and Operation of Internet-Only Banks), để cùng với Luật Ngân hàng (Bank Act) mở đường cho sự ra đời của 3 ngân hàng internet-only là K Bank, Toss Bank và Kakao Bank nhằm phục vụ cho các DN nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh và các đối tượng yếu thế, thu nhập thấp trong xã hội.
Luật Hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính, mà cốt lõi là các quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), với phương châm “cấp phép trước, điều chỉnh sau”, với thời hạn thử nghiệm 2 năm và chỉ gia hạn một lần 2 năm. Nhà nước cũng hình thành cơ chế chia sẻ dữ liệu Open Banking (Open API) năm 2019, và công bố nền tảng dữ liệu dùng chung MyData năm 2022, trên cơ sở sửa đổi Luật Thông tin tín dụng (sửa đổi năm 2020), Luật Xử lý khiếu nại dân sự (sửa đổi năm 2020), Luật Chính phủ điện tử (sửa đổi năm 2021), Luật Khuyến khích công nghiệp dữ liệu và kích hoạt sử dụng dữ liệu (sửa đổi năm 2021), và Luật Bảo vệ thông tin cá nhân (2021).
Tuy hết sức khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính số, nhưng việc xem xét cấp phép cũng như thanh tra, giám sát cho các loại hình dịch vụ tài chính số được thực hiện hết sức chặt chẽ, với bộ tiêu chí hết sức chi tiết theo luật định, từ số vốn tối thiểu và phương án huy động, đến tỷ trọng nắm giữ cổ phần của các pháp nhân, thể nhân tham gia góp vốn; kế hoạch kinh doanh cũng phải đáp ứng các chuẩn mực tài chính và kiểm soát nội bộ khắt khe; tiêu chuẩn cán bộ quản lý và nguồn nhân lực phải theo Luật Quản trị các công ty tài chính (Act on Corporate Governance of Financial Companies); hạ tầng công nghệ, trụ sở và nếu có các nhà đầu tư nước ngoài còn thêm các yêu cầu về thông tin nhân thân, chứng minh tài chính…
Đó là chưa kể đến yêu cầu các công ty tham gia góp vốn vào các ngân hàng số (internet-only) phải có quá trình 5 năm cuối không vi phạm các luật kinh doanh cơ bản như Luật cạnh tranh công bằng, Luật quản lý thuế hay các luật về tài chính, kinh doanh khác. Các cơ quan quản lý nhà nước của Hàn Quốc sẽ xuống tận DN để kiểm tra thực tế.
Ngân hàng truyền thống buộc cạnh tranh với fintech, big tech
Ngân hàng truyền thống buộc cạnh tranh với fintech, big tech
Thực sự khó có thể CĐS mạnh mẽ ngành tài chính, ngân hàng nếu thiếu các quy định của pháp luật vì mọi thứ đều rất mới mẻ. Cho dù công nghệ có tiên tiến đến đâu, cũng khó tránh khỏi những rủi ro tiềm ẩn cả từ phía người dùng đến nhà cung cấp dịch vụ. Với các hệ thống thanh toán, tín dụng truyền thống đã có hàng trăm năm lịch sử phát triển với các quy trình hết sức chặt chẽ, được kiểm chứng và liên tục hoàn thiện, thế mà vẫn xảy ra những sai sót, kể cả chủ quan cũng như khách quan, sơ ý hay cố ý…
Do vậy với những phương thức, phương pháp hoàn toàn thực hiện dịch vụ mới trên nền tảng số, chúng ta lại càng phải thận trọng, nhất là khi các nền tảng dữ liệu Open Banking (Standardized Open APIs) thông qua định chế mạng lưới thanh toán liên ngân hàng KFTC (Korea Financial Telecommunication & Clearings Institute) và My Data, kết nối và tích hợp hầu hết cơ sở dữ liệu công dân, thông tin tài chính, tài sản, tín dụng, tài khoản ngân hàng cá nhân trên nền tảng số.
Hiện nay, chiến lược CĐS trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng của Hàn Quốc tập trung vào tăng cường khả năng cạnh tranh của các nền tảng dịch vụ tài chính, và mở rộng mạng lưới các điểm dịch vụ kỹ thuật số. Các ngân hàng truyền thống, với các fintech lab và hệ thống start-up fintech của mình, đang tăng cường khả năng cạnh tranh với các fintech, big tech qua phát triển các siêu ứng dụng trên nền điện thoại di động thông minh, giống như các ngân hàng internet-only, với nhiều tính năng, dịch vụ tài chính, thậm chí là phi tài chính được tích hợp, tối đa hóa tiện lợi, thân thiện với mọi đối tượng khách hàng, đáp ứng ngày càng rộng các nhu cầu của đời sống sinh hoạt của người dân.
Góc nhìn cho Việt Nam
Đối với Việt Nam, một trong các khâu đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chính là “Hoàn thiện pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình CĐS quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng... Hoàn thiện pháp luật, chính sách về dữ liệu, quản trị dữ liệu”. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, để sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng.
Sau khi sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử 2005, Luật Phòng chống rửa tiền, và trong năm 2023 Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi hay Luật Ngân hàng Nhà nước, sẽ được Quốc hội xem xét sửa đổi để theo kịp thực tiễn đang đặt ra cho quá trình CĐS trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Đó là những cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy CĐS trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, góp phần thúc đẩy 3 trụ cột CĐS quốc gia: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, làm cho xã hội nước ta ngày một văn minh, minh bạch hơn, giảm thiểu các rủi ro về tài chính cho cả cộng đồng và DN, tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.